Giữ hồn văn hóa Khơ Me qua từng điệu múa

08/08/2024 - 06:17

PNO - “Đến lớp múa truyền thống Khơ Me không chỉ có tiếng cười, sức khỏe dẻo dai mà còn là nơi để gặp gỡ, giao lưu với bạn bè và giữ gìn nét đẹp văn hóa truyền thống qua từng điệu múa” - bà Thạch Thị Ngọc Thu tâm sự.

Lan tỏa văn hóa Khơ Me

19g Chủ nhật hằng tuần, sau khi xong việc gia đình, bà Thạch Thị Ngọc Thu - 68 tuổi, hội viên Chi hội Phụ nữ khu phố 6, phường 10, quận Tân Bình - lại tranh thủ đến lớp múa truyền thống Khơ Me. Lớp do liên chi hội khu phố 5 và 6, phường 10 tổ chức. Đến lớp, sau khi hỏi han nhau, họ bắt đầu khởi động để chuẩn bị cho phần chính.

Bà Danh Thị Phi (bìa trái) hướng dẫn các hội viên phụ nữ thực hiện các động tác múa truyền thống Khơ Me
Bà Danh Thị Phi (bìa trái) hướng dẫn các hội viên phụ nữ thực hiện các động tác múa truyền thống Khơ Me

Là người Khơ Me sống ở thành phố đã hơn 40 năm, khi nghe tin có lớp múa truyền thống, bà Thu tham gia ngay. Bà tâm sự: “Đến lớp múa truyền thống Khơ Me không chỉ có tiếng cười, sức khỏe dẻo dai mà còn là nơi để gặp gỡ, giao lưu với những người bạn và giữ gìn nét đẹp văn hóa truyền thống qua từng điệu múa. Múa truyền thống là sản phẩm văn hóa tinh thần độc đáo, thiêng liêng. Nó cũng là nhu cầu về tinh thần của người Khơ Me sau những giờ lao động mệt nhọc. Người Khơ Me duy trì 3 hình thái múa chính là múa dân gian, múa tín ngưỡng và múa sân khấu. Nhưng lớp học chỉ dạy các điệu múa dân gian, truyền thống đơn giản. Thành viên của lớp đa phần là chị em người dân tộc nên các làn điệu dân gian như đã thấm vào máu họ lúc nào. Chẳng hạn như điệu múa Răm Vông, Lăm Leo, Saravan... hầu như người Khơ Me nào cũng biết”.

Bà Nguyễn Thị Thủy Tiên - Chủ tịch Hội LHPN phường 10, quận Tân Bình - cho biết, lớp múa truyền thống Khơ Me được mở vào tháng 4/2024 tại văn phòng khu phố 5 và 6, nhằm tạo sân chơi cho hội viên phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ dân tộc Khơ Me, sau những ngày làm việc căng thẳng, cuối tuần họ có một nơi giao lưu văn hóa nghệ thuật và duy trì sức khỏe. Ngoài ra, hoạt động còn là cách giúp chị em giữ gìn nét văn hóa truyền thống của dân tộc mình.

Hiện tại, lớp có hơn 10 thành viên, đa số là hội viên dân tộc Khơ Me, bên cạnh đó cũng có một số chị em người Việt. Sau khi tập luyện, các cô, các dì thường diện trang phục truyền thống để múa vào các ngày hội dân tộc, tết Chôl Chnăm Thmây, giúp lan tỏa nét văn hóa Khơ Me giữa thành phố hiện đại.

Kết nối chị em lại gần nhau hơn

Là người dạy múa cho các thành viên, bà Danh Thị Phi - hội viên Chi hội Phụ nữ khu phố 6, phường 10, quận Tân Bình - cho biết, các động tác múa dân gian của người Khơ Me luôn mang đến sự thoải mái, lạc quan, yêu đời và hóm hỉnh. Ngày nay, loại hình múa dân gian truyền thống này vẫn được giữ gìn và lưu truyền rộng rãi trong đời sống sinh hoạt của cộng đồng. Các động tác múa truyền thống tiêu biểu của đồng bào Khơ Me khá đơn giản, dễ thực hiện.

Đối với nữ, khi múa, các động tác thường lượn 2 cánh tay ra trước ngực, trong khi nam giới thì lượn cánh tay rộng ra như để che chở cho người bạn múa của mình. Các động tác này kết hợp với bước chân, chân nào phía trước thì tay đó ở dưới thấp và ngược lại, tạo nên sự hài hòa và nhịp nhàng.

Lớp học múa truyền thống Khơ Me của liên chi hội khu phố 5 và 6, phường 10, quận Tân Bình diễn ra đều đặn vào tối Chủ nhật với sự tham gia của nhiều chị em phụ nữ
Lớp học múa truyền thống Khơ Me của liên chi hội khu phố 5 và 6, phường 10, quận Tân Bình diễn ra đều đặn vào tối Chủ nhật với sự tham gia của nhiều chị em phụ nữ

Để có những bài múa hấp dẫn, đặc sắc, bà Phi luôn sáng tạo trong bố cục, ứng dụng đạo cụ, phục trang và chọn bài hát để truyền dạy những động tác múa sao cho có hồn, đúng bản sắc. Vì mỗi thành viên trong lớp đều bận rộn nên lớp tập vào buổi tối Chủ nhật, mỗi buổi khoảng 2 tiếng, vừa tập bài mới vừa ôn bài cũ.

“Tuy có chút vất vả, nhưng mỗi lần đội được tham gia biểu diễn, góp sức lan tỏa nét đẹp văn hóa truyền thống dân tộc thì chúng tôi cảm thấy rất vui” - bà Phi nói.

Giữa giờ học, mọi người thường bàn luận và chỉ cho nhau những kinh nghiệm, động tác đã từng biết. Tiếng cười nói xen lẫn tiếng nhạc tạo nên một bầu không khí vui vẻ, thân ái và gắn kết.

Bà Hồ Thị Yến - Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ khu phố 6 - chia sẻ: “Khu phố tôi có nhiều người Khơ Me sinh sống. Mặc dù tôi là người Kinh nhưng cũng rất yêu thích các điệu múa truyền thống của người Khơ Me. Những giai điệu và động tác múa không chỉ mang đến niềm vui mà còn gắn kết chúng tôi lại với nhau, giúp 2 dân tộc đoàn kết và vui vẻ”.

Ngọc Trăm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI