Giữ lại và trôi đi

26/11/2018 - 17:44

PNO - Chiến tranh lùi xa, mọi thứ đều trôi đi, nhưng lịch sử cần được giữ lại, nhắc nhở, khắc ghi mãi mãi.

Lặng người và run rẩy khóc là cảm giác khi tôi đọc Về từ hành tinh ký ức, do Tao Đàn và nhà xuất bản Hội Nhà văn vừa ấn hành. Đoạn trích dẫn ở bìa bốn như cánh cửa báo trước cho độc giả rằng, con đường vào những trang sách sẽ đau đớn, rợn người với những hy sinh và tội ác. 

Giu lai va troi di
 

“Chúng tôi không muốn bị giết. Càng không thể để cho mấy chục người cùng trốn trong hang bị giết vì tiếng khóc của con mình. Vợ tôi ôm con vào lòng, áp tiếng khóc nó vào người… Và rồi không còn ai nghe con tôi khóc nữa. Chỉ có mỗi vợ tôi còn nghe. Không nghe bằng âm thanh mà nghe bằng những ngằn ngặt trong trạng thái bị nén lại, bị giấu kín. Vợ tôi vẫn ôm con như vậy cho đến khi bên ngoài bình yên. Nghĩa là không còn tiếng khóc nữa. Con tôi đã chết từ lúc nào rồi”.

Đó là câu chuyện của anh Út Nam (xã Lê Trì, H.Tri Tôn, tỉnh An Giang - nạn nhân cuộc diệt chủng ở Ba Chúc). Rất nhiều đứa trẻ đã ra đi trong im lặng mà đau xót như vậy, chỉ vì tiếng khóc. Những nhân chứng sống sót trở về sau cuộc thảm sát, tận diệt của Pol Pot, giữ lại những câu chuyện còn kinh hoàng hơn.

Về từ hành tinh ký ức của nhà văn Võ Diệu Thanh như những thước phim chiếu chậm - chậm đến tê điếng trước những sự thật về cuộc diệt chủng, về sự chịu đựng, sức mạnh và cả tội ác kinh khiếp của loài người. Một cuộc trở về ký ức nghẹt thở.

Không nhiều tác phẩm viết về cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam nước ta và hầu hết trong số đó cũng khai thác từ ký ức chiến trường. Có lẽ, Về từ hành tinh ký ức là cuốn sách tập hợp đầy đặn nhất những nhân chứng sống, được kể gần như trọn vẹn về 10 ngày địa ngục của nhân dân Ba Chúc.

Nhắm mắt lại, tôi vẫn nhớ hình ảnh chị Sương - nạn nhân nhỏ nhất còn sống sau cuộc diệt chủng - khi ấy mới 11 tuổi. Chị bị lùa ra đồng với cả làng, bị đập đầu, bị đạn bắn xuyên phổi. Vậy mà cô bé Sương ngày ấy không chết. Để “ngày ngày mang vết thương chí mạng như vậy đi bẻ xoài non, me nước rụng dính đầy đất để ăn. Đêm đến ngủ bên xác cha, chỗ bàu Điên Điển; ngủ chung với hàng trăm xác chết của những người trong làng”.

Giu lai va troi di
Nhà văn Võ Diệu Thanh ký tặng sách cho ban đọc

Chú Tư Long (H.Tri Tôn) đã sống sót nhờ trốn trong khe đá. Nhưng suốt 10 ngày đó, ông phải chứng kiến người thân bị bắn chết quỳ đến khô rã ngoài cửa hang mà không cách gì sửa lại tư thế ngay ngắn cho người chết được. Hàng ngàn người bị lính Pol Pot thảm sát, số sống sót chỉ đếm trên đầu ngón tay. Ai cũng mang những vết thương sâu không được chữa trị, vậy mà vẫn lê lết trốn chui trốn nhủi. Sống với những xác người, với cả trái tim không còn biết phải đau đớn vì điều gì.

Quá khứ lùi xa nhưng ký ức như một bóng ma hãi hùng. Nếu không còn nhân chứng, sẽ không ai có thể biết điều gì đã thật sự xảy ra trên cánh đồng Ba Chúc năm ấy. Nhà văn Võ Diệu Thanh tìm về ký ức cũng là để trả lời cho những câu hỏi ngỡ đã phong kín của lịch sử, trả lời cho cả những lựa chọn của con người và kết cục mà họ nhận về.

Từng thân phận trong tác phẩm, cả cái bi và cái đẹp đều chân thật, ám ảnh đến từng chi tiết, có cả những sự thật kinh khủng mà chắc rằng không một tác phẩm văn học hư cấu nào có thể nghĩ đến.

Sau tất cả những ký ức đau thương từ cuốn sách, cuối cùng là câu chuyện của một cựu lính Khmer Đỏ: ông Sáu Khệnh (xã Bãi Thơm, H.Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang), lý giải vì sao Khmer Đỏ lại từ một lý tưởng “đưa con người đến thế giới đại đồng” mà tận diệt con người. Chiến tranh lùi xa, mọi thứ đều trôi đi, nhưng lịch sử cần được giữ lại, nhắc nhở, khắc ghi mãi mãi.

Bùi Tiểu Quyên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI