Ngày Gia đình Việt Nam 28/6

Giữ lấy tình thân: Những đứa con “không gia đình”

28/06/2024 - 06:04

PNO - Thời 4.0, những kết nối “ảo” càng lúc càng nhanh. Trong khi đó, kết nối “thật” giữa người và người lại trở nên chậm chạp, lỏng lẻo, kể cả những người chung một gia đình…

Trò chuyện và sẻ chia là cách bện dày  sợi dây tình thân trong mỗi gia đình  - Nguồn ảnh minh họa: iStock
Trò chuyện và sẻ chia là cách bện dày sợi dây tình thân trong mỗi gia đình - Nguồn ảnh minh họa: iStock

Mỗi lần đọc bản tin dự báo thời tiết, nhìn lên hướng TPHCM thấy trời chuyển mưa đen, chị Ngọc Phụng (47 tuổi, quê Long An) lại canh cánh trong lòng. Không biết trời mưa gió như vầy, chiều nay con đi làm về có chịu cảnh mắc mưa, kẹt xe hay không.

Đứt kết nối
Con trai duy nhất của chị Ngọc Phụng là Hoàng Phúc (24 tuổi), đang làm việc cho một công ty điện lạnh tại quận Gò Vấp. Long An cách TPHCM chẳng bao xa mà 3, 4 tháng trời Hoàng Phúc mới về nhà 1 lần lúc chiều tối, ngủ 1 đêm rồi sáng mai đi sớm.

“Nó về tới nhà tắm rửa, ăn cơm xong là nằm lướt điện thoại cho tới khi ngủ nên mẹ con không nói chuyện quá 3 câu. Nhiều lúc trời chuyển mưa gió mịt mù, tôi lo nhưng không dám gọi điện hay nhắn tin vì con hiếm khi trả lời cuộc gọi, tin nhắn” - chị Phụng buồn buồn nói.

Ban đầu, chị Phụng nghĩ chắc do tính con ít nói. Nhưng sau đó, chị phát hiện con rất siêng đăng hình ảnh, cập nhật trạng thái liên tục và thường xuyên online trả lời bình luận của bạn bè. Gọi điện không được, chị thử nhắn tin hỏi han con nhưng thường chị phải chờ rất lâu mới nhận được những câu trả lời rất hững hờ: “Rồi, mẹ”, “Hông, mẹ”.

Bà Trần Ánh (62 tuổi, Bến Tre) thì “mù” công nghệ, chỉ xài điện thoại “cục gạch” nên không cách gì nắm bắt thông tin của con từ xa. Con gái út của bà 25 tuổi, làm công nhân may ở Bình Dương. Không biết công việc bận rộn thế nào mà cô hầu như không liên lạc gì với gia đình. Bà Ánh gọi thì thường chỉ nghe tiếng đổ chuông không ai bắt máy hoặc có khi đầu dây bên kia tắt máy, không liên lạc được. Cả tháng bà mới gọi được cho con 1 lần thì con nói do phải tăng ca, vô công ty không được nghe điện thoại…

Tết vừa rồi, tận chiều 30 vẫn không thấy con về nhà, bà gọi điện khắp nơi, cả nhà lo lắng như ngồi trên đống lửa. Đến chiều tối, con gái mới gọi về, nói gọn: “Qua tết con mới về. Giờ đang xuống quê bạn chơi”.

Nửa năm trở lại đây, vợ chồng chị Ngọc Hoa (quận 7, TPHCM) cho biết, mỗi khi muốn nói chuyện với đứa con gái đang tới tuổi dậy thì là anh chị phải vào Messenger, Zalo nhắn tin. Hễ đi học về là con chui vô phòng riêng đóng cửa. Ba mẹ hỏi gì cũng trả lời nhát gừng kiểu có - không.

“Chỉ khi nhắn tin cho con, tôi mới thấy nó chịu trả lời nhiều hơn, nên mình cũng phải ráng mà theo nó” - chị Hoa than thở.

Kinh doanh phòng trọ sinh viên, bà Thu Hường (quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) nhiều lần thắc mắc khi thấy ngày lễ, tết hay thậm chí là 3 tháng hè, nhiều cô cậu sinh viên cũng không về nhà. “Hỏi thăm thì tụi nhỏ nói ở lại thành phố làm thêm. Để ý thấy, dù được nghỉ, tụi nhỏ thích ở lại thành phố rồi đi chơi, tụ tập bạn bè chứ ít chịu về nhà, trong khi ba má chúng thì nhấp nhổm nhắn tin, gọi điện cho tui, hỏi thăm con” - bà Hường kể.

Cha mẹ nào cũng mong được gắn kết với con (ảnh minh họa)
Cha mẹ nào cũng mong được gắn kết với con (ảnh minh họa)

Đau lòng những lý do xa cách

Có nhiều lý do cho việc người trẻ hình thành khoảng cách với người thân. Bà Ánh tự lý giải vì sao con gái không muốn chạm mặt gia đình. Bà kể, con gái bà thích cắt tóc ngắn, mặc quần áo con trai nên gia đình có nghi ngờ giới tính.

“Ba nó lo ngay ngáy vì sợ nó không lấy được chồng, nên cấm tiệt chuyện ăn mặc như con trai”. Đi Bình Dương làm vài năm, dịp nghỉ lễ, con gái bà về chơi và dẫn theo một cô bạn gái. “Tưởng nó học đòi yêu đương đồng tính, thế là ổng nổi điên lên, quăng túi xách của bé kia ra sân, đuổi về”. Lần mâu thuẫn thứ hai này khiến tình cảm cha con tan vỡ.

Còn chị Phụng, mỗi lần nhớ lại mười mấy năm trước, Phúc là cậu bé hoạt bát, chị lại tự đổ lỗi cho bản thân. Ba mẹ ly hôn, Phúc ở với mẹ. Ba làm nghề lái xe rày đây mai đó, hiếm hoi lắm mới về thăm con. Cú sốc khiến Phúc thu mình vào vỏ ốc, ngày càng không có nhu cầu trò chuyện, thân mật với cả ba lẫn mẹ, càng không về nội hay ngoại chơi.

“Từ nhỏ, tôi đã không có thói quen gần gũi với ba mẹ. Những chuyện rất bình thường với bạn bè tôi như ôm hôn, nũng nịu với ba mẹ thì lại vô cùng xa lạ với chị em tôi. Lớn lên, đi học xa nhà, mỗi lần về, có khi tôi cũng muốn một lần “làm chuyện sến rện, nói lời ngọt ngào yêu thương” với mẹ thì đều bị mẹ tôi gạt đi. Có lần, tôi buồn, quảy ba lô nói có việc gấp trở lên thành phố khi trời chuyển cơn giông gió. Lúc đó, tôi chỉ chờ nghe mẹ nói một câu “thôi tối rồi, mưa gió vầy, ở lại mai đi nghen con”, nhưng mẹ tôi đã không làm vậy.

Nhiều lúc, tôi cảm thấy mình như một đứa con không gia đình, dù ba mẹ chị em vẫn còn đầy đủ” - bạn Nguyễn Thị Kim Mai kể.

Bện dày sợi dây tình cảm

Theo các nhà tâm lý học, hiện tượng estrangement hay còn gọi xa lánh là hiện tượng mối quan hệ giữa các cá nhân bị cắt đứt hoặc gặp trục trặc nghiêm trọng. Nó có thể xảy ra giữa các thành viên trong gia đình, bạn bè, đồng nghiệp…

Estrangement có thể biểu hiện dưới nhiều hình thức khác nhau, bao gồm: ít hoặc không liên lạc (không còn tương tác trực tiếp hay qua điện thoại, tin nhắn, mạng xã hội…); thể hiện cảm xúc tiêu cực, nổi giận, thất vọng, căm phẫn; tránh né gặp gỡ, tham gia các sự kiện chung; loại bỏ người khác khỏi cuộc sống của mình, cắt đứt mọi liên lạc…

Tình trạng estrangement xảy ra ở hầu hết các quốc gia trên thế giới với mức độ khác nhau. Một số nghiên cứu cho thấy, tại Mỹ, có khoảng 27% người trưởng thành có ít nhất 1 mối quan hệ đứt gãy trong gia đình. Tại Anh, khoảng 12% người trưởng thành không còn liên lạc với ba mẹ của họ.

Tại Nhật Bản, hiện tượng hikikomori (rút lui khỏi xã hội) ngày càng phổ biến, đặc biệt là ở giới trẻ. Estrangement có thể gây ra nhiều hậu quả tiêu cực cho cả 2 bên liên quan, bao gồm: đau khổ, lo lắng, trầm cảm; từ đó dẫn đến những tổn thương tinh thần, mất niềm tin vào cuộc sống. Người có biểu hiện này thường khó khăn trong việc hòa nhập xã hội, tìm kiếm sự hỗ trợ.

Bà Huỳnh Khánh Linh - chuyên viên Hội quán Nếp nhà - nhận định xu hướng xa cách của giới trẻ, ngoài nguyên nhân chủ quan còn có nguyên nhân khách quan là cách mà ba mẹ, người thân quan tâm đến họ. Làm ba mẹ chưa bao giờ là việc dễ dàng và luôn có những sai lầm nhất định. Như ở giai đoạn trước tiểu học, con cần ba mẹ chơi cùng vui vẻ thì ba mẹ lại dốc hết thời gian và sức lực lo kinh tế gia đình. Vào tiểu học cho đến khi lớn hơn, con gặp khó khăn về học tập nhưng chẳng thấy ba mẹ gần gũi động viên, hỗ trợ. Đó là chưa kể lúc tức giận, ba mẹ quát tháo con bằng những lời lẽ gây tổn thương hay lỡ tay đòn roi vô cớ.

Theo bà Huỳnh Khánh Linh, ở độ tuổi dậy thì đầy những biến động phức tạp, con muốn được ba mẹ cư xử tôn trọng và bình đẳng như với một người lớn, nhưng ba mẹ vẫn quen đối xử với con như trẻ nít, hay ra lệnh, áp đặt, can thiệp thô bạo, kiểm tra giám sát gắt gao… thì làm sao con có thể gần gũi với ba mẹ.
“Hãy giữ chặt nhưng nương nhẹ sợi dây tình cảm mong manh sắp đứt, rồi bện cho nó dày chắc hơn bằng cách thực sự “sống cùng” con. Trước hết là kiên trì kết nối liên lạc với con, nhắn tin cho con biết mọi chuyện xảy ra nơi quê nhà, thi thoảng gửi chút quà quê, hỏi ý kiến con để con được tham gia quyết định việc chung của “nhà mình”…

Cảm giác “thuộc về” gia đình sẽ lớn dần trong con từ những điều bình thường như thế” - bà Huỳnh Khánh Linh nói.

Thành Vũ - Dương Mạc - Mai Lâm

 

news_is_not_ads=

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEtinhyeuhonnhanvi /strCate=tinhyeuhonnhan

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEchamevaconvi /strCate=chamevacon

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEtinhvalyvi /strCate=tinhvaly

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEphongcachsongvi /strCate=phongcachsong
TIN MỚI

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEhonnhangiadinhvi /strCate=honnhangiadinh