Giữ chồng - giữ mình

22/07/2014 - 06:50

PNO - PN - Do tính chất công việc nên cô bạn của tôi tiếp xúc với khá nhiều trường hợp hôn nhân đang bên bờ đổ vỡ. Vì thế, bạn ngày càng cảnh giác với đàn ông. Mỗi lần gặp nhau, tán chuyện linh tinh, thế nào bạn cũng quay về đề...

edf40wrjww2tblPage:Content

, GIỮ KIỂU GÌ?

Rất nhiều điều cần phải làm ngay để có thể giữ chặt trái tim đối phương. Việc đầu tiên người phụ nữ nào cũng nghĩ đến là chăm sóc bản thân, nhà cửa, con cái, bếp núc… để tạo không gian thoải mái cho chồng. Nghĩ là một lẽ, làm được đến đâu và kết quả thế nào lại là chuyện khác. Mỗi người có phương pháp và mức độ điều chỉnh riêng, song hình như không một ai quên ưu ái để mắt nhiều hơn đến sinh hoạt của chồng. Nói “để mắt” thật ra còn nhẹ. Tâm lý chung, ai mà không muốn thắt chặt kiểm soát hành tung lang quân. Phải nắm gọn trong tay lịch làm việc, ăn ngủ, giải trí và cả… suy nghĩ của chồng mới có thể phần nào yên tâm.

Cô bạn tôi, người luôn nhắc nhở mọi người phải khéo gìn giữ, bỗng một ngày tìm đến tôi với đôi mắt sưng húp, báo tin hôn nhân có thể đổ vỡ vì xuất hiện kẻ thứ ba. An ủi bạn mà lòng tôi cộm lên mối lo. Từ lúc tôi bận bịu con nhỏ, chồng tôi không còn thói quen đưa vợ đi cùng mỗi khi cà kê quán xá với bạn bè. Ai biết anh ấy làm gì trong những buổi tối “ngoài vùng phủ sóng” đó.

Tôi bắt đầu siết chặt mối quan tâm hơn. Vờ gọi điện vào lúc 2-3g sáng, bảo con khóc đòi bố, để kiểm tra trong những lần chồng đi công tác. Tôi còn lén đột nhập vào email, đọc kỹ từng lời từng ý, dù chỉ là vài câu bông đùa vô thưởng vô phạt của anh trên mạng xã hội. Tôi tìm cách kết nối mấy cô bạn của chồng với mục đích muốn biết họ thân thiết đến độ nào. Thậm chí, ngày nào tôi cũng xem trộm tin nhắn và nhật ký điện thoại khi chồng ngủ say.

Dù hơi “bất chính” nhưng tôi nghĩ, những chuyện đó chẳng có gì phải xấu hổ. Để bảo vệ hạnh phúc gia đình, ai mà chẳng có lúc như vậy. Tuy nhiên, trong khi cật lực giữ chồng, tôi lờ mờ nhận ra hình như mình đang áp dụng sai phương pháp.

Giu chong - giu minh

PHẢN TÁC DỤNG

Bị “chăm sóc”, chồng tôi tù túng, ngột ngạt; vợ chồng sinh chuyện, cãi nhau liên miên, nên tôi cũng chẳng được thanh thản. Những chiều cuối tuần, trong khi anh ấy còn mải miết vui chơi ở đâu đó sau giờ làm, tôi đẩy xe đưa con lang thang hóng gió, suy nghĩ về tình cảm vợ chồng mấy tháng qua. Những ngọt ngào lãng mạn trước đây vốn rất rõ, giờ bay biến đâu mất. Người chồng “hiền như đất” bỗng đổi tính đổi nết, trở nên cộc cằn, ít nói. Thậm chí, anh còn có ý tránh chạm mặt tôi trong chính căn nhà của mình.

Đâu chỉ anh thay đổi, cả tôi cũng không nhận ra mình. Người phụ nữ dịu dàng, hiền lành mà chồng tôi thường hết lời ngợi khen và hãnh diện dường như không còn nữa. Tự tôi cũng thấy mình xấu tính hẳn đi. Tôi già đi trong hằn học, tò mò, trách móc và dửng dưng. Còn nhớ hôm trước nổi cáu, chồng tôi làm một tràng, bảo ngày xưa anh chọn em vì em hiền lành, nhu mì, dễ thương, cưới nhau chưa bao lâu mà em đổi tính nhanh quá. Em cứ xem anh như món đồ riêng, muốn cất trong túi áo, muốn nhào nặn theo kiểu của em. Anh có làm gì quá đáng đâu? Việc em theo dõi lâu nay anh biết hết, nhưng sợ em bẽ mặt nên không muốn nói. Nếu anh có ý dối gạt thì em đã chẳng dễ tìm được chứng cứ. Em làm anh ngộp thở quá!

Có lẽ tôi không bao giờ biết mình đã tệ hại đến thế nếu chồng không thành thật nhận xét. Không thể lấy mặt trái của hôn nhân, thể hiện qua những trường hợp đổ vỡ cụ thể, để làm cái cớ cho sự hoài nghi của bản thân. Mỗi nhà mỗi cảnh. Chồng tôi nói ai dám khẳng định tất cả đàn ông không chung thủy? Đâu chỉ phụ nữ mới sợ đổ vỡ. Người chồng nếu lỡ để đánh mất gia đình cũng sẽ đối diện với nhiều mặc cảm, tội lỗi, tự ti trong cuộc sống sau này.

Dù không thể hoàn toàn chấm dứt hoài nghi nhưng tôi tin lời chồng. Kẻ thứ ba ở đâu chưa thấy, chỉ thấy càng bám riết, càng cố giữ thật chặt thì tình cảm đôi bên càng dãn ra. Tôi giật mình vì chính mình đang tàn phá hôn nhân của mình. Mọi cố gắng của tôi đã phản tác dụng.

ĐIỀU CHỈNH BẢN THÂN

Tôi cảm nhận ngay được sự thay đổi thái độ của chồng khi tôi tự điều chỉnh bản thân. Tiếc thay, cô bạn tôi đã không làm được điều đó. Bạn đã đi quá đà, mọi cố gắng cứu vãn không còn kịp. Thất bại của bạn nhắc nhở tôi đừng bao giờ để hôn nhân chỉ là sự nghi ngờ, dò xét, chịu đựng lẫn nhau. Nếu lỡ rơi vào trạng thái đó, hãy khéo lèo lái nó trở lại cho đúng quỹ đạo. Việc này phụ thuộc rất lớn vào vai trò của người vợ. Đừng chỉ biết trách móc, đổ lỗi tại sao trước đây anh ấy khéo léo, chu toàn, chiều chuộng thế; giờ lại thờ ơ, bừa bộn, lười nhác, cộc cằn. Có bao giờ bạn tự hỏi mình đã thay đổi ra sao trong ứng xử nên chồng mới trở nên như thế? Tôi còn nhớ, những ngày đầu sống cùng nhau, tôi luôn ngọt ngào: “Chồng yêu, lấy giùm vợ chai nước mắm nhé”. Sau đó: “Anh, lấy chai nước mắm giúp em”. Và bây giờ: “Lấy chai nước mắm với”. Cũng có khi bực dọc: “Đưa chai nước mắm coi”. Vậy đó, trách sao ngày trước nghe hai tiếng “vợ yêu” cảm thấy bình thường, giờ hễ chồng âu yếm gọi “vợ yêu” là giật mình thon thót, nghĩ anh ấy sắp có “yêu sách” muốn thương lượng.

Tôi từng nghĩ câu “Tương kính như tân” của người xưa mang chút gì đó hình thức, nhưng sau những va vấp trong hôn nhân, tôi nhận ra đó là giải pháp tối ưu trong quan hệ vợ chồng. Giữ cho tình cảm vợ chồng luôn tươi mới là quá trình dài, phức tạp và vô cùng khó khăn, nhưng không phải là không thể. Nói đơn giản, giữ chồng, trước tiên là phải biết điều chỉnh, kiểm soát hành vi bản thân cho hòa hợp cùng chồng, tức là giữ mình.

 Việt Quỳnh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI