edf40wrjww2tblPage:Content
Gia đình chồng em kinh doanh, chồng em phụ làm cùng bố mẹ. Bố mẹ chúng em là bạn bè, chúng em quen nhau qua sự giới thiệu của hai gia đình. Lúc đầu, sau thời gian tìm hiểu, em nhận thấy hai người có quá nhiều khác biệt về sở thích, công việc, mục đích sống nên yêu cầu chia tay. Anh đồng ý, nhưng nửa năm sau thì anh đề nghị cho thêm một cơ hội. Rồi chúng em kết hôn. Em chấp nhận làm vợ anh vì nghĩ đơn giản anh là người tốt, hai gia đình thân thiết, lại cũng ở gần nhau. Tuy nhiên, sống chung mới biết, em và mẹ chồng không hợp nhau, phát sinh nhiều chuyện rắc rối. Vợ chồng còn thường xuyên bất đồng, tranh cãi nhau từ những việc rất nhỏ. Hiện em đang có thai, phải nghỉ làm ở nhà, nhưng vợ chồng giận nhau, không ai nói chuyện với ai đã một thời gian, không khí rất nặng nề. Chồng em bảo em cản đường công danh của anh, vì từ khi cưới em, việc kinh doanh của anh không được thuận lợi, khiến em rất buồn. Em học ngành lâm nghiệp, gia đình hai bên ai cũng chê, bảo em học như thế, sinh con rồi sẽ chẳng biết tìm lại được công việc ở đâu. Chồng em khinh thường em ra mặt. Em rất hoang mang, có cảm giác như cả thế giới quay lưng với mình. Em thật tình không biết mình còn có thể tiếp tục chung sống với người chồng như thế được không. Em chỉ muốn bỏ hết tất cả mà đi nhưng không đủ can đảm. Em phải làm gì lúc này?
Thanh (Q.5, TP.HCM)
Em Thanh mến,
Lúc này, Hạnh Dung nghĩ, việc đầu tiên em cần làm là gạt bỏ khỏi suy nghĩ cái cảm giác “cả thế giới quay lưng với mình”. Có thể do cuộc sống vợ chồng và chuyện làm dâu không được suôn sẻ như mong muốn, đã khiến em phát sinh ý nghĩ tiêu cực đó. Về nhà chồng, trước tiên mình phải tìm cách để sống cho hòa hợp, có nhún mình một chút cũng phải chấp nhận, đừng khư khư sống theo tính cách riêng, giữ chặt cái tôi của mình. Phải có được sự hòa hợp mới có những chia sẻ, cảm thông, mọi người mới hiểu nhau, gần gũi nhau hơn. Bước đầu về nhà chồng, xung đột mẹ chồng - nàng dâu, xung đột tính cách giữa vợ - chồng là chuyện khó tránh, phải khéo léo vượt qua, chứ không phải co mình lại, tự đưa mình vào thế đối lập, sẽ rất khó sống và không thể kéo dài được. Em có lợi thế lớn khi cha mẹ hai bên là bạn bè, chủ động giới thiệu các con tìm hiểu nhau. Như thế, mẹ chồng chắc chắn là đã rất vui khi đón được em về làm dâu, không hề định kiến, xét nét. Về nhà chồng, mối quan hệ đó xấu đi, em phải tự xem lại mình trước, đừng vội trách người.
Lúc này em đang mang thai, càng phải cố giữ cho tâm trạng bình yên, đừng kéo dài những căng thẳng, nặng nề. Vợ chồng giận nhau đến nỗi suốt một thời gian không nói chuyện là không ổn, em nên kiếm cách chủ động làm hòa. Em đang chuẩn bị làm mẹ, nếu chồng em biết quan tâm đến vợ con, có lẽ chỉ cần một dấu hiệu “hòa bình” của em là anh ấy thay đổi thái độ ngay. Làm gì lúc này, em cũng phải nghĩ đến con trước, mọi chuyện khác sau này hãy tính.
Thật ra, qua thư em, có thể thấy cuộc sống vợ chồng đã có dấu hiệu rạn nứt. Vợ chồng thường xuyên bất đồng. Chồng làm ăn không được, không biết tự rút kinh nghiệm, lại đổ cho vợ. Nếu yêu thương, tôn trọng vợ, chẳng người chồng nào lại dè bỉu, chê bai vợ nặng lời như vậy. Rồi đây, nếu hai em không giải quyết được những gút mắc đó, vợ chồng ngày càng xem thường nhau, đánh mất dần sự tin yêu, thì rất khó có hạnh phúc, thậm chí khó mà giữ được nhau. Đây là hậu quả từ cách chọn chồng quá đơn giản của em mà ra. Đâu phải chỉ cần anh ấy là người tốt, hai bên gia đình quen biết nhau là đủ. Những yếu tố quan trọng hơn, cần thiết hơn, em đã nhìn thấy mà vẫn cho qua: “quá nhiều khác biệt về sở thích, công việc, mục đích sống”.
Nhưng, đó là những chuyện “để đó, tính sau”. Trước mắt hãy giữ cho mọi thứ thật bình yên, nếu không yên được, em có thể xin phép cha mẹ chồng và chồng cho em được về nhà cha mẹ ruột dưỡng thai, một cái cớ không ai có thể bắt bẻ được. Như vậy em sẽ có thời gian để ổn định tâm trạng, để mẹ con cứng cáp. Đến lúc đó, hãy nhìn lại mọi vấn đề, cách nghĩ của em có thể sẽ khác.
HẠNH DUNG (hanhdung@baophunu.org.vn)