Giữ chữ 'đạo' của nghề giáo

20/11/2019 - 07:13

PNO - Làm sao để người thầy hôm nay vừa có thể trở thành nhà sư phạm, chuyển từ tiếp cận nội dung sang tiếp cận năng lực; vừa kế thừa được cái “đạo” cao đẹp mà bao thế hệ người thầy đã vun đắp?

Những vấn đề giáo dục hôm nay khiến không ít người hoài niệm về quá khứ, ở cả tâm thế của học trò cũng như vị thế, cách giáo dục của người thầy xưa. Làm sao để người thầy hôm nay vừa có thể trở thành nhà sư phạm, chuyển từ tiếp cận nội dung sang tiếp cận năng lực; vừa kế thừa được cái “đạo” cao đẹp mà bao thế hệ người thầy đã vun đắp.

Tiến sĩ Lê Viết Khuyến, nguyên Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học Bộ GD-ĐT và nhà giáo Hồ Hương Nam - bà giáo nổi tiếng với lớp học cho học sinh khuyết tật - đã chia sẻ với Báo Phụ Nữ TP.HCM những trăn trở này.

Nhà giáo dục thì sách giáo khoa nào, chương trình nào cũng dạy được

* Phóng viên: Theo quan sát của ông, việc giáo dục học trò xưa và nay có những điểm gì giống và khác nhau, thưa tiến sĩ?

Giu chu 'dao' cua nghe giao
Tiến sĩ Lê Viết Khuyến

Tiến sĩ Lê Viết Khuyến: Theo cách tiếp cận xưa - truyền thống là tiếp cận nội dung. Nhưng bắt đầu từ cuối thế kỷ XX đến nay, giáo dục đã chuyển sang hướng tiếp cận năng lực. Giáo dục của ta hiện nay cũng đang có chiều hướng đó. Giáo dục theo hướng tiếp cận năng lực ở hệ đại học hình thành sớm hơn. Còn ở phổ thông, những năm gần đây cũng thể hiện xu hướng tiếp cận năng lực. Tôi nghĩ thực tế chúng ta có chậm, về tư duy, ý thức, nhưng không phải là không có sự chuyển đổi. Sự chuyển đổi tư duy chậm, từ cả phía hệ thống lãnh đạo ngành giáo dục và của cả người dân, đội ngũ giáo viên; nếu quá trình chuyển đổi đó, chúng ta chủ động thì hoàn toàn có thể tiến nhanh hơn.

* Sự chuyển đổi này có ảnh hưởng gì đến người thầy hôm nay?

- Người thầy hôm nay sẽ phải chịu rất nhiều ảnh hưởng. Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ có nói về vấn đề đào tạo giáo viên, là phải thay đổi từ đào tạo “thợ dạy” sang đào tạo các nhà giáo dục. Đó là tư duy chuyển đổi rất lớn. Ví dụ thợ dạy, khi thay đổi một cuốn sách giáo khoa, một chương trình mới là không dạy được, phải tập huấn lại. Còn đào tạo ra các nhà giáo dục thì sách giáo khoa nào, chương trình nào cũng có thể dạy được. 

* Thưa ông, khi người thầy trở thành nhà giáo dục thay vì thợ dạy, thì tinh thần giáo dục của người thầy phải thay đổi như thế nào?

- Tiêu chuẩn về năng lực, đạo đức… là tiêu chuẩn chung đối với nhà giáo ở bất cứ thời kỳ nào. Hiện nay, khi giáo dục chuyển từ tiếp cận nội dung sang tiếp cận năng lực, thì tôi muốn nói nhiều hơn về năng lực, nhất là năng lực chuyên môn. Trước những thay đổi của xã hội, nếu người giáo viên là thợ dạy thì không thể bắt kịp với những thay đổi đó; nhưng là nhà giáo dục thì có thể bắt kịp mọi sự thay đổi để làm cho giáo dục hoàn thiện hơn.

Việc giảng dạy, theo tiếp cận cũ là hướng vào việc truyền đạt kiến thức, kỹ năng cho người học. Còn theo hướng tiếp cận mới là người thầy phải có khả năng phát hiện năng lực, sở trường của người học để phát triển những sở trường, năng lực đó, bên cạnh việc đào tạo toàn diện người học.

Chưa kể hiện nay, việc tiếp nhận tri thức của học sinh không chỉ từ sách vở, người thầy, mà còn từ rất nhiều kênh khác nữa. Vì vậy, yêu cầu năng lực chuyên môn của người thầy càng phải cao hơn, để giáo dục học sinh biết phân biệt đúng, sai, nên và không nên trước những nguồn thông tin, kiến thức mà các em tiếp cận.

* Bạo hành trong nhà trường mấy năm gần đây là vấn đề nóng. Từ thầy cô giáo đánh học sinh, đến học sinh đánh nhau. Nhiều người cho rằng học trò thời xưa cũng bị các thầy phạt, đánh, nhưng dường như tâm thế dùng đòn roi của người thầy xưa khác tâm thế phạt bằng đòn roi của người thầy hôm nay? Quan điểm của ông về vấn đề này?

- Đây cũng là câu chuyện không nằm ngoài việc thay đổi từ tiếp cận nội dung sang tiếp cận năng lực. Trong tiếp cận nội dung, quan niệm đánh giá người học xuất phát từ triết lý sư phạm - quyền uy thuộc người thầy. Nên trong đánh giá chuyên môn, thầy có quyền ra đề và đề đó là đúng.

Thầy làm ba-rem chấm điểm và ba-rem đó cũng đúng. Những năm trước đây, các thầy ra đề thi được đưa vào một phòng kín để thảo luận và thống nhất một đề thi hợp lý. Nhưng đó là hợp lý với thầy chứ không phải với học sinh.

Khi chuyển sang hướng tiếp cận năng lực, như mấy năm gần đây có kỳ đánh giá năng lực, tiêu chuẩn hóa thì đề thi phải lấy từ bộ đề thi, những câu đưa vào bộ đề thi phải được “thử” trên hàng triệu học sinh để phân loại độ khó, dễ rồi mới đưa vào. Như vậy, việc thay đổi từ tiếp cận nội dung sang tiếp cận năng lực cũng đã thể hiện trong đề thi.

Chuyển từ tiếp cận nội dung với triết lý sư phạm quyền uy sang tiếp cận năng lực, thì triết lý sẽ là giáo dục tương tác. Thầy và trò giúp nhau, để trò có thể tiếp thu kiến thức, kỹ năng cần thiết mà phát triển năng lực. Bây giờ, không ít thầy vẫn còn quan niệm phải cho roi cho vọt thì trò mới nên người, như thế hệ của chúng tôi, các thầy rất yêu quý học trò, nhưng cũng sẵn sàng cho trò “ăn” roi. Nhưng hiện nay, quan điểm yêu thương học sinh đã khác và thầy - trò phải bình đẳng. 

Chữ “đạo” rất công bằng, đặc biệt với nghề dạy học

* Lớp học tình thương của bà giáo Hồ Hương Nam nổi tiếng hơn hai mươi năm qua. Ở tuổi tám mươi sáu, bà vẫn cần mẫn dạy chữ cho những em nhỏ khuyết tật, kém may mắn. Tâm thế của một nhà giáo như bà, có lẽ khác nhiều so với đa số thầy cô giáo hiện nay?

Giu chu 'dao' cua nghe giao
Bà giáo Hồ Hương Nam, hơn hai mươi năm dạy học miễn phí cho học sinh khuyết tật

- Bà Hồ Hương Nam: Thời chúng tôi, giáo viên rất được coi trọng trong xã hội. Tôi cho rằng một phần vì truyền thống tôn sư trọng đạo, một phần cũng do giáo viên hết lòng vì học sinh. Chữ “đạo” rất công bằng, đặc biệt là chữ “đạo” của người làm nghề dạy học.

Nếu giáo viên sống vì chữ “đạo”, vì yêu nghề, thương yêu học sinh thì học sinh sẽ tự khắc nhớ đến mình. Còn nhiều giáo viên trẻ hiện nay, dường như làm nghề giáo vì mưu sinh chứ không vì cái “đạo” của người đi dạy.

Tôi muốn nhắc lại, là chữ “đạo” trong nghề giáo rất công bằng. Nhiều thầy cô trách, sao học sinh hiện nay không tôn sư trọng đạo, không tình cảm. Tôi cho rằng, các thầy cô cũng nên nhìn lại mình đã hết lòng vì học sinh chưa. Người thầy đi dạy vì đồng tiền, chăm chăm tổ chức dạy thêm thì có vì học sinh hay không? 

* Những năm còn công tác, hẳn bà cũng có những kỷ niệm khó quên về tình cảm thầy trò.

- Thời chúng tôi đi dạy, lương đâu có cao như bây giờ. Nhưng giáo viên, ai cũng thấy thiêng liêng khi nghĩ về giáo dục. Chúng tôi vá quần, vá áo cho học sinh là bình thường. Thời đó còn khó khăn nhưng tình cảm thầy trò thiêng liêng lắm. Người ta nói qua sông phải lụy đò, giáo viên cũng được ví như người lái đò.

Thế hệ chúng tôi, người ta qua sông nhiều năm mà vẫn nhớ đến người lái đò. Tôi có học trò năm nay đã ngoài sáu mươi tuổi, hiện đang tu hành. Năm ngoái cậu ấy nhìn thấy tôi trên ti vi, có được thông tin nên ngay sáng hôm sau xuống núi tìm cô giáo. Mà hai cô trò tôi không có tin tức gì của nhau đã mấy chục năm… 

* Theo bà, phải làm sao để người thầy hôm nay vừa có thể trở thành những nhà sư phạm, vừa kế thừa được cái “đạo” cao đẹp mà bao thế hệ người thầy đã vun đắp?

- Nền giáo dục nên trả về bản chất vốn có của nó là một nền giáo dục vì con người và thúc đẩy sự tiến bộ của con người chứ không phải nền giáo dục của mối quan hệ giữa người mua chữ và bán chữ. Tôi biết có nhiều giáo viên rất tốt, hết lòng vì công việc, vì học sinh.

Nhưng hiện nay cũng có một bộ phận giáo viên chưa hiểu hết giá trị, ý nghĩa của hai từ giáo dục. Giáo dục, theo định nghĩa của tôi là hình thành bởi hai từ giáo điều và dưỡng dục. Ngoài truyền đạt kiến thức, còn phải dạy con người khuôn phép, cách hành xử. Vì thế giáo dục không thể xa rời bản chất nhân văn, hướng đến con người, vì con người. Trong mắt tôi, nghề giáo luôn đẹp và luôn được trân trọng. Sự trân trọng ở đây chính là cái “đạo” của nghề dạy và rèn người.  

Tôi rất đau lòng khi hiện nay một phần nào giáo dục bị méo mó, là nơi để người ta kiếm tiền, trục lợi. Sự xa rời bản chất của giáo dục sẽ khiến hình ảnh người thầy bớt lung linh, nghề giáo cũng bớt cao quý. Tôi không bao giờ nhận phong bì của học trò, vì tôi không bán chữ. Thế hệ của chúng tôi, ngày 20/11, chỉ cần học sinh còn nhớ đến mình, yêu thương và tôn trọng mình; bởi đó mới là món quà ý nghĩa nhất đối với người làm nghề giáo. 

Ngọc Minh Tâm (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI