Giữ cho con cháu một chốn để về

19/11/2023 - 06:23

PNO - Sáng nào cụ cũng dậy sớm, vừa quét lá từ thềm sân nhà cũ ra ngoài đường, vừa gom những mảnh ký ức trước khi đông về.

Sáng sớm, chợt có cảm giác bình yên khi thấy cụ già quét đám lá khô phía bên kia đường. Cụ thư thả khua nhát chổi tre, ngắm nhìn bọn trẻ đi học.

Mấy tháng trước, hàng xóm bảo, con cháu đã đưa cụ vào nội thành để tiện chăm sóc. Thế mà hôm nay bỗng thấy cụ đứng bên căn nhà ven đường, sau quãng thời gian dài rời xa.

Nơi đây, chỉ còn căn nhà của cụ vẫn giữ dáng cổ kính bên những ngôi nhà khang trang nhiều tầng, đa sắc màu. Căn nhà 3 gian, ngói đỏ phủ màu rêu mốc, bên hàng cau, giếng nước, phía trước là vách tường đá ong bao quanh, đằng sau là mảnh vườn trồng nhiều loại cây. Có lần, tôi thấy nhà cụ treo biển bán nhà rồi hôm sau lại gỡ xuống; cứ tưởng ngôi nhà đã sang cho chủ mới, nhưng mấy hôm sau lại thấy tấm biển được treo lên, rồi lại cất đi.

Tranh minh họa (nguồn: AI)
Tranh minh họa (nguồn: AI)

Lần này, tôi sang đường giúp cụ dọn đống lá khô vào chiếc bao lớn. Cụ cười cảm ơn rồi hỏi tôi về sự đổi thay của làng, ai còn ai mất. Cụ hỏi về bà Cúc bán nước ở ngã ba, ông Cừ vẫn cùng cụ chơi cờ tướng…

Rồi cụ kể, ở phố, cụ sống trong một chung cư cao tầng. Căn hộ đầy đủ tiện nghi nhưng cụ không biết cách sử dụng các thiết bị hiện đại. Đôi mắt cụ mờ nhòe khi hết xem ti vi lại nhìn sang đứa cháu say mê chơi game.

Cụ thích đọc và gửi thư, nhưng bạn bè của cụ đều đã đi dần sau quãng thời gian điều trị đủ thứ bệnh tuổi già. Lúc ở nhà một mình, cụ thường đọc lại những lá thư đã nhàu theo thời gian, được cụ mang ép plastic rồi cất cẩn thận vào chiếc hộp gỗ. Trong ấy, có thư của nhiều người bạn cũ và cả những lá thư của cụ bà hồi 2 người vừa bắt đầu tình yêu tuổi thanh xuân, đến khi thành duyên chồng vợ.

Hồi cụ đưa gia đình đến đây khai hoang, dân làng bảo cụ “không bình thường” nên mới chọn vùng sâu vùng xa làm nơi lập nghiệp. Chẳng ngờ, sau nhiều năm, dự án đường lớn chạy qua, mảnh đất của gia đình cụ trở nên đắt giá. Cụ đã từ chối nhiều lời đề nghị để giữ lại căn nhà cùng cụ bà vất vả sớm hôm dựng lên.

Vách tường được xây từ những viên đá ong được cụ đào trong mạch đất gần chân núi rồi đẽo gọt vuông vắn. Cột kèo trong nhà dựng từ hàng xoan cụ bà ươm trồng nơi góc vườn. Cái giếng quanh năm nước trong được cụ và cậu cả thay nhau xuống đào trong những đêm trăng sáng. Cụ bà gắng sức kéo từng xô đất rồi đắp bồi cho mảnh vườn vốn ngổn ngang đá sỏi. Nhờ có bàn tay tảo tần của bà mà mảnh vườn xanh mướt đủ loại rau và cây trái.

Mấy lần, cụ treo tấm biển “bán nhà” lên, vì con cái muốn đưa cụ ra phố phụng dưỡng, nhưng cụ lại gỡ xuống bởi đêm qua mơ thấy cụ bà múc nước giếng tưới cho từng gốc cây trong vườn. Dù tấm biển đã gỡ xuống, vẫn có nhiều người đến hỏi mua rồi ra về sau cái lắc đầu của cụ; bởi cụ nghĩ đến mai sau, khi con cháu mệt nhoài sau những bon chen ở phố, sẽ có nơi bình yên để trở về nương náu.

Quãng thời gian vừa rồi, cụ ra phố sống cùng con cháu. Cụ đã tập thích nghi với tiếng xe cộ ồn ào trong bụi phố, với những bữa cơm vội vàng kiểu công nghiệp, nhìn đĩa rau mà lòng đầy lo âu; sự buồn tẻ khi con cháu vắng nhà…

Càng cố tập thích nghi, tâm trí cụ lại thêm bồi hồi nhớ cuộc sống quê nhà - khi buồn, chỉ cần vài bước chân ra quán nước bà Cúc là có thể tìm thấy bạn tâm giao; khi đói bụng, chỉ cần ra vườn hái nắm rau là nấu thành tô canh mát lành…

Giờ đây, sáng nào cụ cũng dậy sớm, vừa quét lá từ thềm sân nhà cũ ra ngoài đường, vừa gom những mảnh ký ức trước khi đông về. 

Kiều Xuân Quỳnh

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(2)
  • Do van giao 20-11-2023 18:33:59

    Câu chuyện có phần thiếu logic, nhà cụ đã ra mặt tiền đường lớn thì phải ồn ào hơn nhà con ở chung cư chứ

  • Hồng Hà 19-11-2023 19:03:21

    Cuộc sống bình yên với căn nhà nhiều cây tuy giản dị mà tràn đầy hạnh phúc...Ta cứ tưởng tìm hạnh phúc ở những nơi xa xôi hào nhoáng nào ngờ hạnh phúc ở những điều giản dị. Con đã ngộ ra cụ à.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI