Giữ lấy nguồn sống: Nước

22/03/2017 - 11:36

PNO - Ngày Nước thế giới (22/3) do Liên Hiệp Quốc chọn kỷ niệm hàng năm nhằm đánh thức nhận thức của cộng đồng đối với trách nhiệm bảo vệ nguồn nước để duy trì sự sống của hơn bảy tỷ người trên toàn cầu.

Hiện khoảng 12% dân số thế giới thiếu nước sạch trong sinh hoạt hàng ngày. Mỗi ngày có khoảng 4.500 đứa trẻ qua đời vì những căn bệnh do thiếu nước sạch gây ra. 

Giu lay nguon song: Nuoc
Người dân New Zealand phản đối việc xuất khẩu nước sạch - Ảnh: www.toko.org.nz

Cả năm, thế giới chứng kiến 3,5 triệu người qua đời vì nguyên nhân trên, lớn gấp nhiều lần số người chết vì tai nạn giao thông và HIV/AIDS cộng lại.

Nhiều chuyên gia môi trường cảnh báo, khủng hoảng nước sạch trong thời gian tới sẽ là một trong những khủng hoảng nan giải nhất đối với nhân loại. 

Dù hơn 70% diện tích trái đất là nước nhưng tỷ lệ nước sạch chỉ vỏn vẹn 0,3% và đây không phải là nguồn tài nguyên vô tận. 

Bảo vệ quyền tiếp cận nước sạch của người dân là khái niệm lạ lẫm với hầu hết các quốc gia; nhưng mới đây, khái niệm này đã được khuấy động bởi quyết định tiên phong từ chính phủ Slovenia.

Đây là quốc gia đầu tiên đưa câu chuyện nước sạch vào hiến pháp, đặt quyền dùng nước sạch của người dân vào khung ràng buộc pháp lý.

Nghĩa là, không phải cứ có tiền là sẽ mua được nước sạch ở Slovenia, nhằm tránh việc thương mại hóa ồ ạt dẫn đến nước sạch trở thành mặt hàng xa xỉ với những người có thu nhập thấp.

Đó là lý do Thủ tướng Slovenia Miro Cerar khi kêu gọi các nghị sĩ bỏ phiếu thông qua dự luật đã nhấn mạnh rằng, đất nước này phải bảo vệ nguồn nước có chất lượng tốt ví như “vàng lỏng” của thế kỷ XXI ở cấp độ luật pháp cao nhất.

Ông Miro Cerar nhìn ra một viễn cảnh không xa, đó là khi nguồn nước của Slovenia là mục tiêu chinh phục của nhiều tập đoàn quốc tế.

 Năm 2010, Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc bỏ phiếu công nhận quyền tiếp cận nước sạch là một trong những quyền cơ bản của con người sau 15 năm tranh luận gay gắt về vấn đề này.

Một trong những lực cản đến từ những chiến dịch vận động từ các nhóm kinh doanh ngành nước luôn cố đẩy giá lên cao, “biến hóa” nước thành sản phẩm giá cao hơn giá thực tế từ những chiêu trò tiếp thị tinh vi.

Tháng 7/2016, người tiêu dùng sửng sốt khi có thông tin hãng nước uống tinh khiết Aquafina thừa nhận các sản phẩm của họ có nguồn gốc, chất lượng không khác gì nước lã từ các vòi nước công cộng.

Hãng này sau đó buộc phải ghi thêm chi tiết P.W.S (Public water source - nguồn nước công cộng) trên các chai nước bán ra thị trường tại Mỹ.

Xét về mặt logic, nước đóng chai không cần phải tồn tại, nhưng chính cách tiếp thị đi kèm cam đoan nước có qua giai đoạn vô trùng của từng hãng đã đẩy giá nước lên cao khoảng 300 lần so với nước vòi.

Hãng nghiên cứu thị trường Euromonitor dự báo, thị trường nước đóng chai toàn cầu có thể sẽ tăng gần gấp đôi trong 5 năm tới. Năm 2020, ngành công nghiệp này sẽ có giá trị 319 tỷ USD.

Số tiền đó tương đương 40% so với ngành dầu mỏ và lớn hơn cả ngành dược phẩm toàn cầu.

Hiện ngành công nghiệp nước sạch trên thế giới đang chịu sự chi phối lớn của các công ty  Vivendi  và  Suez (Pháp),  Thames Water (Anh). Các công ty này ngày càng mở rộng thị trường cung cấp nước sạch.

Người Mỹ chi trung bình mỗi năm 13 tỷ USD cho nước uống đóng chai. Con số này ngày càng tăng.  Nước sạch không chỉ thỏa mãn nhu cầu sinh hoạt của người dùng mà còn là nguyên liệu thiết yếu trong nhiều ngành sản xuất.

Tại Mỹ, quốc gia hàng đầu về công nghệ hiện đại, 70% lượng điện tiêu thụ đến từ các máy điện phải làm nguội bằng nước. Trong ngành nhiên liệu sinh học, hạt nhân, điện mặt trời thì nước cũng là yếu tố chủ chốt.

Vì vậy, việc đảm bảo nguồn nước sạch cho sự phát triển của mỗi quốc gia là điều cấp thiết, cần sự điều chỉnh của chính sách pháp luật cụ thể.

Những ngày qua, người dân New Zealand đồng loạt phản đối kế hoạch xuất khẩu chín triệu lít nước sạch đóng chai mỗi năm của nước này. Tuần hành, xuống đường. 15.000 chữ ký trên đơn kiến nghị đã không thể thuyết phục được chính phủ đổi ý.

Bộ trưởng Môi trường New Zealand Nick Smith cho rằng, con số này rất nhỏ so với hàng ngàn tỷ lít nước ở các sông hồ, ao suối trên khắp lãnh thổ quốc gia. Tuy nhiên, người dân cho rằng không ai bảo đảm lượng nước sạch chỉ giữ ở mức cố định, vì lượng nước xuất khẩu có thể tăng dần theo yêu cầu thị trường và đây là ngành kinh doanh dễ sinh lời.

Họ lo rằng việc nhắm mắt khai thác sẽ khiến nguồn nước ngọt cạn kiệt. Việc lý luận hệ thống nước ngọt ở New Zealand dồi dào không thuyết phục, vì ai cũng hiểu nguồn nước tiêu hao nếu không có những biện pháp tái chế kịp thời sẽ dẫn đến thiếu nước trong tương lai. 

Các chuyên gia môi trường cho rằng, việc giáo dục trẻ ý thức bảo vệ nguồn nước sạch là giải pháp cốt lõi. Hạt Iron, bang Utah (Mỹ) hàng năm đều tổ chức hội thảo về nước sạch.

Một trong những chương trình hữu ích của hội thảo là dạy cho học sinh tiểu học ở khu vực cách sử dụng tiết kiệm và bảo tồn nguồn nước. Nhiều nhà nghiên cứu về môi trường cam kết sẽ hỗ trợ, giúp chương trình có thể mở rộng trên toàn bang.

Các em học sinh ở đây được học cách sử dụng nước theo một chu trình nhằm tận dụng hiệu quả, không lãng phí. Những em nhỏ hiểu rõ và thực hành vòng tuần hoàn nước, nhận diện nước thất thoát nhiều nhất ở đâu và cùng đưa ra biện pháp bảo tồn 
nguồn nước. 

Theo tiến sĩ người Singapore Jochen Krauss, mỗi quốc gia cần có những quy định pháp luật cụ thể trong việc quản lý nước sạch. Từ đó mới đảm bảo tinh thần công nhận quyền tiếp cận nước sạch là quyền cơ bản của con người được thực thi. 

ANH THÔNG (Theo Investor Ideas, ABC News, NZ Herald)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI