Giữ gìn Tiếng Việt như nếp nhà

19/02/2019 - 06:00

PNO - Tiếng Việt là một phần không thể thiếu với người Việt. Nhất là người Việt ở hải ngoại. Ấy vậy mà chính người Việt ở trong nước lại đang chạy theo tiếng ...nước ngoài mà quên đi việc trau dồi tiếng mẹ đẻ cho con.

Chị gửi mình, MV mới có tên Tôi yêu tiếng Việt tôi của vợ chồng nghệ sĩ Phương Thảo – Ngọc Lễ với một câu buông: Ở Vancouver này, tuyết phủ đầy, thèm nghe được nói và nghe tiếng Việt. Con gái chị, bắt đầu nói chuyện với chị bằng tiếng Anh, thay vì tiếng Việt, bởi áp lực hòa đồng càng nhanh càng tốt với trường học, cộng đồng. Hai vợ chồng cũng đi làm, nói được vài câu là hết ngày.

MV Tôi yêu tiếng Việt tôi:

 

Anh bạn mình, vốn là dịch giả tiếng Đức, anh cũng có nói bâng quơ vào một chiều cuối năm: Nếu hai con anh, nó giao tiếp được với anh bằng tiếng Việt, anh sẽ thấy vui hơn nhiều. Mà nào có phải anh không dạy, cô con gái, sau khi vợ chồng anh ly hôn, đã về Việt Nam ở với anh 1 năm nhưng vì lúc đó cô bé mới 6 tuổi, cũng là tuổi của cô con gái chị bạn đang ở Canada bây giờ, rành rẽ tiếng Đức, học trường tiếng Đức và lủi thủi trong không gian của mình, vì không rành tiếng Việt. Anh lại cho về Đức học. Và bọn nhỏ không biết tiếng Việt, nhất là gia đình nội đều có thể giao tiếp với cháu bằng tiếng Anh.

Có anh nhà văn, qua Mỹ định cư, mỗi lần quay lại Mỹ là mang theo 1 va li sách… tiếng Việt. Vợ đi làm, con đi học, thèm được nói tiếng Việt. Có khi anh đọc sách tiếng Việt thành tiếng, vì nghe hay quá, thân thương quá như quê nhà cách nửa vòng trái đất mà từng hàng cây, từng con đường vẫn như ngay trước mắt.

Để thấy, tiếng Việt là một phần không thể thiếu của người Việt. Hẳn nhiên, nhất là người Việt xa xứ. Nhớ lúc còn sống, giáo sư Trần Văn Khê rất “kị” người nào dùng tiếng Anh, hoặc bất cứ tiếng nước ngoài nào xen vào một câu tiếng Việt. Ví dụ: thầy check inbox dùm con, là bị rầy ngay. Tiếng Việt có từ tương đương: thầy kiểm tra tin nhắn/hộp thư dùm con. Nếu đã có từ tiếng Việt tương đương thì không dùng tiếng nước ngoài. Mà thầy đã ở Pháp hơn nửa đời người!

Người bạn vong niên của thầy Khê là nhạc sỹ Phạm Duy (sinh sau thầy Khê 3 tháng), có câu hát mà ca sĩ Thái Thanh đã làm si mê bao thế hệ người Việt: Tôi yêu tiếng nước tôi, từ khi mới ra đời… Ai là người Việt mà không yêu tiếng Việt? 

Bảo tồn tiếng Việt, không dễ nhưng không khó. Nhạc sĩ Ngọc Lễ chia sẻ: “Vợ chồng Tôi dành nhiều thời gian rèn tiếng Việt cho hai con gái Phương Nam (Na) và Thảo Nam (Nấm). Tôi nhờ giáo viên dạy con tiếng Việt mỗi cuối tuần". Và lời bài hát anh viết cũng chính là nỗi lòng anh: “Tôi yêu tiếng Việt tôi, yêu câu hò bên sông. Yêu tiếng í ơi chợ đông, tiếng rao buồn trông đêm dài... Mong sao cháu con yêu hoài tiếng nước tôi”.

Giu gin Tieng Viet nhu nep nha
Ngay tại Việt Nam, nhiều bậc cha mẹ vui sướng khi con mình giỏi tiếng Anh hơn tiếng Việt. (Ảnh minh hoạ)

Vậy mà, hôm rồi, thấy con của bạn, đọc rành rẽ tên các loại trái cây bằng tiếng Anh mà đến tiếng Việt thì ngập ngừng. Mới thấy buồn quá! Dạo một vòng trên các nhóm chia sẻ kinh nghiệm nuôi con, hầu hết các mẹ đều hỏi nơi dạy tiếng Anh cho con, mà chẳng thấy ai muốn con học... Văn, học Sử. Đó cũng là nỗi niềm của giảng viên dạy Văn, bạn tôi nói đôi khi nghĩ cũng buồn vì học trò chạy theo tiếng nước ngoài, mà bỏ bê thứ tiếng mẹ đẻ của mình.

Đành rằng, tiếng Anh và nhiều ngôn ngữ nước ngoài khác là một phần không thể thiếu khi giới trẻ Việt Nam hội nhập cùng thế giới. Thế nhưng, đừng bỏ bê tiếng Việt. Nói câu: "mẹ yêu con" luôn khiến trái tim rung động nhiều hơn là câu: "Mom, I love you". Hãy dạy con tiếng Việt, giữ gìn sự trong sáng tiếng Việt, như những đạo đức, lễ nghĩa khác của người Việt.

Vì tiếng Việt ấy, chính là nếp nhà!

Kim Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI