Giữ ký ức đô thị, muộn còn hơn không

13/06/2022 - 06:26

PNO - Từ hơn 10 năm trước người ta đã nói: “Đà Nẵng là thành phố không có ký ức!”. Đó là hệ quả của một thời ồ ạt giải tỏa, dựng bê tông cốt thép, coi nhẹ các giá trị văn hóa, đã khiến nhiều công trình lịch sử - văn hóa của thành phố bị biến mất hoặc bị đe dọa.

Có lẽ, nếu không có phản ứng kịp thời của dư luận, thì Bảo tàng Điêu khắc Chăm (được Viện Viễn Đông Bác cổ xây dựng từ thời Pháp) giờ đã nằm dưới gầm cầu Rồng; Thành Điện Hải, nơi quân và dân Đà Nẵng đối đầu với loạt đạn pháo xâm lược đầu tiên của thực dân Pháp vào Việt Nam, giờ đã không còn là di tích quốc gia; Làng Nam Ô nơi chân đèo Hải Vân với cụm di tích lịch sử Nam Ô - hiển hiện của hai nền văn hóa Chăm - Việt, cũng đã biến mất… 

Hải Vân quan, sau thời gian dài bị lãng quên, nay đang được TP.Đà Nẵng và tỉnh Thừa Thiên - Huế phối hợp trùng tu
Hải Vân quan, sau thời gian dài bị lãng quên, nay đang được TP.Đà Nẵng và tỉnh Thừa Thiên - Huế phối hợp trùng tu

Theo tiến sĩ Lê Minh Sơn - Trưởng bộ môn kiến trúc, Trường đại học Bách khoa Đà Nẵng - mặc dầu Đà Nẵng có số công trình kiến trúc Pháp không nhiều, khoảng 30 công trình tại khu vực trung tâm, năm 2006 còn 22 công trình, năm 2017 còn khoảng tám công trình, nhưng những công trình này lại mang đầy đủ sự đa dạng các thể loại, phong cách kiến trúc. 

Cũng theo tiến sĩ Lê Minh Sơn, hiện tại, khu vực trung tâm Đà Nẵng đang chịu ảnh hưởng rất lớn của phong trào kiến trúc hiện đại với những mảng khối phức tạp và các ô cửa sổ vuông bằng kính và thép. Đà Nẵng đang trên đà trở thành một thành phố hiện đại, phát triển, mà không cần bất cứ chứng tích nào của lịch sử!?

Quả là sai lầm và đáng tiếc nếu chúng ta nghĩ rằng du khách nước ngoài đến Đà Nẵng để thưởng thức những sản phẩm kiến trúc hiện đại sánh tầm châu lục của các công trình xây dựng mới! Du khách đến Đà Nẵng vì bản sắc riêng của Đà Nẵng, đó là những nét đặc trưng được viết bằng lịch sử mà không có ở bất cứ nơi nào trên thế giới. 

Cũng may là gần đây, vấn đề này đã được nhìn nhận và quan tâm. Ông Bùi Văn Tiếng - Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật TP. Đà Nẵng - đánh giá: Khoảng mươi năm trở lại đây, Đà Nẵng có một bước chuyển quan trọng về cả nhận thức và hành động trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị lịch sử - văn hóa.

Theo lãnh đạo Sở Văn hóa Thông tin Đà Nẵng, từ năm 2015 - 2020, thành phố đã chi gần 270 tỷ đồng để trùng tu di tích xếp hạng các cấp. Về cơ bản, các di tích xuống cấp đều được trùng tu, tôn tạo và đáp ứng được các yêu cầu về chất lượng công trình, tuân thủ các quan điểm, nguyên tắc về bảo tồn.

Hiện nay, thành phố đang triển khai một số dự án lớn nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di tích gồm: dự án tu bổ, phục hồi và tôn tạo di tích Thành Điện Hải giai đoạn 2; dự án nâng cấp, cải tạo cơ sở 42 Bạch Đằng làm bảo tàng; dự án bảo tồn, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích Hải Vân quan; quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt Ngũ Hành Sơn…

Những việc làm trên được xem là những cái “được” của Đà Nẵng trên lĩnh vực bảo tồn và phát huy các giá trị lịch sử - văn hóa. Những cái “được” này đã bù đắp phần nào những cái “chưa được” và nó sẽ giúp Đà Nẵng trở thành một đô thị hiện đại có ký ức. 

 Bài và ảnh: Hoàng Thanh Nhân

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI