Cuối năm 1964 đầu năm 1965, đế quốc Mỹ bắn phá ném bom ra miền Bắc, bà Nụ lúc đó vừa tròn 19 tuổi, mới học hết lớp Bốn, đã giấu gia đình viết đơn tình nguyện đi thanh niên xung phong. Khi có giấy gọi nhập ngũ, bố bà mới biết con gái mình xung phong vào chiến trường khói lửa đánh Mỹ. Thương con gái bé bỏng, gầy yếu, không biết liệu có chịu đựng và gánh vác được công việc cách mạng; mặt khác anh trai bà Nụ cũng đang chiến đấu ở chiến trường B, bố bà khuyên nhủ con gái ở lại, thậm chí còn giận ra mặt khi bà không chịu nghe lời.
|
Ảnh bà Phan Thị Bích Nụ chụp tại Quảng Bình năm 1967 |
Nhưng ngày 28/6/1965, bà vẫn tạm biệt gia đình thân yêu để lên đường. Bà được biên chế ở đơn vị 351 thuộc đội 35, đơn vị có 250 người trong đó 40% là phụ nữ. Bà được giao làm tiểu đội phó. Tập trung tại huyện 2 ngày để học tập điều lệnh, nội quy quân ngũ…, đúng 17g ngày 30/6/1965, bà cùng đồng đội đi bộ hành quân từ Hà Nam vào Quảng Bình, đi qua các con đường giao liên, băng qua đèo dốc, núi rừng, sông suối. Trên vai mỗi người còn đeo cuốc, xẻng, mai, thuổng, gạo… dưới nắng gió miền Trung bỏng rát khắc nghiệt.
Ròng rã 20 ngày đêm cũng tới được đất Quảng Bình ác liệt. Nhiệm vụ của đơn vị là san đường, lấp hố bom do Mỹ đánh phá bảo đảm các tuyến đường thông suốt vận tải vũ khí, lương thực, thực phẩm, quân trang, quân dụng của hậu phương miền Bắc vào chiến trường miền Nam. Công việc mỗi ngày bắt đầu từ 5g chiều hôm trước đến 5g sáng hôm sau trong tiếng gầm xé của bom và pháo sáng oanh tạc liên tục vào các mục tiêu đơn vị đang thi công.
***
Ngày 28/10/1965, khi đơn vị đang làm nhiệm vụ thì máy bay Mỹ đánh bom vào hiện trường, 4 đồng chí nam hy sinh tại chỗ, 1 đồng chí bị bom đánh bay đầu lên cây. Bà Nụ và 2 đồng chí nữ bị thương được đưa vào bệnh viện quân y cách đơn vị 30km để cấp cứu. Vết thương quá nặng nên 2 đồng chí nữ hy sinh ngay đêm đó. Bà Nụ bị trúng bom, vết thương ở ngực, chân phải và sức ép bom rất nặng. Trong dòng cảm xúc rưng rưng, bà Nụ chia sẻ: “Khi đồng đội đến cứu, tôi chỉ kịp chỉ về phía những đồng đội đã ngã xuống và nói: “Ở đằng kia…” rồi ngất lịm. Chứng kiến đồng đội, người thì ngã xuống ngay trước mắt mình, người hy sinh trong bệnh viện, lòng tôi đau thắt”.
Sau hơn 3 tháng điều trị, bà trở về đơn vị tiếp tục nhiệm vụ. Bà lăn lộn ngoài chiến trường, gác bom nổ chậm để đồng đội an tâm làm nhiệm vụ. Với những thành tích xuất sắc, năm 1966, bà đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua và là người đầu tiên của đơn vị được kết nạp vào Đảng, được đơn vị phát động phong trào toàn quân học tập gương dũng cảm và tích cực lao động. Cuối năm 1967, bà được lãnh đạo đề bạt lên làm đại đội phó, bí thư chi bộ.
|
Bà Phan Thị Bích Nụ tặng quà cho hội viên Hội Cựu thanh niên xung phong |
Ngày 1/6/1968, đơn vị bà lại bị máy bay Mỹ đánh bom vào nơi đóng quân. 1 đồng chí hy sinh còn bà bị sức ép bom khiến 2 tai bị giảm thính lực, sức khỏe giảm sút. Đúng lúc này, đơn vị có chỉ tiêu chọn người có thành tích cử đi học đại học. Lãnh đạo đơn vị đã quyết định cử bà. Vì trình độ văn hóa của bà mới chỉ lớp Bốn, sợ không theo được, làm ảnh hưởng đến danh dự đơn vị, bà làm đơn xin ở lại chiến trường. Lúc đó, có anh em trong đơn vị hỏi: “Sao không đi học cho sướng, tiếc chi nơi bom rơi đạn nổ, sống chết chả biết lúc nào?” - cô gái trẻ Phan Thị Bích Nụ khi đó chỉ cười và nghĩ thầm: hứng bom mà góp sức giúp cho đất nước sớm được hòa bình thì cũng đáng lắm chứ.
Đến năm 1968, bà lại được cử đi học nhưng một lần nữa bà xin từ chối, nhường cơ hội cho người khác. Từ mảnh đất mưa bom đạn nổ, với tinh thần phấn đấu bền bỉ, dũng cảm, không sợ gian khổ, hy sinh, tháng 6/1969, bà được tổ chức cử đi học Trường Đoàn Trung ương khóa I.
***
Tháng 1/1978, bà về nhận công tác tại Vụ Tổ chức cán bộ - MTTQ Trung ương. Lúc này, bản thân bà gặp rất nhiều khó khăn. Chồng bà là bộ đội phòng không - không quân trực tiếp tham gia kháng chiến chống Mỹ, sau ngày đất nước thống nhất lại công tác xa nhà.
Cô thanh niên xung phong dũng cảm ngày ấy giờ một nách 2 con nhỏ nhưng vẫn luôn mong muốn, khát khao được học tập bù đắp những khoảng trống kiến thức và không ngừng phấn đấu vươn lên. Từ một học sinh trình độ lớp Bốn khi tham gia thanh niên xung phong đến tấm bằng tốt nghiệp cấp III bổ túc văn hóa, bằng trung cấp văn thư - lưu trữ và bằng tốt nghiệp đại học quản trị kinh doanh khi chỉ còn 2 năm công tác thì đến tuổi nghỉ hưu là cả một quá trình nỗ lực bền bỉ của một phụ nữ hiếu học.
Trải lòng về những ngày tháng vất vả, khó khăn này, bà Nụ bộc bạch: “Thời gian đó, chồng tôi ở xa, con trai lớn mới hơn 3 tuổi, đứa nhỏ mới hơn 8 tháng. 2 con có lúc theo mẹ đến trường, có lúc được mẹ gửi bác bảo vệ cơ quan. Ngày nắng ấm còn đỡ, mưa rét thì vất vả vô cùng. Lãnh đạo vụ thấy tôi quyết tâm đi học đã tạo điều kiện cho tôi đi học ban ngày, tối về làm việc. Đêm đến, khi con đã ngủ, mẹ lại chong đèn giải quyết công việc của cơ quan”.
Năm 1984, vợ chồng bà đón bố mẹ chồng từ Kiến An (Hải Phòng) lên ở cùng để phụng dưỡng tuổi già. Mẹ chồng bà ốm nằm liệt giường gần 10 năm, bà tận tình chăm sóc chu đáo đến ngày cụ tạ thế.
|
Biên bản giám định thương tật của bà Phan Thị Bích Nụ |
Khi được phân công công tác ở nhà khách Mặt trận Trung ương, bà Phan Thị Bích Nụ đã để lại hình ảnh về một cán bộ mặt trận tận tình, chu đáo, thân thiện. Có những cuộc hội nghị, đại biểu ở xa về, tối muộn vẫn thấy một phụ nữ tận tụy, kiên nhẫn ngồi chờ lo cơm nước, chỗ ăn nghỉ cho đại biểu ổn thỏa rồi mới về nhà. Vất vả, bận bịu là thế nhưng nụ cười niềm nở luôn thường trực trên khuôn mặt phúc hậu. Trong cuốn sổ góp ý cho nhà khách, đại biểu ở các địa phương đã dành cho bà những tình cảm tốt đẹp.
Ông Trần Thanh Phương - đại biểu của TPHCM - viết: “Chị Nụ thật chu toàn. Hôm tôi đến, nắng nóng, chị liền mang cho tôi mấy cục nước đá dùng cho mát. Có một đêm, máy điều hòa phòng tôi ngủ bị hư, tôi viết giấy để lại báo với chị Nụ, không ngờ tối tôi về mở phòng ra đã thấy chị để giấy lại nhắn tôi sang phòng số 6 nghỉ. Sang phòng số 6, tôi thấy đủ mọi thứ cần dùng rất sạch sẽ, cả phích nước sôi và trà”.
***
Những năm tháng đẹp nhất cuộc đời, bà Phan Thị Bích Nụ một lòng đi theo Đảng, theo cách mạng với ý chí quyết tâm, lòng say mê, tận tụy trước bất kỳ công việc nào được giao. Năm 2001, về hưu, bà Nụ lại tích cực tham gia công tác ở tổ dân phố. Hiện bà là Chủ tịch Hội Cựu thanh niên xung phong phường Hàng Bông, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội.
Là thương binh 2 lần trúng bom Mỹ, vết thương sau hơn 55 năm vẫn còn in hằn ở đó, lồng ngực vẫn nhói đau những khi trái gió trở trời nhưng bà Nụ luôn tâm niệm: mình còn hạnh phúc hơn biết bao người là được sống sót trở về; mình còn sức khỏe nên làm được việc gì có ích cho đồng đội, cho xã hội thì sẽ làm hết mình…
Giờ đây, sắp sửa bước sang tuổi 80, bà Nụ vẫn sống lạc quan, vui vẻ bên gia đình; cần mẫn chăm từng khóm rau trên sân thượng, vừa để gia đình có rau sạch ăn vừa san sẻ cho bạn bè, hàng xóm. Đặc biệt, bà vẫn xông xáo, không ngại đương đầu với những phần tử hung hãn, đấu tranh đòi lại phần đất bị lấn chiếm để xây dựng nhà văn hóa cho tổ dân phố; vẫn tích cực tham gia các hoạt động của khu dân cư; vẫn đạp xe đến từng hộ gia đình để trao quà và tiền trợ cấp nhân ngày Thương binh - Liệt sĩ; vẫn thăm hỏi đồng đội, bà con khu phố khi họ bị ốm đau hay có chuyện buồn, vui; vẫn bỏ tiền túi chuẩn bị những món quà tặng hội viên Hội Cựu thanh niên xung phong của phường nhân ngày truyền thống của hội… Chúng tôi hiểu rằng dù là thuở đôi mươi hay khi mái đầu đã bạc, trong trái tim người nữ thương binh này vẫn giữ mãi ngọn lửa nồng ấm, tràn đầy nhiệt huyết, dũng cảm, kiên cường.
Thu Hoàn
Ảnh do nhân vật cung cấp