Giữ gìn "hằng số văn hoá" cho mai sau

03/12/2022 - 06:17

PNO - Với Bạc Liêu truyện, tác giả Phùng Quang Thuận mô tả, kể lại một cách dung dị sinh hoạt văn hóa Bạc Liêu (gồm cả Việt - Hoa - Khmer…).

Bắt đầu sáng tác văn chương khi đã về hưu, Phùng Quang Thuận có hành trình miệt mài cùng chữ nghĩa với những tác phẩm đáng chú ý như: Bóng câu (2001), Mưa ký ức (2017), Trăng tháng Giêng (2018), Mặc mưa bay (2019), Dấu hài rêu nhạc (2019), Gió thời gian (2020), Bến vắng (2021)... Ông viết nhiều, nhưng chủ yếu là thơ. Thế nên, Bạc Liêu truyện - tập truyện ký về con người và quê hương Bạc Liêu (Nhà xuất bản Tổng hợp TPHCM) - đánh dấu bước ngoặt trong sự nghiệp văn chương của ông. 

Với Bạc Liêu truyện, ông mô tả, kể lại một cách dung dị sinh hoạt văn hóa Bạc Liêu (gồm cả Việt - Hoa - Khmer…). Dù đơn sơ, những câu chữ vẫn giúp bạn đọc nhận ra đặc trưng “nhân cách văn hóa” Bạc Liêu trong nền nếp văn hóa Nam Bộ nói chung.

Điều đáng quý hơn cả chính là nhà văn Phùng Quang Thuận đã góp phần nhắc nhớ, giữ gìn phong tục văn hóa truyền thống. Chẳng hạn hình thức cúng mộ ngày Thanh minh: trước hết cúng Thổ địa, cúng ở nhà hội (tổ đường), tiếp theo cúng mộ Đại Bá Công, cúng Hợp-Tán-Mộ, cúng Bạch Cốt Táng Địa, cúng Tiểu Anh Linh Táng Địa, sau cúng mộ gia tiên và thắp nhang mộ lân cận. 

Từ việc khắc họa cuộc sống con người Bạc Liêu xưa nay, Phùng Quang Thuận giúp bạn đọc nhận ra khía cạnh “xuyên văn hóa” độc đáo giữa tộc người Việt - Hoa - Khmer. Không gian văn hóa Bạc Liêu như mô hình thu nhỏ của cấu trúc hỗn dung văn hóa ở vùng đất Nam Bộ. “Bạc Liêu nói riêng và miền Tây Nam Bộ nói chung là một vùng đất mới có nền văn hóa hỗn dung của nhiều dân tộc Việt, Khmer, Hoa, Pháp, Ấn Độ, Chăm. Nhưng trong đó người Việt, người Hoa và người Khmer là chiếm đa số và tồn tại bền vững đến ngày nay… Và 3 dân tộc đều gìn giữ, phát huy văn hóa truyền thống của riêng mình về việc thăm viếng, sửa chữa mộ phần, và tri ơn tổ tiên” (tr.13). 

Sinh cảnh Bạc Liêu (được khắc họa trong Bạc Liêu truyện) có thể xem như sinh cảnh văn hóa, gợi mở hình dung về nhân cách văn hóa. Vẻ đẹp quê hương gói trọn trong đó vẻ đẹp tâm hồn và nhân cách con người xứ sở. Ông Bảy Dê và thầy giáo Còn “thân nhau vì tính tình, cả hai đều chân thành khiêm tốn và hai người đều phù suy, trượng nghĩa khinh tài. Họ thành đôi bạn vong niên và sau đó là mê nhau vì cả hai người đều thích văn chương, mê học thuật và cùng yêu quý thiên nhiên” (tr.23). Nhà văn cơ hồ không gắng sức xây dựng hình tượng nhân vật “điển hình” nhân cách văn hóa (như ông Bảy Dê, thầy giáo Còn, Năm Đước, Ba Chài, người đàn bà Khmer) mà vốn dĩ những con người như vậy vẫn dễ dàng bắt gặp trong cuộc sống thực tiễn.

Cần nói thêm, sinh cảnh văn hóa Bạc Liêu hiện lên như bối cảnh truyện nhưng bối cảnh không đơn thuần làm nền cho nhân vật. Nhà văn dường như không chỉ hướng bạn đọc vào nhân vật mà còn hướng tới nếp văn hóa trong sinh hoạt đời thường. Đời anh Xích Thốn làm bạn đọc có thêm hiểu biết về cách làm ăn sinh sống của con người Bạc Liêu thời ấy. Một bên kênh ruộng lúa mút mắt tới tận Trà Kha; một bên ruộng muối vài ngàn mẫu với nghề làm vó, làm đáy, làm ruộng muối, làm lúa, đi củi, đẩy te, đẩy xiệp… - hình ảnh con người Bạc Liêu siêng năng, cần cù, tay làm hàm nhai, không ngại khó ngại khổ, cùng hiện lên trong bóng dáng Xích Thốn. 

Kể chuyện đời theo lối biên niên, xuôi theo dòng thời gian, không cầu kỳ thủ pháp, trang viết của Phùng Quang Thuận hẳn nhiên không phải dòng “văn học thời trang” mà giống như thước phim phóng sự tài liệu về văn hóa xã hội Bạc Liêu, góp phần giữ gìn “hằng số văn hóa” qua nhiều thế hệ. 

Võ Quốc Việt

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI