Giữ lại cơ hội chào đời cho những đứa trẻ vô tội

08/08/2016 - 12:37

PNO - Nhiều bà mẹ đã vô tình tước đi cơ hội được sống của thai nhi khi phát hiện con bị dị tật sứt môi hở vòm miệng (SMHVM).

Họ đã không biết, đa số các bé sau khi sinh ra, nếu phẫu thuật kịp thời, hoàn toàn có thể phát triển bình thường như bao đứa trẻ khác.

Đứa bé suýt mất cơ hội ra đời

Chúng tôi gặp chị Trương Thị Út và con trai là bé Lê Tuấn Kiệt, ba tuổi, trú tại Cà Mau ở khoa Răng-Hàm-Mặt, BV Nhi Đồng 1 TP.HCM. Chị đưa con đi tái khám và trị liệu sau khi mổ vá vòm miệng. Bé Kiệt lanh lợi, có nụ cười rất xinh. Không ai ngờ, suýt nữa Kiệt đã không có cơ hội đến với cuộc đời này khi mới chỉ là bào thai hơn sáu tháng tuổi. Chị Út kể chuyện ba năm trước mà cứ như chuyện chỉ vừa xảy ra hôm qua.

Người phụ nữ 34 tuổi ấy bật khóc, nhớ lại phút giây quyết định từ bỏ giọt máu đang mang trong mình. Phát hiện thai bị dị tật SMHVM ở tuần thứ 20, đất dưới chân chị như sụp xuống. Mãi 30 tuổi chị mới có thai con đầu lòng. Thà thai nhi còn nhỏ, đằng này bé đã đầy đủ các bộ phận, chị đã cảm nhận được sự sống trong mình khi con chòi đạp. Sợ con sinh ra không nuôi được, không phát triển bình thường, chị Út và gia đình quyết định bỏ thai.

Trước hôm bỏ thai, chị Út ngồi thẫn thờ ở phòng khám sản. Các bác sĩ (BS) sản khoa động viên thử sang khoa Răng-Hàm-Mặt, BV Nhi Đồng 1 xin tư vấn xem, biết đâu có cách giữ lại thai nhi. Chị tất tưởi chạy tới khoa Răng Hàm-Mặt lúc bốn giờ chiều. Nghe nguyện vọng của chị và xem xét tình trạng thai nhi, BS Nguyễn Văn Đẩu - Trưởng khoa, đã khuyên chị giữ lại em bé. “BS bảo thai nhi mạnh khỏe thế này, tim đập tốt, sọ não, thần kinh bình thường, chỉ bị dị tật ở vòm miệng. Sinh xong tôi mổ cho. Mổ một lần chưa được thì lần 2, lần 3. Nghe BS động viên em mừng rớt nước mắt, có thêm động lực giữ cháu lại”, chị Út kể. Sinh ra, bé Kiệt bị SMHVM hai bên rất rộng, phải trải qua hai lần mổ chỉnh hình, vá vòm miệng. Sáu tháng sau mổ bé hoàn toàn hồi phục. Chính chị Út còn không nhận ra nổi con mình.

Giu lai co hoi chao doi cho nhung dua tre vo toi
Bác sĩ Hằng đang khám cho một trường hợp sứt môi hở vòm miệng - Ảnh: Thanh Huyền

Theo BS Nguyễn Minh Hằng - Phó khoa Răng-Hàm-Mặt, BV Nhi Đồng 1, các BS đã vận động được khá nhiều thai phụ giữ lại con khi phát hiện thai nhi bị dị tật SMHVM. Tuy nhiên, nhiều lúc thuyết phục thất bại, BS Hằng không khỏi xót xa chứng kiến các bà mẹ bỏ thai, dù em bé hoàn toàn có cơ hội được sống.

5.000 em bé đã được phẫu thuật và điều trị thành công

BS Nguyễn Văn Đẩu cho biết, SMHVM ở thai nhi là dị tật hàm mặt nhẹ nhất. Nếu thai nhi không bị các bệnh lý đi kèm nguy hiểm như tim bẩm sinh, khuyết tật về sọ não, thần kinh thì hoàn toàn có thể điều trị được. Nguyên nhân gây ra SMHVM ở trẻ rất nhiều: trong lúc mang thai bà mẹ dùng thuốc, bị cảm cúm, thiếu axít folic, nhiễm vi sinh, chất độc da cam, di truyền… Thời gian sớm nhất phát hiện được thai nhi bị SMHVM là từ tuần thứ 20 của thai kỳ.

Sau khi sinh, nếu bé được phẫu thuật và điều trị vật lý trị liệu kịp thời, khả năng hồi phục rất tốt. Theo kỹ thuật viên Hoàng Văn Quyên - Trưởng khoa Vật lý trị liệu - phục hồi chức năng BV Nhi Đồng 1, điều trị cho trường hợp SMHVM phải qua bốn giai đoạn. Trước tiên, bà mẹ cần được tư vấn sản khoa, sau khi sinh bé được hỗ trợ ăn uống bằng bình sữa đặc biệt để tránh sặc và ảnh hưởng về dinh dưỡng (chuẩn bị sức khỏe cho các cuộc mổ). Tiếp đến là giai đoạn phẫu thuật vá vòm miệng cho bệnh nhi.

Sau khi vá vòm miệng, bé sẽ được hỗ trợ phát triển về ngôn ngữ và chỉnh âm. “Bệnh nhi dù đã phẫu thuật SMHVM vẫn hay nói bằng giọng mũi. Chúng tôi hướng dẫn các bé cách đặt vị trí cấu âm. Nếu được điều trị sớm trong giai đoạn vàng từ chín tháng tới bốn tuổi thì khả năng hồi phục về phát âm rất tốt. Hiện BV Nhi Đồng 1 là nơi có nhiều chuyên viên ngôn ngữ trị liệu nhất Việt Nam, không chỉ làm công tác điều trị mà còn đào tạo học viên cho các tỉnh, thành.

Từ năm 2009 đến nay, BV Nhi Đồng 1 đã kết hợp với một tổ chức từ thiện nước ngoài mổ miễn phí SMHVM cho 5.000 trường hợp. Các bệnh nhi còn được hỗ trợ chi phí đi lại. Nhiều bé từ Đăk Lăk, Tây Nguyên cũng tìm tới để được phẫu thuật. Dù làm việc hết công suất, mỗi ngày mổ bảy-tám ca, mỗi năm cả ngàn ca nhưng lúc nào trong danh sách chờ phẫu thuật SMHVM của BV cũng lên tới vài trăm bé. Quá tải nhưng các y BS luôn rất hạnh phúc vì đã góp phần giúp các sinh linh bé nhỏ có cơ hội sống và lớn lên như bao đứa trẻ bình thường khác.

Thanh Huyền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI