Giữ chân lao động bằng sự cảm thông, thấu hiểu

04/11/2021 - 06:15

PNO - Đại dịch COVID-19 đã tạm lắng xuống và biết bao bài học đã lộ ra, trong đó có bài học về quản lý và giữ gìn đội ngũ nhân viên lao động. Nhờ vào sự cảm thông, thấu hiểu, biết cách chia sẻ, bồi dưỡng nên nhiều công ty chẳng những giữ được chân người lao động mà còn giúp họ làm việc hiệu quả hơn để cùng công ty vượt qua khó khăn.

Thay đổi cách lãnh đạo

Guồng quay của công việc làm cho nhiều người, nhất là các nhà quản lý, không có thời gian nhìn lại mình. Bởi thế, thời gian giãn cách xã hội vì dịch COVID-19 vừa qua là cơ hội để họ nhìn lại, điều chỉnh để hoàn thiện mình hơn. Thực tế đã cho thấy, “doanh nghiệp nào đóng góp thiết thực cho cộng đồng thì sẽ thu hút và giữ được lực lượng lao động tốt nhất”, theo bà Tiêu Yến Trinh - Giám đốc Công ty Talentnet. 

 Bà Tiêu Yến Trinh - Giám đốc Công ty Talentnet
Bà Tiêu Yến Trinh - Giám đốc Công ty Talentnet

Bí quyết để giữ được lực lượng lao động tinh nhuệ của bà Yến Trinh là thay đổi cách lãnh đạo để tạo động lực cho người lao động, theo hướng: làm ít hơn nhưng chất lượng công việc phải tốt hơn! Tư duy đó đến từ nỗi thấu cảm cho hoàn cảnh từng nhân viên của mình. Cụ thể, trong thời gian giãn cách xã hội, hầu hết nhân viên đều làm việc ở nhà, nhưng không phải ai cũng có thể tập trung làm việc vì môi trường và hoàn cảnh sống của mỗi người mỗi khác. Là người quản lý, bà Yến Trinh phải sắp xếp thời gian nói chuyện riêng để hiểu khó khăn của từng người và sắp xếp công việc cho hợp lý.

Giãn cách xã hội khiến địa điểm và thời gian làm việc bị phân tán, mô hình vận hành theo kiểu kim tự tháp - quản trị từ trên xuống dưới - không còn phù hợp. Vì vậy, bà Yến Trinh đã linh hoạt phân chia nhân lực của công ty theo từng dự án. Theo đó, một người có thể tham gia vào nhiều dự án tùy theo năng lực của mình. Nhờ đó mà chất lượng và hiệu quả công việc được nâng lên tốt hơn so với trước đây. 

Khác với cách của bà Yến Trinh, bà Trịnh Mai Phương - Phó Chủ tịch phụ trách nhân sự Unilever Việt Nam - thì đề cao an toàn và sức khỏe cho nhân viên bằng các chương trình hội thảo. Vì nhãn hàng Lifebuoy là đại sứ truyền tải thông điệp 5K của Bộ Y tế nên bà Mai Phương khuyến khích đội ngũ nhân viên của mình thực hiện đúng thông điệp. Từ những trao đổi trong các buổi hội thảo, bà Mai Phương nhận thấy nhân viên thường ngại gặp bác sĩ của công ty, cho nên bà tổ chức các nhóm tương trợ theo tinh thần: Người có kinh nghiệm và kiến thức y tế về dịch bệnh sẽ giúp những người “có nguy cơ” những kinh nghiệm và kiến thức đó; giúp nhau vượt qua tâm lý tiêu cực từ dịch bệnh.

Bà Trịnh Mai Phương
Bà Trịnh Mai Phương - Phó Chủ tịch phụ trách nhân sự Unilever Việt Nam

Bà Mai Phương cũng khuyến khích nhân viên đóng góp cho công việc bằng cách chia sẻ những khó khăn trong việc kinh doanh thời đại dịch. Trong những buổi họp trực tuyến định kỳ với hàng ngàn người ở khắp 63 tỉnh thành, bà chia sẻ với mọi người về tình hình kinh doanh của công ty và khuyến khích mọi người nói lên những ưu tư với ban giám đốc. Sự kết nối thường xuyên giữa nhà quản lý với nhân viên đã tạo được động lực tích cực ở tất cả mọi người trong những ngày giãn cách. Các thành viên không chỉ thấy gần gũi với nhau mà còn có cơ hội đóng góp cho tập thể những hiểu biết, kinh nghiệm hay đơn giản là giúp nhau vui lên trước bất cứ thách thức nào. Làm việc ở nhà, người lao động sẽ phải làm nhiều hơn và thời gian làm việc cũng kéo dài hơn, bà Mai Phương giúp họ sắp xếp công việc theo thứ tự việc quan trọng làm trước, việc ít quan trọng làm sau để giảm áp lực và cân bằng tâm lý. 

Những liều “vitamin tinh thần”

Trong đại dịch COVID-19, tâm tư mỗi người mỗi khác. Các bạn trẻ thì chơi vơi, mất định hướng, người lớn tuổi thì lo ngại cho tương lai. Tác động của đại dịch lên từng người cũng khác. Để góp phần trấn an người lao động, bà Đoàn Thị Bích Ngọc - Giám đốc Công ty CANIFA - đã mở ra chương trình CSR (trách nhiệm cộng đồng của doanh nghiệp) không chỉ dành cho cộng đồng mà còn dành riêng cho cán bộ, nhân viên, người lao động trong công ty, đặc biệt là giúp các gia đình có F0.

Bà Đoàn Thị Bích Ngọc - Giám đốc Công ty CANIFA
Bà Đoàn Thị Bích Ngọc - Giám đốc Công ty CANIFA

Công ty đã phối hợp cùng P&G mở chương trình “Siêu thị 0 đồng” giúp người khó khăn, chương trình “Gói xôi 7.000 đồng” giúp người lao động có buổi sáng no bụng. Tham gia chương trình, nhân viên chẳng những được nhận mà còn được bà Bích Ngọc nhắn tin cảm ơn. Ngược lại, công ty cũng nhận được từng đó lời cảm ơn từ nhân viên của mình. Người cho và người nhận đều cảm nhận rõ hơn ý nghĩa của cuộc sống. Bên cạnh đó, Công ty CANIFA cũng mời các chuyên gia về nói chuyện để giúp nhân viên tìm được trạng thái cân bằng trong cuộc sống.

Bà Nguyễn Hà Trang - Giám đốc nhân sự PepsiCo Foods Việt Nam - lại chọn cách chăm sóc sức khỏe tinh thần của nhân viên bằng các chương trình truyền thông. Bà gọi đó là chương trình “Vitamin cho sức khỏe tinh thần” của người lao động. Trong đại dịch, nhân viên PepsiCo Foods Việt Nam chẳng những vẫn duy trì hoạt động sản xuất mà còn phải duy trì khâu bán hàng cho nhân dân. Để trấn an tinh thần của nhân viên và bày tỏ sự quan tâm của nhà quản lý, bà Hà Trang cùng công ty thường xuyên gửi quà thăm hỏi đến nhà của từng nhân viên kèm theo những lời động viên. Quà gồm các loại rau củ bổ sung dinh dưỡng hoặc là những túi thuốc để người lao động có thể chăm sóc sức khỏe tại nhà. 
Trong thời gian giãn cách, tình trạng “bị nhốt” trong nhà khiến người ta dễ xuống tinh thần. Hiểu vấn đề này, bà Hà Trang mở các chương trình giải trí trực tuyến như thi hát karaoke, hít đất… để mọi người vơi bớt lo âu. 

Ngoài ra, PepsiCo Foods Việt Nam còn tổ chức đường dây nóng và địa chỉ trợ giúp để giúp cán bộ, nhân viên, người lao động được tham vấn trong phòng, chống dịch. Sáng kiến này đã giúp hai nhân viên mắc COVID-19 có bệnh nền phức tạp vượt qua bệnh tật. Một sản phụ cũng được đưa đi sinh nở an toàn. 

Bà Nguyễn Hà Trang - Giám đốc nhân sự PepsiCo Foods Việt Nam
Bà Nguyễn Hà Trang - Giám đốc nhân sự PepsiCo Foods Việt Nam


Những sáng kiến của các nữ quản lý dù là đơn giản nhưng rất thiết thực trong hoàn cảnh mọi hoạt động xã hội bị đóng băng, cuộc sống vô cùng khó khăn. “Một miếng khi đói bằng một gói khi no”, trong lúc khó khăn thì dù một gói xôi hay một lời động viên đều rất quý, nhất là nó lại đến từ người lãnh đạo. Sự quan tâm đó thể hiện được cái tình của người lãnh đạo, quản lý đối với nhân viên của mình. 

Mỹ Huyền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI