Giữ lấy hơi thở

30/08/2021 - 10:26

PNO - Giây phút đó là minh chứng của sự sống và năng lực sinh tồn của nhân loại; giản dị mà thiêng liêng, quý giá biết nhường nào.

“Bệnh nhân đang khó thở. Chỉ số SpO2 (độ bão hòa ô-xy trong máu ngoại vi) đang giảm, cần xử lý gấp”. Nhận được hiệu lệnh, ê-kíp gồm các bác sĩ, hộ lý, kỹ thuật viên Bệnh viện Hùng Vương (Q.5, TP.HCM) nhanh chóng đến giường bệnh nhân. 30 phút dài như ba thế kỷ trong sự khẩn trương, gấp gáp.

Cuối cùng, ê-kíp cũng đưa những chỉ số chấp chới sinh tử của bệnh nhân - một sản phụ mắc COVID-19 - về lại mốc an toàn.

Vừa xử lý xong ca F0 chuyển nặng đó, ê-kíp lại lập tức đến với các bệnh nhân khác, cũng là những sản phụ mắc COVID-19 đang trong cơn khó thở, phát đi những chỉ dấu cầu cứu.

Ánh mắt của sản phụ A. dán chặt lên màn hình điện tử, lộ rõ sự lo sợ khi các chỉ số an toàn của mình đang sụt giảm. Chiếc bóng thở phập phồng trên gương mặt của sản phụ B. Chị hổn hển, tay bấu chặt thành giường. Trên một chiếc giường khác, sản phụ C. chắp hai tay như van cầu cơn khó thở qua nhanh…

Hộ sinh Nguyễn Thị Mỹ Hạnh (Bệnh viện Hùng Vương) kiểm tra lại các chỉ số sinh hiệu cho bé sơ sinh vừa được mổ lấy ra từ mẹ là F0 - ẢNH: DÂN TRÍ
Hộ sinh Nguyễn Thị Mỹ Hạnh (Bệnh viện Hùng Vương) kiểm tra lại các chỉ số sinh hiệu cho bé sơ sinh vừa được mổ lấy ra từ mẹ là F0 - ẢNH: DÂN TRÍ

“Nhìn theo em này. Hít thật sâu rồi thở ra” - cô y tá đứng bên một sản phụ, một tay bóp bóng thở, tay còn lại mô tả các hành động hít thở. Ở một góc khác, vị bác sĩ đang động viên bệnh nhân: “Chị thở đi. Phải cố gắng tự thở. Chỉ thở thôi, chỉ thở thôi”.

Trong một căn phòng khác cách đó vài bước chân, chiếc máy thở hiệu suất cao được chuyển vào cho một sản phụ F0 đang nguy kịch… Bầu không khí hối thúc và căng thẳng phủ lên Khu điều trị sản phụ mắc COVID-19 của Bệnh viện Hùng Vương, có cả nỗi sợ hãi của tất thảy bệnh nhân trong cuộc chạy đua giữ lấy những nhịp thở. 

Ngày 21/7, Khu điều trị sản phụ mắc COVID-19 của Bệnh viện Hùng Vương “thành lập”, được Sở Y tế TP.HCM phân tầng điều trị từ tầng một đến tầng bốn trong tháp năm tầng điều trị COVID-19, trở thành nơi điều trị sản phụ F0 lớn nhất TP.HCM với quy mô 120 giường.

Đến nay, nơi này đã điều trị cho hơn 600 sản phụ, trong đó có khoảng 400 ca đã xuất viện hoặc chuyển lên tuyến trên. Nếu bệnh nhân COVID-19 là một sinh mạng thì ở đây, sản phụ COVID-19 mang tới hai sinh mạng. Sống là giữ được cả hai. Mất là không còn tất cả.

Trên hành trình giữ-cả-hai đó là những giờ phút quay cuồng đối mặt với từng cơn khó thở của bệnh nhân. Người phụ nữ nào trong thai kỳ đều có những ngày khó thở. Giờ đây đâu còn ai xa lạ với những F0 nương cậy sinh mạng trong những chiếc máy thở để tiếp nạp ô-xy.

Gắn thêm chữ “F0”, chuyện hơi thở của thai phụ càng thêm quay quắt. Ngay cả chuyện thở được hay khó thở cũng là hành trình khó lường, hoàn toàn đột ngột. Nhiều trường hợp thai chưa đủ tháng đủ ngày nhưng bệnh nhân suy hô hấp nặng, buộc phải mổ gấp để tránh nguy cơ rất cao “không còn tất cả”.

Hành trình vượt cạn của hàng trăm ngàn bà mẹ trong những ngày tháng này đã khác. Con số hàng ngàn ca nhiễm COVID-19 mỗi ngày đẩy đất nước vào trạng thái “thời chiến”, hiểm nguy được chứng thực bằng hàng ngàn ca tử vong đã phủ lên tất thảy một nỗi sợ “dương tính” thì với những sản phụ không may là F0, để đón được đứa con chào đời là những trận chiến liên hoàn.

Không có người thân bên cạnh, không cả những giây phút vận động “đi qua đi lại” lấy sức cho một cuộc vượt cạn bình thường; giờ đây quanh họ là chằng chịt các thiết bị y tế, mặt nạ ô-xy, ống thở, dây truyền nước…

Hành trình đó không chỉ dựa vào máy móc mà còn ý chí của bệnh nhân, các y, bác sĩ với áp lực gấp ba, bốn lần. Sau tất thảy, bước qua được lằn ranh sinh tử, hạnh phúc là khi đứa trẻ chào đời khỏe mạnh, người mẹ cũng kịp tỉnh lại để nhìn thấy mặt con.

Giây phút đó là minh chứng của sự sống và năng lực sinh tồn của nhân loại; giản dị mà thiêng liêng, quý giá biết nhường nào. 

Phong Vân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI