Giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc

22/04/2013 - 14:49

PNO - PN - Điều 44 (mới) trong dự thảo quy định “Mọi người có quyền hưởng thụ các giá trị văn hóa, tham gia vào đời sống văn hóa, sử dụng các cơ sở văn hóa, tiếp cận các giá trị văn hóa”.

Theo tôi biết, hiện nay, hệ thống nhà hát chỉ mới được đầu tư ở một số nơi, còn lại đều rất khó khăn; còn hệ thống các trung tâm văn hóa quần chúng ở khu vực nông thôn, ngoại thành thì rất nghèo nàn cũ kỹ, nếu chúng ta chỉ khuyến khích mà không đầu tư thì chỉ mang tính hình thức. Tôi từng có dịp phục vụ văn nghệ cho các chiến sĩ tại đảo Trường Sa. Trong quần đảo Trường Sa có rất nhiều đảo nhỏ, hầu như các phương tiện phục vụ nhu cầu văn hóa tinh thần của các chiến sĩ còn rất sơ sài, có chăng cũng chỉ là một dàn karaoke nhỏ với hệ thống âm thanh kém chất lượng. Hiến pháp cần có quy định cụ thể để các địa phương, các đơn vị quản lý văn hóa chú trọng hơn đến trách nhiệm của mình, làm sao để người dân, trong đó có cả những chiến sĩ nơi biên giới hải đảo, thực sự có quyền hưởng thụ các giá trị văn hóa, tham gia vào đời sống văn hóa và sử dụng các thiết chế văn hóa một cách chính đáng.

Hiến pháp cũng cần phải có quy định đưa các loại hình văn hóa riêng của dân tộc vào chương trình giáo dục để các em học sinh được tiếp cận, làm quen. Nhà nước và xã hội cũng cần nâng cao trách nhiệm trong việc giữ gìn, phát triển các giá trị văn hóa phi vật thể của dân tộc cho con cháu đời sau bằng cách mở lớp, mời nghệ nhân truyền nghề một cách quy củ, bài bản và rộng khắp. Bên cạnh đó, cần có chế độ đãi ngộ đúng mức với các nghệ nhân, những người lưu giữ vốn liếng di sản và truyền dạy ngón nghề nghệ thuật dân gian hiệu quả nhất, đó mới thực sự là bảo tồn.

Điều 64 trong Dự thảo sửa đổi đã kế thừa một số điểm của Hiến pháp năm 1992, trong đó thể hiện rõ hơn, đầy đủ hơn quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của công dân trong vấn đề bảo tồn, xây dựng và phát triển nền văn hóa VN tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; đồng thời nêu bật vai trò của văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, động lực phát triển của đất nước. Tuy nhiên, tôi mong muốn Hiến pháp thể hiện rõ quan điểm mới về văn hóa VN trong thời kỳ hội nhập. Cụ thể, Hiến pháp cần khẳng định một cách mạnh mẽ văn hóa VN trong thời kỳ hội nhập phải là bản lĩnh VN chứ không chỉ là đậm đà bản sắc dân tộc. Trong giai đoạn đẩy mạnh hội nhập quốc tế hiện nay, mỗi quốc gia, dân tộc đều có điều kiện và cơ hội để thúc đẩy sự phát triển, đồng thời cũng đứng trước những thách thức mới, đặc biệt là việc giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Cần có thêm quy định văn hóa nước ta phải có sự tiếp thu có chọn lọc từ văn hóa thế giới.

NSƯT Quỳnh Liên - UV BCH Hội Âm nhạc TP.HCM - Chủ nhiệm CLB Nữ nghệ sĩ (Hội LHPN TP)

Uyên Phương (ghi)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI