Giữ nếp nhà cho con

09/04/2016 - 15:00

PNO - “Mái ấm có được phần lớn là do công sức của vợ tôi, chính cô ấy là người đã tạo dựng nên nền nếp gia đình tuyệt vời...".

Giu nep nha cho con
Nhạc sĩ Miên Đức Thắng.

Nhắc đến nhạc sĩ Miên Đức Thắng, ngoài những bản nhạc phản chiến nổi tiếng anh viết từ thập niên 70, bạn bè văn nghệ còn luôn ngưỡng mộ gia đình êm ấm và bốn cô con gái xinh đẹp, giỏi giang của anh. Với nhạc sĩ, đó là gia tài quý giá và đáng tự hào mà anh và bà xã đã gầy dựng lên từ câu chuyện tình thời sinh viên đẹp đẽ, từ cảm nhận chính xác của anh về người phụ nữ sẽ đi cùng mình suốt con đường đời.

Chuyện tình thời sinh viên

Năm 1969 anh gặp chị khi cả hai tham gia các hoạt động cứu trợ tại Huế. Chị là "cô Bắc kỳ nho nhỏ" học ngành dược nên đi phát thuốc. Chiều chiều, những người trẻ tụ họp về bệnh viện Huế với tâm trạng ngổn ngang trước sự tàn khốc của chiến tranh. Trong bối cảnh ấy, hình ảnh chàng thanh niên - nhạc sĩ sáng tác những bài ca phản chiến nói về khát vọng hòa bình, đã ngấm vào trái tim chị. Đến bây giờ, nhắc lại chuyện tình ngày ấy, anh còn ngâm nga hai câu “Trai khôn tìm vợ chợ đông, gái khôn tìm chồng giữa chốn ba quân”. Chính môi trường nhiều nhiệt huyết, đầy lý tưởng của những người trẻ sống vì mọi người đã đưa họ đến gần nhau.

Tháng 10/1969, Miên Đức Thắng bị chính quyền Sài Gòn bắt giữ và tuyên án 5 năm khổ sai vì những bài hát phản chiến. Đứng trước tòa, chàng trai trẻ khảng khái nói về ước mơ hòa bình, ước mơ hạnh phúc cho đồng bào và cho mảnh đất quê hương, nơi một ngày kia, khi anh trở về, ngôi nhà của cha mẹ bị bom napan thiêu rụi, bức hình cha mẹ để trên bàn thờ, cuốn gia phả của dòng họ không còn. Sau phiên tòa, trở về trại giam, nhạc sĩ trẻ đằm mình với nỗi buồn của một người không còn mấy ai thân thuộc trên đời.

Cũng vì thế mà khi nghe báo có người thăm nuôi, là cô gái mới quen trong chuyến đi cứu trợ, với anh là hạnh phúc không gì sánh nổi. Người bên trong, kẻ đứng ngoài song sắt, giữa bao ồn ã của hàng trăm con người đồng cảnh ngộ, họ chỉ biết lặng thinh nhìn nhau. Nhờ sự đấu tranh của Tổng hội sinh viên, anh được ra tù sớm, cũng là cô gái ấy chạy lo giấy tờ đón anh ra.

Giu nep nha cho con
Bốn cô con gái xinh đẹp của nhạc sĩ Miên Đức Thắng

Ra tù, điều đầu tiên anh suy nghĩ là: người đã giúp mình, đã ở bên mình trong hoạn nạn chính là vợ mình chứ còn ai nữa. Thế là họ thành vợ thành chồng. Tình yêu bắt nguồn từ lý tưởng đẹp, sự sẻ chia, thấu hiểu sâu sắc, đồng cam cộng khổ ấy của vợ chồng nhạc sĩ Miên Đức Thắng đã giúp họ có được một gia đình êm ấm với bốn cô con gái xinh đẹp, giỏi giang. Vị nhạc sĩ khẳng định: “Mái ấm có được phần lớn là do công sức của vợ tôi, chính cô ấy là người đã tạo dựng nên nền nếp gia đình tuyệt vời để các con trưởng thành và thành công, để tôi dù không có con trai cho “bằng anh bằng em” nhưng vẫn luôn cảm thấy rằng ước mơ của đời mình đã đạt được”.

Nhạc sĩ Miên Đức Thắng thành thật thừa nhận, mãi đến năm 1989, khi cùng cả nhà qua Đức, anh mới thấy những mong ước về một cậu con trai nhạt đi hoàn toàn. Năm ấy con gái út của anh vừa tròn ba tuổi, con gái đầu 19 tuổi. Khi các con dần lớn lên, bắt đầu học mẹ nấu món ăn Việt, biết chăm sóc, yêu thương, kính trọng cha mẹ, chăm chỉ học hành và quyết tâm phấn đấu cho sự nghiệp, anh mới thấy mãn nguyện, hài lòng về sự “sinh con một bề”.

Giữ nếp nhà Việt ở phương xa

Mồ côi cha mẹ từ ngày còn rất nhỏ, hình ảnh về một mái ấm trong nhạc sĩ Miên Đức Thắng hết sức nhạt nhòa. Bản tính nghệ sĩ tự do, phóng khoáng, khái niệm về nếp nhà trong anh cũng chẳng mấy rõ nét. Nhưng điều đó lại là nỗi băn khoăn mơ hồ của hai vợ chồng khi đưa các con sang trời Tây, chứng kiến người Việt Nam mặc cảm, xấu hổ về sự nghèo khó; khi thấy những đứa trẻ Việt lớn lên hòa nhập văn hóa bản xứ rồi quên mất cội nguồn.

Vì lẽ đó, vợ chồng Miên Đức Thắng chăm chút nhiều hơn cho nếp nhà thuần Việt, bắt đầu từ không gian hướng về cội nguồn như bàn thờ Phật, bàn thờ ông bà, bộ bàn ghế cổ mang từ Việt Nam qua, tranh ảnh treo trên tường, cho đến những giờ học tiếng Việt, những món ăn Việt mà các cô gái phải học chế biến từ khi còn rất nhỏ và nếp sống thuần Việt từ lời ăn tiếng nói, câu chào.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI