Giữ “màu riêng” cho cải lương Long An

01/11/2024 - 06:36

PNO - Những năm qua, trong khi các “thương hiệu” cải lương miền Tây rơi rụng dần thì đoàn nghệ thuật cải lương Long An vẫn giữ được vị thế và có “màu riêng” với những tác phẩm mới về đất và người Long An. Nghệ sĩ nhân dân Hồ Ngọc Trinh - Phó trưởng đoàn - đã chia sẻ với Báo Phụ nữ TPHCM về nỗ lực giữ vững định hướng hoạt động thời gian qua.

Phóng viên: Đoàn Long An thuộc số hiếm đơn vị đều đặn giới thiệu tác phẩm mới mang đậm dấu ấn quê hương qua các kỳ liên hoan, hội diễn. Điều này chắc hẳn không dễ trong tình hình sân khấu hiện nay?

Nghệ sĩ nhân dân Hồ Ngọc Trinh: Chúng tôi vẫn nói vui là mình thích “tự làm khó” mình. Cũng từng có ý kiến cứ lấy vở cũ chưa đi thi ra dựng lại, chỉnh sửa, nâng cấp lên cho an toàn, ít tốn kém, cũng đỡ vất vả. Nhưng đoàn vẫn chọn làm vở mới, dù vừa cực vừa mạo hiểm vì đâu chắc vở mới sẽ hay, tạo được hiệu ứng tốt như tác phẩm cũ đã được bảo chứng. Nhưng chúng tôi mong muốn mang đến những điều mới mẻ cho khán giả, đóng góp những giá trị tốt đẹp nhất cho tỉnh nhà.

Nhờ vậy, đoàn có được vốn liếng riêng với những Võ Văn Tần - Một dấu son, Cuộc đời của mẹ, Bên dòng Long Khốt, Truyền tích nàng Thơm… vừa để đi thi, vừa lan tỏa hình ảnh quê hương, vừa thiết thực phục vụ các sự kiện, hoạt động lễ hội, kỷ niệm cho địa phương.

Vở Người con của rừng tràm tái hiện chiến thắng Láng Le - Bàu Cò sẽ dự Liên hoan Cải lương toàn quốc 2024  - Nguồn ảnh: Đoàn nghệ thuật cải lương Long An
Vở Người con của rừng tràm tái hiện chiến thắng Láng Le - Bàu Cò sẽ dự Liên hoan Cải lương toàn quốc 2024 - Nguồn ảnh: Đoàn nghệ thuật cải lương Long An

* Trong tình hình khan hiếm kịch bản mới như hiện nay, chị tìm kịch bản như thế nào?

- Rất hiếm khi gặp được kịch bản có sẵn hợp ý mình. Đa phần vẫn là đặt hàng tác giả viết theo ý tưởng, chủ đề mình đặt ra. Đoàn không có tác giả thường trực hay ưu ái mối quan hệ thân quen nào mà tất cả đều “tùy duyên” gặp được người chung chí hướng. Như đợt này, lúc đầu, chúng tôi chỉ có ý tưởng tôn vinh chiến thắng Láng Le - Bàu Cò, với đóng góp của những người con Long An mà chỉ huy là nhà cách mạng Trương Văn Bang, nhưng trong tay hầu như không có gì ngoài 1 tờ giấy A4 tư liệu.

Có dịp gặp nhà văn Nguyễn Toàn Thắng, tôi hỏi ý kiến thì anh nảy ra một số ý mà tôi cho là phù hợp, nên mời anh viết kịch bản văn học. Qua các lần hợp tác hiệu quả, tôi tiếp tục đặt niềm tin vào Nghệ sĩ nhân dân Triệu Trung Kiên trong việc chuyển thể kịch bản văn học thành cải lương và cùng dàn dựng tác phẩm.

* Năm 2018, đoàn đạt Huy chương Vàng với vở Cuộc đời của mẹ, ca ngợi người nữ chiến sĩ cộng sản kiên trung Nguyễn Thị Một. Bà cũng là vợ nhà cách mạng Trương Văn Bang - nhân vật chính trong Người con của rừng tràm dự liên hoan này. Chị có sợ khán giả sẽ thấy sự trùng lặp ở 2 vở diễn hay áp lực từ thành công trước đó?

- Áp lực là có. Làm 2 vở về 2 cán bộ cách mạng là vợ chồng trong một khoảng thời gian khá ngắn là điều hy hữu. Nhưng tôi cho là không có sự trùng lặp khi cách tiếp cận 2 nhân vật hoàn toàn khác nhau. Nếu Cuộc đời của mẹ là câu chuyện xuyên suốt, trải dài theo một đời người cộng sản thì Người con của rừng tràm không kể chuyện “cuộc đời của cha” mà chọn điểm nhấn là một trận đánh với một tập thể nhân vật anh hùng mà ông Trương Văn Bang là chỉ huy.

Qua quá trình làm Cuộc đời của mẹ và tìm hiểu về sau, tôi nhận ra ông có công lớn với cách mạng, với tỉnh nhà, là người làm công tác dân vận rất giỏi nhưng ít được biết đến như các Bí thư Thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn và Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ khác. Điều đó càng thôi thúc chúng tôi tôn vinh những đóng góp của ông và lớp cán bộ tiền phong cho cách mạng, để khán giả hôm nay, nhất là những người trẻ, biết thêm về những người con ưu tú của Long An nói riêng và Nam Bộ nói chung.

* Xin cảm ơn chị.

Ninh Lộc (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI