Những tấm giấy cói ngàn năm
Giữa cánh đồng xanh tươi ở thung lũng Delta màu mỡ của Ai Cập, những nông dân và nghệ nhân đang phải chật vật kiếm sống, cố duy trì nghề làm giấy cói từ cây sậy papyrus. Vào những năm 1970, một giáo viên mỹ thuật ở làng Al-Qaramus đã dạy nông dân các kỹ thuật tồn tại hàng thiên niên kỷ để biến cây trồng thành loại giấy đặc biệt, trang trí bằng các hình vẽ công phu và văn tự cổ xưa.
Các chuyên gia trong lĩnh vực này cho biết, ngôi làng và các khu vực xung quanh, nằm cách thủ đô Cairo khoảng 80km về phía đông bắc, hiện trở thành trung tâm sản xuất giấy cói lớn nhất cả nước.
|
Nông dân kiêm họa sĩ Said Tarakhan vẽ trên những tờ giấy cói tại nhà - Ảnh: AFP |
Giấy cói làm từ cây sậy papyrus từng được người Ai Cập cổ đại sử dụng làm giấy viết. Các nghệ sĩ địa phương ngày nay trang trí giấy cói bằng chữ tượng hình, thư pháp Ả Rập và các hình đại diện từ thời cổ đại để tạo ra món quà lưu niệm cho du khách. Tuy nhiên, ngành du lịch ở quốc gia Bắc Phi này đã có bước thụt lùi kể từ cuộc cách mạng năm 2011. Đại dịch COVID-19 càng khiến ngành làm giấy cói suy yếu. Ai Cập chỉ kiếm được 4 tỷ USD doanh thu từ khách du lịch vào năm 2020 - chỉ 1/4 so với trước.
Al-Qaramus hiện có 25 trang trại đang mưu sinh bằng cách bán giấy cói, so với khoảng 500 cơ sở vào những năm 2000. Said Tarakhan - một nghệ nhân làm giấy 60 tuổi - cho biết: “Tôi đã mất khoảng 80% tổng thu nhập của mình - tôi từng kiếm được gần 1.000 USD mỗi tháng và bây giờ con số gần như bằng 0”.
Cây sậy papyrus với tán lá hình quạt mọc trong nước và có thể cao tới 4m. Hình ảnh của nó từng là nguồn cảm hứng cho việc trang trí các ngôi đền Ai Cập cổ đại. Để làm giấy, người thợ dùng dây kẽm cắt thân cây thành từng dải mỏng, nhúng vào nước rồi xếp chồng lên nhau. Các tờ giấy được đặt vào một máy nén để nén chặt, giấy thu được sẽ chuyển sang công đoạn phơi khô dưới ánh nắng mặt trời trước khi được trang trí bằng chữ viết hoặc các thiết kế đầy màu sắc.
Ông Abdel Mobdi Mussalam (48 tuổi, chủ một xưởng giấy cói papyrus) cho biết nhân viên của ông đã giảm từ tám người vào thập niên trước xuống chỉ còn hai. Ông Abdel chia sẻ: “Papyrus là nguồn thu nhập duy nhất của chúng tôi. Đó là thứ nuôi sống tôi và gia đình”.
Ông Tarakhan thì đang cố gắng mở rộng sang các sản phẩm giấy cói khác như sổ tay và sách phác thảo. Cách đây vài tháng, con trai ông là Mohammed đã khai trương một cửa hàng trực tuyến để bán dòng sản phẩm mới của họ.
Mohammed kể: “Ban đầu, chúng tôi chỉ bán hàng trực tiếp tại địa phương nhưng từ khi dịch bệnh xảy ra, chúng tôi lên mạng để tiếp cận nhiều người hơn, thậm chí cả người nước ngoài”. “COVID-19 buộc chúng tôi phải cải thiện mô hình kinh doanh của mình” ông nói.
Khi nghệ thuật không còn gói gọn trong gian phòng
|
Nghệ thuật sân khấu Kabuki của Nhật Bản được thể hiện qua Zoom |
Ở Nhật Bản, Kabuki là loại hình sân khấu phổ biến dành cho nam nghệ sĩ, kết hợp những gì tốt nhất của âm nhạc, vũ đạo, kịch nghệ và trang phục của Nhật. Lịch sử của Kabuki đã kéo dài suốt hơn 400 năm và trở thành một phần của Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại được UNESCO công nhận vào năm 2008.
Tại quận Ginza sôi động ở Tokyo có nhà hát Kabukiza nổi tiếng, là nơi mọi người đến để thưởng thức các buổi biểu diễn Kabuki. Thế nhưng, loại hình nghệ thuật truyền thống này gần đây đã được thay đổi bởi Matsumoto Koshiro - một trong những diễn viên nổi tiếng nhất của Nhật Bản.
Việc nhà hát đóng cửa vào năm 2020 đã thúc đẩy anh biến ước nguyện từ lâu của mình - tạo ra một loại hình biểu diễn Kabuki trực tuyến - thành hiện thực. Anh gọi loại hình mới này là Zoom-Kabuki hay Dream Kabuki.
Tháng 6/2020, nam diễn viên kiêm đạo diễn đã phát trực tiếp 11 màn của Chu- shin-gura - một trong những vở kịch Kabuki quan trọng nhất - theo hình thức trực tuyến có trả tiền lần đầu tiên trên thế giới. Nhằm mang đến cho khán giả một trong những trải nghiệm chân thực nhất, đôi khi Matsumoto Koshiro kết hợp các buổi biểu diễn thu âm trước và trực tiếp để anh có thể đóng các vai khác nhau đồng thời trên màn ảnh.
"Phát sóng qua internet là một giải pháp đương đại. Ngay cả khi sân khấu mở lại bình thường trong tương lai, chúng tôi mong muốn tiếp tục Zoom Kabuki mãi mãi" - anh chia sẻ.
Trong khi đó, cách thủ đô Tokyo khoảng 500km, tỉnh Nara là nơi có hàng chục di sản thế giới. Thành phố chính của Nara từng là thủ đô của Nhật Bản vào thế kỷ thứ VIII. Nhờ vẻ đẹp nổi bật, nơi đây cũng là bối cảnh hoàn hảo cho một loại hình lễ hội nghệ thuật mới được tạo ra để đối phó với đại dịch COVID-19. Mùa thu năm 2020, du khách có thể khám phá một phòng trưng bày ngoài trời mang tên Mind Trail được tạo ra tại ba địa điểm khác nhau ở tỉnh Nara.
Tại thị trấn nhỏ Yoshino trên dãy núi Kii, du khách có thể thưởng thức bộ sưu tập các tác phẩm nghệ thuật đương đại dọc theo một con đường mòn. Phương án này giúp du khách chiêm ngưỡng cảnh vật thiên nhiên, thưởng thức nghệ thuật kết hợp rèn luyện thể thao. Saito Seiichi - Giám đốc Công ty Kiến trúc Rhizomatiks và là nhà sản xuất của Mind Trail - cho biết: "Sau trải nghiệm, mọi người nhận ra rằng bản thân thiên nhiên thực sự đã là tác phẩm nghệ thuật".
Đối với các nghệ sĩ tham gia Mind Trail, đó là một nền tảng độc đáo để kết nối lại với công chúng và bày tỏ cảm xúc của họ về đại dịch. Họ nói nghệ thuật có sức mạnh để chữa lành, điều bạn cần là vượt ra khỏi khuôn mẫu thông thường để thích nghi.
Tận dụng công nghệ và mạng xã hội
|
Các nghệ sĩ thiết lập một tác phẩm nghệ thuật giữa khu rừng trong khuôn khổ phòng triển lãm Wind Trail |
Ở Wolf Point, Montana, Mỹ, Lawrence Wetsit nhớ những ngày người dân tụ tập và hát những bài hát mà tất cả trẻ em bộ tộc phải học ở tuổi 15. Những cuộc tụ họp mang tính nghi lễ càng trở nên khan hiếm do các cộng đồng người Mỹ bản địa phải cô lập để bảo vệ những người lớn tuổi trước đại dịch.
Wetsit là một trưởng lão bộ tộc, từng là Chủ tịch Hội Bộ lạc Fort Peck Assiniboine và Sioux, cho biết căn bệnh có sức tàn phá gấp đôi đối với các cộng đồng bản địa khi chúng tấn công những người lớn tuổi - những người lưu giữ lịch sử và văn hóa của bộ lạc. Nhiều người Mỹ bản địa đã tìm ra những cách thức sáng tạo để tiếp tục chia sẻ nền văn hóa của họ. Một nhóm Facebook, gọi là Social Distance Powwow, đã giúp các thành viên người Mỹ bản địa kết nối thông qua việc chia sẻ các video về đánh trống, khiêu vũ và các truyền thống khác.
Đối với các thành viên nhóm hiếm khi rời khỏi khu vực sinh sống của họ, video mang đến cơ hội được nhìn thấy nhà cửa và truyền thống của các bộ lạc khác. Nhóm cũng đã cung cấp một nền tảng để nói về các vấn đề quan trọng, chẳng hạn trò chuyện trực tiếp với bác sĩ, y tá và đại diện cộng đồng về vắc xin COVID-19.
Dù vậy, có một số truyền thống khó chia sẻ trực tuyến hơn, đặc biệt là những truyền thống dựa vào những câu chuyện truyền miệng. Việc truy cập internet có thể khó khăn đối với người lớn tuổi hoặc những bộ lạc ở vùng sâu vùng xa.
Clayson Benally - một thành viên của bộ lạc Navajo ở Arizona - cho biết: "Thật khó để cộng đồng và những người lớn tuổi của chúng tôi truyền tải thông tin cho thế hệ tiếp theo nhưng cố gắng tìm cách làm điều đó trong bối cảnh giãn cách xã hội là điều đặc biệt cần thiết. Tổ tiên của chúng tôi chắc chắn không bao giờ tưởng tượng được rằng chúng tôi đang dạy thế hệ tiếp theo thông qua các sóng điện từ".
Ngọc Hạ