PNO - Điện thoại thông minh (smartphone), mạng xã hội giúp mọi người kết nối với cả thế giới mọi lúc, mọi nơi nhưng cũng là những phương tiện tạo ra khoảng cách vô hình giữa các thành viên trong mỗi gia đình. Giữ lửa gia đình ra sao trong bối cảnh ai cũng kè kè chiếc smartphone?
Khi vợ vắng nhà, chồng thay vợ cùng con học bài - Ảnh: Phan Ngọc |
Mạnh ai nấy ôm điện thoại
Phiên tòa xét xử vụ ly hôn của chị L.T.Y.N. và anh V.T. (quận Bình Tân, TPHCM) kéo dài từ sáng cho đến tận 12g30. Họ đã thỏa thuận về việc chia tài sản chung (căn nhà) trước đó, còn cậu con trai sẽ tự mình chọn sống chung với cha hoặc mẹ khi hết đợt cai nghiện tập trung ở huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông vào năm tới.
Trong phiên hòa giải trước đó, anh T. và chị N. liên tục trách móc nhau. Chị nói, từ công ty ở tỉnh Bình Dương về nhà có mấy chục cây số nhưng anh đi biền biệt mấy tháng trời mới ghé nhà một lần. Thiếu sự quan tâm của cha nên H. - 19 tuổi, con trai của họ - sa ngã. Anh T. vặc lại: “Bà ăn cơm cũng ôm điện thoại, có ngó ngàng gì đến ai đâu mà đi với chả về”.
Anh T. kể, gia đình anh từng rất hạnh phúc. Lo cho tương lai của con nên 4 năm trước, anh đã chấp nhận tới Bình Dương làm việc để có mức lương khá hơn. Công việc bận bịu nên anh thường ở lại khu lưu trú dành cho chuyên gia của công ty, mỗi tuần về nhà một lần. Nhưng rồi, anh thấy ngán về nhà bởi cứ chập tối, con trai lại ra đường với bạn bè, vợ anh thì suốt ngày ôm điện thoại, kể cả lúc ăn cơm. Hôm con trai bị bắt, đưa đi cai nghiện tập trung, anh T. tá hỏa chạy về nhà, vợ chồng cãi nhau. Sau hôm đó, anh chủ yếu ở lại công ty. Đầu năm 2022, chị N. nộp đơn ly hôn cho tòa án.
Đến Trường nội trú IVS - chuyên tiếp nhận, giáo dục, cảm hóa học sinh hư hỏng, cá biệt - chúng tôi nghe được khá nhiều câu chuyện đau lòng. Nhiều học sinh là con nhà khá giả, cha mẹ có địa vị xã hội nhưng đã sinh hư do thiếu hơi ấm gia đình. Từng có nhiều năm phụ trách giáo dục ở trường này, chuyên gia tâm lý Đặng Lê Anh chua chát nhận xét, smartphone, mạng xã hội giúp người ta kết nối với cả thế giới nhưng lại tạo ra khoảng cách vô hình trong các gia đình.
Ông kể: “Tôi từng nghe học trò của mình tâm sự rằng, nó thèm một cuộc nói chuyện với cha mẹ trong hoặc sau bữa ăn nhưng bữa cơm gia đình thường diễn ra vội vã, sau đó người lớn ôm điện thoại, máy tính tất bật với công việc. Khi gia đình thiếu sự kết nối, đứa trẻ sẽ ra ngoài xã hội tìm các thú vui với bạn bè và sa ngã lúc nào không hay”.
Luật sư Nguyễn Tri Đức (Đoàn Luật sư TPHCM) cho biết, những năm gần đây, số trường hợp đến văn phòng luật của ông nhờ tư vấn về thủ tục ly hôn ngày càng nhiều. Điểm chung của những cặp này là con cái hư hỏng, tình cảm vợ chồng nguội lạnh. Họ đều chăm chỉ làm việc để xây dựng gia đình hạnh phúc vững bền nhưng lại đánh mất gia đình lúc nào không hay. Khi đổ bể, họ mới nhớ ra, nhiều năm trời chưa dẫn con đi ăn, vợ chồng trước khi ngủ chỉ lo cắm mặt vào điện thoại chứ không chuyện trò, chúc nhau ngủ ngon.
Giềng mối gia đình nằm ở bữa cơm chung
“Giữ lửa gia đình không phải dễ nếu chúng ta không chắt chiu từng ngày. Hôn nhân là một hành trình phải đi, phải tìm hiểu và sống với nhau theo từng giai đoạn. Đặc biệt, khi chiếc điện thoại trở thành vật bất ly thân thì việc này càng phải tăng cường” - tiến sĩ tâm lý Lý Thị Mai nói.
“Công nghệ mang đến lợi ích nhưng đừng quá lạm dụng. Hãy nắm tay nhau, ôm nhau khi có thể; hãy thủ thỉ với nhau nhiều hơn để giữ lấy giá trị của gia đình”. Tiến sĩ Lý Thị Mai |
Theo bà, việc thiếu kết nối giữa các thành viên trong gia đình là nguyên nhân quan trọng dẫn tới tình trạng chồng phản bội vợ hoặc ngược lại. Hiện nay, một tình trạng phổ biến là mỗi tối, gia đình vẫn đầy đủ các thành viên nhưng thay vì tiếng cười nói thì chỉ có tiếng chuông, tiếng nhạc của điện thoại. Người đi làm bên ngoài không còn muốn chia sẻ, người ở nhà cũng không có nhu cầu lắng nghe. Ngọn lửa gia đình đã “hiu hiu” nhưng chẳng ai nhận ra.
Bà cho rằng, văn hóa gia đình nằm ở bữa cơm. Bữa cơm là nơi người vợ chăm sóc chồng, người mẹ quan sát các con, là nơi các thành viên chia sẻ việc nhà, được thoải mái bộc bạch cảm xúc của mình. Nhưng không phải chỉ phụ nữ mới có trách nhiệm giữ lửa”, bởi gia đình là của chung, không có ai chính, ai phụ.
Bà Lý Thị Mai kể, trong lần giao lưu cùng nữ tiến sĩ Ngozi Okonjo Iweala - Tổng giám đốc Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) - ở TP Hà Nội, các đại biểu đã rất ngưỡng mộ khi biết bà Iweala vẫn chu toàn được việc nhà cùng người chồng là bác sĩ và 4 người con. Bà Iweala chia sẻ rằng, muốn làm bất cứ điều gì, người vợ cũng nên bàn bạc với chồng để có sự nhất trí chung. Bà Lý Thị Mai đồng tình rằng, đây là sự kết nối và phân công nên có trong mỗi gia đình.
Thạc sĩ Nguyễn Thị Bích Thủy - giảng viên tâm lý học, Trường đại học Văn Hiến (TPHCM) - cho biết, hiện nay, rất nhiều trẻ sử dụng điện thoại nhiều dẫn đến lơ là việc học, xem và làm theo những điều tiêu cực trên “thế giới ảo” hoặc hẹn nhau giải quyết mâu thuẫn từ mạng xã hội mà cha mẹ chỉ biết được khi sự việc đã xảy ra rồi. Đó là kết quả của sự lỏng lẻo trong kết nối, chia sẻ và thấu hiểu giữa các thành viên gia đình. Mỗi người trong gia đình đều mải miết với không gian riêng trên “thế giới ảo” mà không có thời gian để “chạm” vào những cảm xúc vui, buồn của nhau, hướng dẫn, dạy dỗ, vui chơi, sinh hoạt cùng nhau.
Cô trò trường nội trú IVS - Ảnh: Sơn Vinh |
Bà cho hay, theo một khảo sát nhỏ ở 250 học sinh THPT tại TPHCM, có đến 31,3% dùng điện thoại từ 3-4 giờ/ngày và 41,6% dùng điện thoại từ 5 giờ trở lên/ngày. Theo bà, để giữ được mái ấm gia đình trong bối cảnh điện thoại là vật bất ly thân, các thành viên cần cùng nhau lên kế hoạch cho cuộc sống, chia sẻ công việc nhà đồng thời cùng nhau tạo ra nhiều hoạt động chung, tạo bầu không khí vui tươi, lành mạnh. Các thành viên trong gia đình cần có quy ước về việc giới hạn thời gian dùng điện thoại ở nhà để cùng tận hưởng trọn vẹn những khoảnh khắc bên nhau.
Bà lưu ý: “Hành vi, thái độ, lối sống của cha, mẹ tác động trực tiếp đến việc hình thành, phát triển tính cách, thói quen của con cái. Do đó, cha mẹ phải làm gương cho con cái trong việc sử dụng điện thoại. Chính cha mẹ phải là người đặt điện thoại xuống để ở bên cạnh con. Muốn con không lạm dụng điện thoại thì cha mẹ phải làm gương trước”.
Cất điện thoại để cùng con học bài Gần 20g, chị Phan Thị Sen - 46 tuổi, ở xã Phú Gia, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh - bỏ dở thau đồ đang giặt để vào nhà chỉ bài cho cô con gái 7 tuổi. Chị bảo, kể từ ngày hưởng ứng phong trào Cùng con học bài do Hội LHPN huyện Hương Khê phát động, dù bận rộn đến đâu, chị cũng sắp xếp thời gian để chỉ bài cho con mỗi tối. Con gái chị nay rất tự giác học hành, không chờ ai thúc, nhắc. Chị Sen quan niệm, cùng con học bài không có nghĩa là theo sát con trong quá trình đó mà có thể vừa làm việc nhà, vừa để mắt tới con. Thấy con mất tập trung, chị sẽ nhắc nhở, kiểm tra tiến độ. “Ngoài chỉ vẽ con học, tôi cũng thường trò chuyện, chỉ cho con những điều hay, lẽ phải. Trẻ như trang giấy trắng nên mình phải bày từng chút một, chứ mình cứ lo chà điện thoại thì con hư” - chị Sen nói. Chị Nguyễn Thị Ngọc - 34 tuổi, tiểu thương, ở cùng xã Phú Gia - cho hay, trước đây, chị hiếm khi dành thời gian nói chuyện với 2 con (13 và 11 tuổi) bởi ban ngày thì lo bán hàng ở chợ, đêm về lại lo sổ sách, tính toán hàng hóa, thu chi. Gần 3 tháng nay, chị tranh thủ làm hết mọi việc trong ngày, để dành buổi tối cho con cái. Sau giờ cơm tối, vợ chồng chị cố gắng tạo không gian yên tĩnh nhất cho 2 con tập trung học bài. Gác hết công việc, cất điện thoại di động, chị ngồi bên cạnh quan sát, hướng dẫn con giải quyết những bài tập khó. Chỉ sau thời gian ngắn, chị Ngọc đã nhận được những phản hồi tích cực từ phía giáo viên. Họ nhận xét rằng, các con chị tự tin hơn, khả năng tiếp thu kiến thức cũng như kết quả học tập tiến bộ hơn nhiều. Nhưng theo chị, điều tích cực hơn cả là tình cảm mẹ con gắn kết, mọi rào cản giữa mẹ và con dường như được tháo bỏ. Bà Trần Thị Hợi - Chủ tịch Hội LHPN xã Phú Gia - cho biết, toàn xã có khoảng 900 hội viên có con trong độ tuổi đi học. Sau khi hội phụ nữ xã phát động phong trào Cùng con học bài, phần lớn chị em nhiệt tình hưởng ứng. Qua thăm dò ở các trường, kết quả học tập của học sinh tăng lên đáng kể, đặc biệt là ở học kỳ II. Đầu năm 2023, Hội LHPN huyện Hương Khê phát động phong trào Cùng con học bài đến hội viên có con đang học từ bậc tiểu học đến THPT. Bà Trần Thị Hồng Thắm - Chủ tịch Hội LHPN huyện Hương Khê - cho biết, tùy vào lứa tuổi của con, hội viên có thể áp dụng hình thức phù hợp, giúp con tìm thấy niềm vui trong học tập, hứng thú với việc học, không tạo áp lực cho con. Hội LHPN huyện mong muốn qua phong trào này, các bà mẹ nêu cao trách nhiệm trong việc giáo dục thế hệ tương lai; tăng cường mối liên hệ giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong việc giáo dục con; phát huy các giá trị truyền thống của gia đình Việt. Bà Hồng Thắm cho hay, 100% chi hội phụ nữ, 80% hội viên ở Hương Khê có con trong độ tuổi đi học đều nhiệt tình hưởng ứng phong trào. Phần lớn các mẹ bớt sử dụng điện thoại mỗi tối để ngồi cùng con. Ngoài việc học, các mẹ còn tâm tình, chia sẻ với con. Khi học sinh nghỉ hè, Hội LHPN huyện sẽ tổ chức tổng kết phong trào để phân tích những mặt tích cực, hạn chế để từ đó tiếp tục xây dựng phương án cho phong trào trong năm học tới. Phan Ngọc |
Người lớn mải xem điện thoại, trẻ gặp nguy hiểm Vào tháng 2/2023, mạng xã hội xôn xao về đoạn phim ở Trung Quốc quay cảnh bé sơ sinh bị thương khi mẹ bé mải xem điện thoại. Cụ thể, người mẹ trẻ đặt đứa bé tầm 2 tháng tuổi nằm trên giường một mình, còn mình thì mải bấm điện thoại. Bỗng đứa trẻ bật khóc to. Khi bế con lên xem, người mẹ thấy mắt bé chảy máu, liền cuống cuồng gọi người thân đến giúp và chuẩn bị quần áo để đưa bé đến bệnh viện kiểm tra. Trong mô tả đi kèm đoạn phim, người mẹ thừa nhận mình đã bất cẩn, để bé tự dụi mắt gây chảy máu, may là vết thương không nghiêm trọng. Không may mắn như những trường hợp trên, vào năm 2016, đứa trẻ 2 tuổi ở tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc đã bị cán chết khi đi ngang đầu một chiếc ô tô đang đậu ven đường. Mẹ của cô bé đi phía sau, mắt dán vào điện thoại và dường như không nhận thấy chiếc xe bắt đầu di chuyển khi con cô bất ngờ bước vào điểm mù của tài xế. Cái chết của đứa trẻ gây ra làn sóng phẫn nộ trên mạng xã hội ở Trung Quốc. Sau vụ việc, chính quyền địa phương đã kêu gọi người dân hạn chế sử dụng điện thoại thông minh với khẩu hiệu: “Bỏ điện thoại xuống. Cứu lấy trẻ em”. Linh La (tổng hợp) |
Nhóm phóng viên
Chia sẻ bài viết: |
Cơ quan CSĐT Công an TP Đà Nẵng cho biết đang mở rộng điều tra đường dây rửa tiền quy mô hàng chục ngàn tỉ đồng, bắt giữ nhiều đối tượng.
Ông Nguyễn Dũng Sỹ - Bí thư Đảng ủy xã Thanh Tùng - bị kỷ luật vì vi phạm quy định của đảng về những điều đảng viên không được làm…
Tập đoàn Đèo Cả cho biết việc các đơn vị thầu phụ nợ tiền công nhân và các bên liên quan khác nằm ngoài trách nhiệm giải quyết của tập đoàn.
Con gái anh Thành mới 5 tuổi, chốc chốc lại hỏi “ông ơi, ba đâu rồi?” khiến ai cũng nghẹn lòng.
Tham dự 9 môn thi học sinh giỏi quốc gia, 47 học sinh của tỉnh Kiên Giang đạt giải được UBND tỉnh chi thương hơn 1,7 tỉ đồng.
Để giảm chi phí sản xuất và tăng thêm lợi nhuận, một cặp vợ chồng đã ban hành công thức sản xuất phân bón giả, bán ra nhiều tỉnh, thành.
CSGT TPHCM nêu lý do đường Võ Nguyên Giáp đoạn qua địa bàn TP Thủ Đức, hàng ngàn xe "giậm chân tại chỗ" vào sáng 22/1.
Lực lượng CSGT TPHCM sẽ dán số điện thoại phản ánh tại tủ điều khiển đèn tín hiệu giao thông để người dân phản ánh sự cố đèn tín hiệu.
TPHCM đã có những bước đi chủ động, phân cấp mạnh mẽ cho quận, huyện và đặt mục tiêu giải ngân toàn bộ vốn trong năm 2025.
Bìa báo xuân phong phú, gợi lên hình ảnh tự hào về đất nước Việt Nam sẵn sàng bước vào “Kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”.
Sáng 22/1, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn làm việc với một số Trường đại học trên địa bàn TP Cần Thơ…
Kể từ khi thực hiện Nghị định 168, tình hình giao thông có chuyển biến tích cực, tai nạn giao thông trên đường bộ giảm cả 3 tiêu chí.
Các bến xe tại TPHCM đã lên phương án tăng cường xe khách để đảm bảo phục vụ nhu cầu đi lại của người dân dịp tết Nguyên đán.
TPHCM và Đông Nam Bộ là nơi có số người nước ngoài đến làm việc, cư trú đông nhất cả nước.
Tết truyền thống của người Việt Nam với những phong tục độc đáo, món ăn phong phú, ngon miệng đã chinh phục trái tim của nhiều người nước ngoài.
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi đã chia sẻ về những kết quả đạt được, những khó khăn và kỳ vọng cho năm 2025 với khát vọng bứt phá.
Tham vọng đạt mức tăng trưởng kinh tế 2 con số năm 2030, TPHCM công bố kế hoạch đầu tư hạ tầng "khủng" với tổng vốn lên đến 5 triệu tỉ đồng
Báo Phụ nữ TPHCM, ngân hàng BIDV phối hợp với Đảng ủy - UBND - UB MTTQ Việt Nam phường Nguyễn Thái Bình (quận 1) trao quà tết cho các hoàn cảnh khó khăn.