|
Nhà vườn ven sông ở Củ Chi - Ảnh: Sơn Vinh |
"Sao bà không bán bớt vườn đi, rồi chuyển vào gần trung tâm ở với con cháu? Tuổi này, sống một mình như vậy thật không nên chút nào!", tôi thắc mắc.
Đáp lại băn khoăn của tôi là lời giải thích không thể đơn giản hơn: “Mấy đời nhà tôi đều sống ở đây. Nội tôi, cha mẹ tôi, cả tôi cũng làm vườn ở đây từ nhỏ tới giờ. Tôi không muốn dời đi đâu hết. Hồi trẻ còn không đi, nay già rồi, quen với vườn rồi”.
Khu vườn của bà Tư cách bờ sông chừng vài trăm mét, con đường đất mát rượi dưới các tàn lá đan xen. Ngôi nhà mái lá của bà lọt thỏm giữa các loại cây ăn trái và giàn bầu giàn mướp, cây trà cây cải, một kiểu tự cung tự cấp rau xanh ngày xưa.
Một bà già lụm cụm thui thủi như vậy liệu có thấy buồn? Sẽ ổn chứ? Bà Tư hơi nặng tai, tôi phải hỏi mấy lần bà mới nghe kịp: "Là tui thích sống ở đây đó chớ!".
Bà Tư chính là hàng xóm mới của chúng tôi. Dành dụm nhiều năm, gia đình tôi đã có thể sở hữu một mảnh vườn be bé nơi đây, nhằm thỏa lòng đam mê cây cối được nuôi dưỡng qua nhiều thế hệ.
Năm đó, khi làm thủ tục giấy tờ sang tên mua bán ở phòng công chứng, tôi đã ngạc nhiên trước lượng người đến đây giao dịch, cùng với một bộ phận đông đảo nhân viên môi giới bất động sản, còn được gọi dân dã là “cò đất”.
Đường vào khu vườn bắt gặp nhiều tấm bảng rao bán đất bán vườn, nên chúng tôi đã lo âu về một làn sóng “bỏ vườn về phố”. Tệ hơn nữa, là sợ những mảng xanh quanh đây sẽ biến thành những khối bê tông cao ngất, đông đúc tấp nập mà lạnh lùng.
Thế nhưng, cảm giác ấy nhanh chóng tan đi, sau cuộc trò chuyện cùng bà Tư, một cư dân kỳ cựu của xứ này. Nhất là thời gian sau đó, những tấp nập của cơn sốt đất đã được dẹp yên, trao trả lại giá trị thực cho người thật sự muốn gởi tình yêu vào đất.
Bạn có tin không, chỉ chừng 30 phút lái xe từ nội thành thôi, chúng ta sẽ gặp một Sài Gòn rất khác. Những tòa nhà sừng sừng, từng con đường ken đầy người và xe cộ, âm thanh ồn ào của phố phường dường như chưa từng tồn tại. Nhìn quanh, ta sẽ thấy cây cối, hoa cỏ, chim trời, sông nước và những mái nhà đơn sơ. Mình đang lạc về một vùng nông thôn nào đó chăng?
Đó là suy nghĩ của khi tôi trầm trồ đứng ở bờ sông Sài Gòn, ngay đoạn xã Trung An, phía bên kia là Lái Thiêu thuộc tỉnh Bình Dương. Cảm giác y như mình đang ở “dưới quê”, thiệt tình! Dù nhà cửa, hàng quán không còn thưa thớt lắm, nhưng đâu đâu cũng thấy màu xanh, lại thêm nhiều mảnh ruộng trồng lúa, rau muống, rau răm, và cỏ cho bò, loại gia súc nổi tiếng của Củ Chi.
Từ quận 12, sang Hóc Môn rồi Củ Chi, con đường ra cửa ngõ phía Đông Bắc của thành phố, may mắn thay, vẫn rợp màu xanh của cây cối ven kênh rạch. Sông vẫn trôi, lục bình tím ngắt, những cụm cây dại chen chúc. Người Sài Gòn ngày càng ý thức được giá trị của cây xanh. Xuôi qua Nhà Bè, về hướng Cần Giờ, chúng ta càng đi càng thấy mình như trở lại với rừng, trong bạt ngàn cây cối. Lá phổi xanh của thành phố là đây, bảo tồn thiên nhiên, cảnh quan tự nhiên cũng là đây.
Ngoài ra, Thanh Đa, Thủ Đức vẫn là những chốn quen, được người Sài Gòn lựa chọn quay về mỗi khi nhung nhớ màu xanh mát lành của cây cối. Nhịp sống ngày càng hối hả, áp lực mỏi mệt nhiều bề, thì người đô thị càng khao khát trở lại làm “nông dân”, hướng về ngoại ô để tìm môi trường sống trong lành.
Trong bức tranh phát triển của thành phố, ngoài rực rỡ ánh đèn, sự ấn tượng của từng tòa nhà vươn cao, thì không thể quên kể việc bảo tồn màu xanh đã được chính quyền xem trọng. Nhờ đó mà người dân cũng dần nâng cao ý thức hơn về không gian sống của bản thân và các thế hệ kế thừa. Sang trọng, cổ kính hay hiện đại, thì cũng không thể nào thiếu bóng cây. Cây là sức sống của thành phố, là hy vọng, là tương lai bền vững. Người ta thêm yêu quảng trường trước Bưu điện thành phố, Đường sách và nhà thờ Đức Bà, bởi nơi đó rợp mát. Người ta hẹn nhau ghé chỗ này chỗ kia gặp gỡ, tụ họp, vì địa điểm ấy còn tự nhiên hoang sơ hoặc “giống ở quê mình”. Đơn giản vậy thôi.
|
Mùa hoa kèn hồng bâng khuâng trên phố - Ảnh: Nguyễn Quang |
Nếu từng có dịp từ sân bay Changi về trung tâm của Singapore, du khách sẽ không khỏi trầm trồ trước bạt ngàn cây cối. Đảo quốc sư tử bé nhỏ, nhưng thảm thực vật rất đáng ngưỡng mộ vì Singapore là đất nước có mật độ cây cao nhất thế giới. Trông người lại ngẫm đến ta, có mấy ai không náo nức khi ngắm mùa hoa kèn hồng, hoa sứ ngan ngát dọc các con đường Hoàng Sa, Trường Sa. Con kênh năm nào còn đen ngòm, nhiều rác thải, nay đã trong xanh, cá tôm sinh sôi…
Chúng ta cũng khó quên những ngày thành phố thật buồn khi phải đốn hạ từng hàng cây để phục vụ xây dựng hạ tầng. Người Sài Gòn tiếc nuối, hiểu rằng cây trồng lâu lắm mới thành cổ thụ. Thế nhưng tôi tin rằng, những người có trách nhiệm của thành phố cũng trăn trở và xót xa không kém. Cứ nhìn sự cố gắng nâng niu dành riêng cho quy hoạch mảng xanh của thành phố thì rõ. Các công viên cũ và mới được ưu ái, nhằm nâng tỷ lệ cây xanh công cộng của thành phố.
Và chúng ta, những “ông chủ bà chủ” của xứ này, mỗi ngày đều góp phần tô điểm cho cuộc sống bằng những gam màu cỏ cây ngay trước hiên, hay ban công, sân thượng, góc bếp… nhà mình. Như bà già tên Tư ở Củ Chi, bám đất bám vườn tới tận những năm tháng cuối đời.
Nguyễn Hải Yến
Tác phẩm tham gia cuộc thi viết về Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh, chủ đề “Thành phố của tôi” xin gửi về: tòa soạn Báo Phụ nữ TPHCM, 311 Điện Biên Phủ, phường 4, quận 3, TPHCM, ngoài bì thư ghi rõ “Bài dự thi cuộc thi viết Thành phố của tôi” hoặc gửi qua email: saigon-tphcm@baophunu.org.vn, tiêu đề ghi rõ “Bài dự thi cuộc thi viết Thành phố của tôi”.
Cơ cấu giải thưởng: - 1 giải Đặc biệt trị giá 70 triệu đồng. - 1 giải Nhất trị giá 50 triệu đồng. - 2 giải Nhì, trị giá 40 triệu đồng/giải. - 3 giải Ba, trị giá 30 triệu đồng/giải. - 10 giải Khuyến khích, trị giá 10 triệu đồng/giải. - 1 giải Bài viết hay nhất về phụ nữ TPHCM trị giá 30 triệu đồng. - 1 giải Bài viết hay dành cho tác giả là người nước ngoài, kiều bào sinh sống ở nước ngoài, trị giá 30 triệu đồng. - Giải tháng: 10 triệu đồng/giải. Ngoài ra, còn có các giải ấn tượng do ban giám khảo bình chọn cho bài viết chân dung phụ nữ, tác giả nữ cao tuổi nhất, tác giả có nhiều bài chất lượng nhất… Đặc biệt, Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM sẽ xem xét trao giải cho bài viết hay vào mỗi quý. Xem thông tin chi tiết về cuộc thi tại đây: https://www.phunuonline.com.vn/cong-bo-cuoc-thi-viet-thanh-pho-cua-toi-a1503685.html |