Giữ được nghề gia truyền nhờ Hội

09/05/2022 - 13:30

PNO - Dù đã trải qua nhiều biến cố nhưng chị Phượng vẫn không từ bỏ nghề dệt của gia đình mà luôn có ý thức gầy dựng lại.

Xưởng dệt của chị Vũ Thị Phượng, 48 tuổi, nằm trong con hẻm nhỏ trên đường Tam Bình, khu phố 1, P.Tam Phú, TP.Thủ Đức, TP.HCM. Diện tích không quá rộng nhưng được bày biện gọn gàng để tận dụng tối đa không gian cho năm máy se sợi hoạt động liên tục 24/24. Đứng máy đều là người trong gia đình. “Ba mẹ tôi từng là xã viên hợp tác xã dệt Phú Châu xưa. Chúng tôi cũng từng có căn nhà rất rộng và xưởng dệt trên đường Phú Châu. Biến cố ập tới bất ngờ, xưởng phải dẹp, nhà cũng bán” - chị Phượng nhớ lại. 

Từ chỗ đi dệt sợi thuê, đến nay chị Phượng đã có nhà xưởng với máy móc hiện đại
Từ chỗ đi dệt sợi thuê, đến nay chị Phượng đã có nhà xưởng với máy móc hiện đại

Năm Phượng lên chín tuổi, mẹ Phượng được phát hiện bị ung thư cổ tử cung. Kể từ năm 12 tuổi, hằng ngày cô bé Phượng phải vừa chăm mẹ bệnh, chăm bà bị mù lòa, vừa phụ ba kiếm tiền. Sáng sớm, Phượng đạp xe ra chợ Thủ Đức lấy bánh ú, bánh bò, cóc ngâm đem về bán, rồi đi giặt tã và phụ giúp các bà mẹ mới sinh, tối về thì dán giấy lồng đèn. Dù quần quật suốt ngày, Phượng vẫn không thôi nghĩ đến nghề dệt mà ba mẹ từng gắn bó, cứ có thời gian rảnh là cô lại đến các hộ trong xóm để học nghề. 14 tuổi, Phượng chính thức trở thành thợ dệt, ban ngày đi dệt, tối về kết hoa giấy để bán kiếm thêm. Năm 1989 mẹ Phượng mất. Ba năm sau bà nội cũng mất. Để trang trải nợ nần, ba Phượng quyết định bán căn nhà cũ rồi chuyển qua đường Tam Bình mua đất cất căn nhà tạm. “Ngày ấy tôi không biết mệt là gì, hễ có việc làm là mừng. Tôi từng hứa với mẹ rằng, một ngày nào đó con sẽ gầy dựng lại xưởng dệt, và tôi đã thực hiện được lời hứa ấy nhờ sự trợ sức của Hội Phụ nữ” - chị Phượng giãi bày. 

Năm 1996, sau khi lập gia đình, chị Phượng gom góp số tiền tiết kiệm suốt bao năm làm thuê, cộng với nguồn vốn vay do Hội Phụ nữ phường giới thiệu để mua hai máy se sợi tơ. Sau tám năm chắt chiu, dành dụm, năm 2014 chị mua được thêm ba máy nữa. Trung bình mỗi ngày, năm máy se sợi sẽ cho ra mười bó sợi tơ, mỗi bó 10kg. Với mỗi ký sợi hoàn tất, chị nhận được 17.000 đồng. Nhờ thu nhập từ xưởng se sợi và tiệm nhôm kính của chồng, gia đình chị Phượng đã xây được nhà mới tươm tất, nuôi ba đứa con khôn lớn và có điều kiện giúp đỡ những người khốn khó.

Chị Phượng (giữa) thường xuyên ghé thăm, hỗ trợ cho vợ chồng ông Tâm
Chị Phượng (giữa) thường xuyên ghé thăm, hỗ trợ cho vợ chồng ông Tâm

Trong căn chòi nhỏ cách xưởng chừng 100m, ông Võ Thanh Tâm, 66 tuổi, đang gia công lõi cuốn chỉ, còn vợ là bà Nguyễn Thị Bích Huyền, 68 tuổi, đang được chị Phượng vịn vai giữ cho khỏi té. Bà Huyền bị đột quỵ, lại mắc bệnh Parkinson, tay chân lúc nào cũng run lẩy bẩy. Căn chòi ông bà ở là của một người chủ đất tốt bụng cho tá túc nhờ. Ông Tâm cũng bị bệnh phổi tắc nghẽn, sức khỏe ngày càng yếu. Mỗi sáng, ông đi một vòng nhặt nhạnh ve chai rồi quay về gia công hàng. Thương hoàn cảnh của ông bà, chị Phượng thường xuyên đến thăm, tặng gạo, thực phẩm. “Cô Phượng tốt lắm, cái gì cũng cho tụi tôi. Từ ngày về đây, tôi chưa phải mua ký gạo nào” - ông Tâm chia sẻ. 

Không riêng gì vợ chồng ông Tâm, hễ nghe đâu có người thiếu gạo ăn, có học trò cần tập, sách là chị Phượng lại tìm đến giúp đỡ. Mấy năm nay, năm nào chị cũng cùng nhóm bạn gom góp tiền mua bánh kẹo, sách vở, gạo mì chở đến những vùng sâu, vùng xa của các tỉnh Gia Lai, Lâm Đồng, Đắk Lắk, Đắk Nông tặng bà con nghèo. Chị nói, mình đã qua giai đoạn khó khăn rồi, giờ thấy người khó là thương, chỉ mong góp chút tấm lòng giúp họ không rơi vào cảnh bế tắc. 

Thảo Nguyên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI