Giữ mình không lạc lối

31/10/2021 - 05:43

PNO - Tôi sợ hãi nhận ra sự xao động của mình, nhận ra sự cảm thương có thể khiến tôi lạc lối.

Chồng tôi có cái tính kỳ cục là muốn tôi phải quý mến tất cả những người liên quan tới anh. Nếu tôi không tỏ ra bị thuyết phục với những đức tính hay ho anh kể về họ thì anh sẽ biến mình thành người thọ ơn họ để khiến tôi vì ân nghĩa mà không thể không hồ hởi thăm hỏi, chào đón…

Làm vợ anh đã mười năm, tôi còn lạ gì tính cách từng người bên nhà chồng. Dĩ nhiên, dù ai hay ai dở, tôi vẫn cố gắng xử sự đúng mực và giữ hòa khí với tất cả. Thế nhưng với chồng tôi thì vậy chưa đủ, anh muốn tôi phải tấm tắc thốt lời khen và tíu tít đón tiếp mỗi khi họ đến.

Ai cũng bận bịu làm ăn, một năm chỉ vài ba lần lễ lượt mới bày ra nấu nướng tiếp khách nhà chồng thì việc hồ hởi đón tiếp cũng không khó gì, thốt lời khen cũng vậy. Song tôi nghĩ vợ chồng thì nên thành thật, thẳng thắn.

Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK
Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK

 

Sau bữa giỗ mà anh Hai rượu vào lời ra khiến cuộc sum vầy chuyển thành cãi cọ ồn ào và đầy nước mắt, tôi chọn cách im lặng nhưng chồng tôi cứ nói “Thấy vậy mà không phải vậy đâu” nên tôi bực mình tuôn ra: “Thấy rõ ràng là người lớn mà không biết làm gương”.

Chồng sa sầm mặt, nói: “Hồi đó nhà ở quê nghèo lắm, anh Hai là người đầu tiên vào thành phố vất vả làm ăn rồi thành điểm tựa cho mấy đứa em. Không có anh Hai thì chưa chắc anh được học hành và có công ăn việc làm như hôm nay”. Tôi đáp trả, chuyện gì ra chuyện đó, phụ giúp cha mẹ nghèo lo cho đàn em đâu có nghĩa là có quyền rượu chè rồi nói năng văng mạng.

Nhận thấy thực tế quá rõ ràng, khó thuyết phục được tôi, chồng hạ giọng: “Hồi đó anh ham chơi đá banh, có lần bị gãy chân phải bó bột, được anh Hai cõng đi học suốt ba tháng”.

Sợ mình khăng khăng khiến không khí căng thẳng vô duyên, tôi chuyển hướng trêu chọc chồng: “Ra là anh nhõng nhẽo quá, bó bột sao không tự chống nạng đi mà đòi cõng?”.

***

Chiều hôm đó, tôi đón con vừa tới cổng nhà thì chồng gọi điện báo tin hôm nay về trễ, rồi nói tôi ghé trường tiểu học X đón bé Bảo Ngọc. “Con gái của sếp anh. Anh và sếp đang kẹt công chuyện không về kịp. Nhờ em giúp”.

Đón trẻ lúc tan tầm cần phải tính kỹ. Giờ giải lao ở cơ quan, tôi thường không nghỉ mà ráng làm cho hết việc để hoán đổi lấy chục phút cuối ngày chạy trên đường trước giờ tan tầm thì mới mong không bị kẹt xe, đón con kịp giờ tan học và về nhà kịp giờ nấu cơm chiều. Nghề tiếp thị khiến chồng tôi chỉ về nhà vào giờ ăn. Chắc anh tưởng dễ có cơm canh nóng sốt đúng khi bụng đói.

Rồi bây giờ tôi phải để con ở nhà một mình, chạy ngược ra phố đông để đón đứa trẻ lạ. “Vợ sếp đâu?”, câu hỏi suýt bật ra, may mà tôi giữ lại kịp. Lỡ vợ sếp là một vết thương thì hóa ra tôi nhẫn tâm quá sao.

***

Đúng vậy, vợ sếp là một vết thương.

Chồng tôi kể khi Bảo Ngọc lên năm tuổi, vợ sếp có người mới. Họ ly hôn, chia đôi căn hộ mà lẽ ra là chia ba vì đứa con phải được một phần. Song vì cô vợ cứ lằng nhằng nên sếp nhường luôn căn hộ cho vợ rồi dắt con vào ở căn phòng nhỏ trong công ty. Nhân viên lên án vợ sếp dữ lắm và vì thế nên rất thương sếp.

Hội trưởng “hội bà tám” phân công lũ nhân viên còn độc thân thay nhau đưa đón Bảo Ngọc mỗi khi sếp về muộn như chiều nay. Xét cho cùng thì sự bận bịu của sếp cũng là vì công việc của công ty, tức là lương thưởng của tất cả nhân viên.

Kể tới đây thì chồng ngừng lời để nghe tôi khen người đàn ông dù bị tình phụ mà vẫn rộng lượng hào hiệp, lại làm ăn giỏi giang. Vậy nhưng tôi chú ý tới chuyện khác.

Tôi hỏi: “Sao chiều nay nhân viên nào đó không đón con bé mà phải nhờ em?”. Chồng gãi đầu, nói: “Cái đứa đó chiều nay đi đám cưới mà quên, đến sát giờ mới báo, lúc sếp nghe điện thoại có anh đứng ngay bên cạnh cho nên coi như có dịp giúp sếp. Em biết không, hồi anh mới vô công ty, chính sếp là người…”.

Ảnh mang tính minh họa
Ảnh mang tính minh họa

 

Lại vậy nữa rồi! Lại cái chiêu ơn nghĩa để tôi phải trân trọng sếp như chồng muốn. Lần này, tôi mềm lòng vì thương Bảo Ngọc. Chiều nay, lúc tôi đến đón, chỉ còn một mình con bé trước cổng trường vắng ngắt. Ông bảo vệ lừ lừ nhìn tôi: “Đón con kiểu gì mà ngày nào cũng trễ”. Có lẽ con bé thường xuyên phải nghe câu nói phiền trách này, đôi mắt sớm biết buồn nhìn tôi và cái miệng mếu xệch cố nín khóc: “Ba cháu lại đi công tác hả cô?”. Giọng con nít xuôi xị cam chịu nghe nhói lòng.

Khi về nhà, tôi để Bảo Ngọc và con gái tôi bày đồ chơi ở phòng khách nhưng con bé lại thập thò ở cửa bếp… Khi đó, tôi tưởng bé đói bụng, nhưng sau khi nghe chồng kể thì tôi nghĩ khác. Có lẽ hình ảnh một phụ nữ lăng xăng trong căn bếp khuấy động nỗi nhớ và cả giấc mơ của con bé…

Tôi nói với chồng: “Khi nào sếp bận nhờ anh đón thì chở Bảo Ngọc về nhà mình luôn”. Nhìn mặt chồng tươi cười, tôi lấy giọng hờ hững: “Con nhà mình có bạn chơi cũng vui mà”.

***

Bảo Ngọc và con tôi thành bạn thân thì chồng tôi và sếp cũng thân tình hơn. Những lần đầu đến, sếp hay thúc hối Bảo Ngọc về nhanh, tỏ ý không dám phiền tôi thêm nữa. Vậy nhưng dần dà, Bảo Ngọc và con tôi nằn nì vì bộ phim hoạt hình đang hấp dẫn quá hoặc con bé đang hí hoáy tô màu bức tranh vẽ bầu trời… Vậy là chồng tôi bày ra mấy lon bia và kéo sếp ngồi xuống.

Nói chuyện với chồng tôi mà sếp vẫn nghiêng tai về phía tôi và hai đứa nhóc, như thể muốn nghe xem tôi đang dạy bảo gì con gái của anh. Có gì đâu, tôi đem cho hai đứa món kem plan và vì tay hai đứa dính đầy bột màu nên tôi nghiêm khắc bắt cả hai phải rửa tay trước khi ăn. 

Tôi xem những clip họp hành của công ty chồng, thấy sếp vô cùng quyền hành, cứng cỏi và lý lẽ tràn đầy sự thuyết phục. Vậy nhưng khi anh đến đón con thì tôi lại thấy đó là một người đàn ông rất khác - ngại ngùng và vụng về.

Rõ ràng anh yên tâm vì thấy con mình đang học, đang chơi vui, đang được chăm sóc chu đáo đồng thời anh ngại phiền tôi. Dù ngại nhưng anh vẫn muốn con mình được vui chơi tươi cười như vậy nên mấy lon bia đã cạn rồi mà anh vẫn còn ngồi đó.

Rồi thì tôi nhận ra sự nấn ná còn vì tôi. Tôi cảm nhận được sự nghiêng tai về phía hai đứa nhóc còn vì điều khác, tôi cảm nhận ánh mắt anh dõi theo bước chân tôi đi lên đi xuống từ phòng khách xuống nhà bếp và khi tôi bưng lên hai ly chè cho hai đứa nhóc thì anh ngoái đầu nhìn con gái và nói: “Ngon quá ha! Cho ba ăn với”.

Khi tôi đem chè tới cho hai người đàn ông thì anh đỏ mặt kêu lên: “Tôi nói vui với con bé thôi mà”. Chồng tôi cười tươi như thể có dịp nói đến tài nấu nướng của vợ, chồng khoe tôi làm món này món kia món nọ ngon lắm. Anh nhẹ nhàng: “Tôi nghĩ là chị nấu món nào cũng ngon”.

Tôi đâm ra khó ngủ. Trong giấc mơ, tôi thấy mình đang nấu nướng trong một căn bếp không phải là bếp nhà mình và Bảo Ngọc lăng xăng bên cạnh. Giật mình thức giấc, tôi sợ hãi nhận ra sự xao động của mình, nhận ra sự cảm thương dành cho cha con anh có thể khiến tôi lạc lối.

Bảo Ngọc trong giấc mơ với cái nhìn ngơ ngác mang hình dấu hỏi khiến tôi nao lòng. Đó sẽ là một nỗi hụt hẫng nữa trong tâm hồn non nớt sớm nếm mùi vị mất mát. Dù thương con bé, tôi cũng đành phải ngừng lại để bé con tôi không trở thành Bảo Ngọc thứ hai, để gia đình tôi được bình yên. 

Ảnh mang tinh minh họa - Jcomp
Ảnh mang tinh minh họa - Jcomp

***

Tôi nói với chồng vì nhận dự án về làm thêm nên tôi rất bận, không thể giúp chăm sóc Bảo Ngọc được nữa. Nhướng mắt nheo mày như thể tôi lại nổi cơn cố chấp không chịu quý mến người xứng đáng được quý mến, chồng nói: “Em thử chỉ ra một tính xấu của sếp cho anh biết đi”.

Ôi, chồng vô tư của tôi! 

Nguyên Hương

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI