|
Ban tổ chức, ban giám khảo, nhà tài trợ chụp ảnh kỷ niệm cùng các tác giả đoạt giải cuộc thi Những bức ảnh trong đời |
Năm tháng qua đi, những bức ảnh dẫu đã hoen màu, khoảnh khắc được lưu lại vẫn không thay đổi. Cha ẵm con đi, cha ôm con vào lòng, gia đình mình của gần 40 năm về trước khi cha mẹ chưa buông tay nhau… là những ký ức rất đẹp đã được gửi về cuộc thi Những bức ảnh trong đời.
Tại buổi trao giải cuộc thi Những bức ảnh trong đời (sáng 7/3) do Báo Phụ nữ TPHCM tổ chức, đã có những nụ cười, những giọt nước mắt rưng rưng xúc động. Những xúc cảm rất thật ấy như nói thay rằng, câu chuyện đằng sau mỗi bức ảnh gửi về đã chạm đến trái tim nhiều người. Thương yêu từ đây lại được đồng cảm, sẻ chia, lan tỏa.
Thương tấm hình “chở nặng” tình thân
Cuộc thi Những bức ảnh trong đời kéo dài 6 tháng (từ 28/6 - 31/12/2023), với hơn 500 tác phẩm được bạn đọc khắp nơi gửi về. Chọn lọc trong hàng trăm bức ảnh, câu chuyện, ban tổ chức chọn đăng 148 tác phẩm vào mỗi tuần, trên nền tảng báo giấy và online. Hành trình khép lại với buổi trao giải ấm cúng mà tại đây, giá trị của những bức ảnh, ý nghĩa và thông điệp cuộc thi tiếp tục được tái khẳng định.
Chia sẻ về cuộc thi, bà Lý Việt Trung - Tổng biên tập Báo Phụ nữ TPHCM - cho biết: “Chụp ảnh không còn là việc xa lạ trong những chuyến du lịch, những cuộc hẹn hò, gặp gỡ… Việc lưu giữ những khoảnh khắc hiện rất dễ dàng, nhưng có bao giờ bạn tự hỏi: “Bao lâu rồi mình không chụp ảnh với mẹ? Bao lâu rồi mình không bắt lấy hình ảnh già nua đầy đồi mồi của cha? Bao lâu rồi mình không chụp lấy bờ vai vững chãi của người thân yêu?”… Cuộc thi Những bức ảnh trong đời mà Báo Phụ nữ TPHCM phát động tạo cơ hội để mọi người cùng nhìn lại năm tháng đã qua, lục tìm trong dòng ký ức đã cũ xem điều gì là thân thương nhất, đáng nhớ nhất”.
|
Tác giả Đặng Hoàng An đạt giải nhì cuộc thi với tác phẩm Còn tía còn má, tôi còn bình minh |
Ở mùa đầu tiên, ban tổ chức thực sự xúc động khi nhận được sự tin tưởng, chia sẻ của các tác giả. Không đơn thuần là những bức ảnh lưu dấu thời gian vô cùng giá trị, đằng sau mỗi khoảnh khắc ấy là ăm ắp nỗi niềm, tâm sự rất riêng được gửi trao.
Tác giả Nguyễn Thanh Nga (thị xã Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh) đoạt giải Nhất cuộc thi với tác phẩm Yêu thương nép trong mỗi bức hình xúc động nhớ lại: khi biết cuộc thi, tôi ngay lập tức nghĩ đến bức ảnh đen trắng của mình và bố. Cảm xúc ùa về, nên bài dự thi đó tôi viết rất nhanh, chỉ trong 1 tiếng. Bức ảnh ố màu nhưng gửi gắm rất nhiều tình cảm của tôi. Cả tình cảm của bố và người mẹ sau của tôi nữa. Tôi hay đùa với bố là tôi thực sự rất lãi vì tôi có cả 2 bố và 2 mẹ, tất cả đều yêu thương tôi. Thực sự, có những điều ngỡ như là mất đi, nhưng thực ra lại được nhân đôi.
Đi cùng con gái - tác giả Nguyễn Thanh Nga, ông Nguyễn Đức Xô rơm rớm nước mắt. Ông kể tấm ảnh mà con gái ông gửi dự thi đã tồn tại gần 40 năm. Ảnh chụp vào một chiều thu, khi ông Xô đang ở những năm tháng thanh xuân nhất cuộc đời. Bế đứa con mới vừa 6 tháng tuổi trên tay, ông Xô tự dặn mình phải gắng hết sức để nuôi con nên người, nhưng cuộc hôn nhân sớm dừng lại, những mảnh vỡ tình thân xuất hiện mà chẳng thể nào hàn gắn.
“Tôi đọc bài của Thanh Nga viết mà thấy thương con. Những năm thanh xuân của cuộc đời, hoàn cảnh gia đình rất khó khăn, chuyện không vui lại xảy ra nên có lần Nga muốn bỏ học. Tôi sợ điều đó thành sự thật nên liên tục động viên con. Năm dài tháng rộng, rồi mọi thứ qua đi, hôm nay được nghe con kể lại, thấy xúc động vô cùng” - ông Nguyễn Đức Xô tâm sự.
Không chỉ người thân xúc động, các tác giả khi ngồi xuống để kể về “lịch sử” của bức hình, họ thêm một lần nhìn lại, đối mặt với buồn vui. Trong buổi trao giải, tác giả Vân Trình, đoạt giải Ba, nấc nghẹn, còn mẹ chị - bà Hoàng Thị Chín - nói nếu có phép màu, bà muốn thay Vân Trình chịu những nỗi đau mà con đang mang. Bà kể từng có lúc bà muốn buông xuôi, vì thời gian chữa trị của con kéo dài; con lúc đó cũng vụn vỡ niềm tin vào cuộc sống, muốn kết thúc.
|
Tác giả Lê Thị Vân Trình đạt giải 3 với tác phẩm Năm tôi 23 tuổi. |
“Nhưng chỉ cần con ở đó cho ấm cửa, ấm nhà là mẹ đã vui. Mẹ chịu cực được. Tôi cứ động viên cháu ngày qua ngày như thế, cũng không dám nói nhiều, sợ con lại lo nghĩ. Ngày cháu biết tin được giải, cháu la rất lớn, đến nỗi người thân trong nhà tưởng cháu có chuyện gì. Lâu lắm rồi mới thấy nụ cười tươi của con, tôi mừng lắm” - bà Hoàng Thị Chín nói.
Đa phần những bức ảnh gửi dự thi kể về câu chuyện tình thân. Những chia sẻ từ các tác giả khe khẽ chạm vào người đọc, gợi trong họ lòng trắc ẩn, nhắc nhở họ trân quý giá trị của điểm tựa tình thân, gia đình.
Sống tốt cho hôm nay, ngày mai
Tác giả Diễm Trần, đoạt giải Ba, nói từ những ngày đầu biết đến cuộc thi, chị muốn viết bài gửi ngay nhưng lần lữa mãi vì không chắc điều mình viết ra có nhận được sự đồng cảm. Với chị, giải thưởng là sự động viên lớn, bởi câu chuyện chị kể, tấm ảnh chị gửi thuyết phục được ban giám khảo, nhưng điều chị hướng đến sau cùng không chỉ có thế.
|
Cả gia đình tác giả Nguyễn Thanh Nga (bìa trái) đã vào TPHCM để dự lễ trao giải - Ảnh: Thành Lâm |
“Cuộc thi có ý nghĩa với tôi và với nhiều người vì cho tôi cơ hội được quay về bên ký ức cũ, kể về nó với sự trân trọng nhất, cảm xúc chân thực nhất. Cuộc thi là cầu nối để mọi người cùng sẻ chia, nhân lên những điều tốt đẹp. Tôi luôn tin những gì ý nghĩa và tử tế sẽ có cách lan tỏa, truyền nối” - chị nói.
Tác giả Diễm Trần cảm ơn cuộc thi và gửi lại phần thưởng đã nhận vào quỹ Xã hội - Từ thiện của Báo Phụ nữ TPHCM để những hoàn cảnh kém may mắn hơn, những em bé mồ côi được hỗ trợ, tiếp sức về vật chất, tinh thần. Bài dự thi Vòng tay cha của tác giả Diễm Trần là một trong những tác phẩm khiến nhiều người bật khóc khi chia sẻ về nỗi đau mất chồng, con gái bé bỏng mất đi người cha rất mực yêu thương.
Mỗi câu chuyện viết ra là thêm 1 lần tác giả được ngồi xuống, nhìn ngắm lại những gì đã trải qua trong đời. Cứ 1 lần được nói, cảm xúc trỗi dậy, cho yêu thương ngập tràn. Tác giả Đặng Hoàng An với Còn tía, còn má, tôi còn bình minh…, đoạt giải Nhì, nói đã nhiều lần anh nghĩ đến cái chết - chết đi để bản thân nhẹ nhõm, cha mẹ không còn cực khổ chăm nom. Nhưng rồi một lần được cha ẵm trên tay đi qua cánh đồng lúa, những giọt mồ hôi mằn mặn rơi xuống, nhịp thở dốc cứ đều đặn qua từng bước chân cha, Hoàng An dặn lòng mình phải sống - sống với một phiên bản mới, như được sinh ra thêm một lần nữa trên đời.
“Hồi trước con chỉ nằm, giờ con ngồi được, tự đẩy xe lăn đi tắm rửa, giặt đồ được. Bây giờ nó còn đi làm từ thiện, đi giúp người có hoàn cảnh tệ hơn, tôi thực sự rất mừng” - ông Đặng Văn Thành - cha của tác giả Đặng Hoàng An - chia sẻ.
Với thành công từ mùa đầu tổ chức, cuộc thi Những bức ảnh trong đời hy vọng đã để lại ấn tượng đẹp với các tác giả và cộng đồng nói chung. Mong rằng những khoảnh khắc đáng nhớ qua từng bức ảnh sẽ luôn là nguồn động viên ấm áp, là động lực để chúng ta vững bước, tin yêu trên mọi hành trình.
Những bức ảnh cũ như lửa ấm Xoa dịu trong đời mọi nỗi đau Gợi lại tin yêu luôn đằm thắm Giữ mãi yêu thương chẳng bạc màu Năm tháng xa xưa còn gợi nhớ Chút gì ấm áp đến ngày sau Một phần đời sống còn lưu dấu Ký ức vẫn đây rất nhiệm màu Giám khảo, nhà thơ Lê Minh Quốc |
Cuộc thi có chủ đề rất hay, nhiều ý nghĩa. Cần thấy, đây không phải là cuộc thi ảnh thuần túy, nặng tiêu chí kỹ thuật hay sáng tạo. Đúng hơn, đây là cuộc thi về những câu chuyện ảnh, bởi mỗi bức ảnh đều chứa đựng trong nó những câu chuyện đời, tình thương yêu và đức hy sinh của cha mẹ, sự nỗ lực của con, những hồi ức đẹp về cuộc sống, tình yêu thương gia đình. Vui, buồn, hạnh phúc, chia lìa… qua những câu chuyện ảnh đều để lại kỷ niệm sâu đậm trong cuộc đời mỗi con người, là hành trang quý giá để bước tới, chiêm nghiệm. Từ những nỗi niềm, bộc bạch chân thành, thể hiện vẻ đẹp của đời sống, tình cảm, mối liên kết gia đình… giúp chúng ta nhìn-thấy và hiểu-sẻ chia. Giám khảo, nhiếp ảnh gia Đỗ Ngọc |
Diễm Mi