Giữ lại ký ức cho tương lai

30/12/2019 - 07:25

PNO - Mười công trình di tích lịch sử - văn hóa đang đứng trước thời khắc được công nhận, được bảo tồn. Nó là lời chào thiết thực và sống động nhất cho một năm mới, 2020, vừa được thành phố chọn chủ đề: Năm Văn hóa.

Ngày 31 tháng 12 năm 2019, ngày cuối cùng của năm sẽ chứng kiến cuộc xác lập chính thức tổng thu ngân sách đạt và vượt chỉ tiêu của TPHCM (đã được dự báo trước đó, với mức 412.000 tỷ, vượt 3,3%) và lễ trao Bằng xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa cấp thành phố đối với nhà thờ Thủ Thiêm, tu viện Dòng Mến Thánh giá Thủ Thiêm, Phụng Sơn tự, đình An Hội, miếu Sa Tân, lăng Võ Tánh, đền thờ họ Trương và khu mộ ông bà Trương Minh Thành và Trường trung học phổ thông chuyên Trần Đại Nghĩa, Trường trung học cơ sở Võ Trường Toản. 

Một, là con số, là trị giá, đếm được và là thành quả kinh tế hoạt động trong năm, là cơ sở vật chất để đảm bảo và khẳng định vị thế phát triển hàng đầu của thành phố. 

Một, là những di tích vô giá, nơi lịch sử và văn hóa ký thác lên thời gian lẫn không gian Sài Gòn - Gia Định - TP Hồ Chí Minh, là một phần của ký ức nguyên bản dẫn dắt con người - trong đó có những “công dân thông minh” - đi vào tương lai. 

Đặt để hai trị giá và giá trị ấy trong “phép cộng” cuối năm lại cho ra một kết quả xứng đáng được thừa nhận: thành phố này đang miệt mài đóng góp cho sự phát triển chung và cũng chính nó, đã ân cần nhìn lại, kịp bày tỏ một thái độ thành kính trước tiền nhân, chính thức công nhận và bảo tồn một phần của “sự gắn bó liên tục qua những ký ức tập thể, buồn vui” (Sơn Nam - Di sản Sài Gòn). 

Đặt để trong xu thế cách mạng công nghiệp 4.0 và áp lực phát triển các loại hình đô thị, trong đó có đô thị thông minh, thì việc công nhận, bảo tồn các giá trị di sản lịch sử - văn hóa ngay trong lõi vùng đô thị là xác lập một tư duy, thái độ, hành động thông minh, văn minh của chính quyền thành phố.

Nó cũng không loại trừ những thách thức không nhỏ khi phải giải quyết sự xung đột giữa yêu cầu phát triển kinh tế - đô thị và đòi hỏi trách nhiệm bảo vệ di sản cho tương lai, giữa những con số nhấp nháy tính tăng trưởng và “hàm lượng văn hóa - tri thức” trong nền tảng phát triển xã hội. 

Nói như đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa: “Một nhà nước được gọi là nhà nước văn minh, hiện đại; một chính phủ gọi là chính phủ thông minh chỉ khi đó là một nhà nước, một chính phủ có ý thức bảo tồn di sản, không hủy hoại di sản, không hy sinh di sản cho miếng ăn, lợi ích trước mắt”. 

Giu lai ky uc cho tuong lai
Dòng Mến Thánh giá Thủ Thiêm - nơi vừa được UBND TPHCM xếp hạng di tích cấp thành phố - Ảnh: Thành Lâm

Có đứng giữa một Thủ Thiêm đang ngổn ngang được sắp đặt lại, nhìn vắt qua bên kia chỉ còn là cái bóng Ba Son, và cơ man những sóng biển cao ốc, tháp chọc trời bủa vây tả hữu bờ sông Sài Gòn thì mới thấy, giữ cho được và “được cho giữ” một tháp chuông, nhà nguyện và những công trình liên hoàn là một thiện ý tốt lành, hơn thế là một sự tôn trọng có thật các công trình tôn giáo có giá trị văn hóa, kiến trúc, cộng đồng. 

Xét về yếu tố thời gian, theo sử liệu, 18 năm trước khi Pháp nổ súng vào bán đảo Sơn Trà, năm 1840, Dòng Mến Thánh giá đã hiện diện ở Thủ Thiêm. Về mặt không gian, khi người Pháp chiếm Sài Gòn, họ đã chọn con sông làm trục chính cho xây dựng, từ nhà thờ Thủ Thiêm, xây dựng bằng vật liệu gỗ năm 1859 cho đến tu viện Dòng Thánh Phaolo thành Chartres - cơ sở công giáo đầu tiên được xây dựng quy mô, kiên cố đều nằm dọc theo sông Sài Gòn. Đặc thù của một đô thị cảng Sài Gòn - Gia Định hình thành cũng là từ đó. 

Một điều cũng nên nhắc lại: tu viện Dòng Thánh Phaolo thành Chartres khởi công ngay trong năm 1862, khi Hòa ước Nhâm Tuất vừa ký, do chính người Việt thiết kế, chỉ huy xây dựng, là sĩ phu yêu nước Nguyễn Trường Tộ. Tinh thần “điều trần” với mục đích giúp dân giàu nước mạnh thì mới đủ sức chống Tây phần nào thể hiện trong bản thiết kế, vốn được chính người Pháp thừa nhận: “Tu viện làm người ta nghĩ tới lối kiến trúc Ý, pha lẫn những trang trí theo óc tưởng tượng rất tự do của người Việt Nam”. 

Để thấy, càng trong hoàn cảnh bị cưỡng bức (nhằm) đồng hóa thì ý thức và sức mạnh Việt hóa lại càng trỗi dậy; và rõ ràng nó đã thuần hóa có chọn lọc, thích nghi để tồn tại trong một cộng đồng, ở một thời điểm lịch sử nhất định. 

Phải nhìn thấy và nhìn thấu những “nội hàm” ấy trong mỗi di tích, trong từng dãy ký ức lịch sử - văn hóa để từ điểm mốc công nhận - bảo tồn này, chúng ta tiếp tục đắp bồi, bảo vệ và viết tiếp những ký ức cho mai sau. Chỉ như vậy, những cái-gạch-nối-thời-đại mới được truyền trao, không đứt gãy. 

Mười công trình di tích lịch sử - văn hóa đang đứng trước thời khắc được công nhận, được bảo tồn. Nó là lời chào thiết thực và sống động nhất cho một năm mới, 2020, vừa được thành phố chọn chủ đề: Năm Văn hóa.

Ái Mỹ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI