Giữ ảnh Người, học Bác chữ 'thương'

17/05/2019 - 08:00

PNO - Trong gần 100 tấm ảnh Bác Hồ mà chị Phạm Thị Chiên (tiểu thương chợ Thị Nghè, P.19, Q.Bình Thạnh, TP.HCM) đang lưu giữ chị thích nhất tấm Bác cười vui cùng các cháu thiếu nhi đêm giao thừa năm Nhâm Dần 1962.

Đây cũng là năm chị Chiên được sinh ra.

Học Người là làm thật tốt công việc đang làm

“Vào dịp tết năm đó, giữa đêm mưa phùn giá lạnh, Bác Hồ đã đến thăm và chúc tết một gia đình trong con hẻm nhỏ ở phố Hàng Chĩnh, quận Hoàn Kiếm, TP.Hà Nội. Chủ nhà là một phụ nữ đơn thân, nuôi bốn con nhỏ bằng nghề gánh nước thuê. Gặp Bác, người phụ nữ nghèo buông rơi đôi quang gánh, nước mắt trào ra. Còn với tôi, mỗi khi được đọc hoặc nghe kể lại những câu chuyện đong đầy tình thương của Bác là nước mắt lại rưng rưng” - chị Chiên kể. 

Thói quen sưu tầm ảnh Bác Hồ của chị có từ những năm 2000, sau khi chị vào chợ Thị Nghè buôn bán các mặt hàng văn hóa phẩm và đồ chơi trẻ em. Những buổi chợ tan hoặc vắng khách, chị ngồi đọc sách báo và đọc được nhiều bài viết hay về Bác, nên nảy ra ý định lưu giữ những tấm ảnh Bác cho con cháu mai sau.

Cho đến nay, chị đã sưu tập và lưu giữ được gần 100 ảnh Bác từ các nguồn sách, báo, hầu hết là ảnh trắng đen. Một quyển sách viết về Bác bằng tiếng Pháp, được xuất bản năm 1970, giấy đã ngả màu, cũng được chị cất ngay ngắn trong bìa sơ mi cứng cùng những tấm ảnh Bác, những bài báo và những câu chuyện về Người. “Quyển sách của một ông chú cho. Chị không biết tiếng Pháp nên không đọc được, nhưng nghĩ đó là một quyển sách quý, nên giữ lại cho con cháu sau này”, chị Chiên tươi cười. 

Giu anh Nguoi, hoc Bac chu 'thuong'
Chị Phạm Thị Chiên khoe những bức ảnh Bác Hồ với chị em tiểu thương

Với chị Chiên, những bức ảnh và những bài báo về Bác Hồ là một tài sản vô cùng quý giá nên chị luôn giữ gìn cẩn thận. Nhìn ảnh Bác, chị như có thêm niềm tin và tự nhủ lòng cần phải cố gắng học tập Người. Với chị, học Người đơn giản là làm thật tốt công việc mình đang làm. 

“Mỗi khi nhìn tấm ảnh Bác ngồi làm việc trong ngôi lán nhỏ, hay cảnh Bác xắn quần lội suối là tôi lại nghĩ nhiều hơn về đức tính giản dị và phải nỗ lực để vượt qua những khó khăn trong cuộc sống. Đọc câu chuyện về chiếc áo ấm nơi Bản Ty ở vùng chiến khu mà thấu hiểu về tình thương, về chữ “thương” từ Bác” - chị Chiên tâm tình. Chị tâm đắc nhất lời Bác dạy, ý rằng, muốn đi xa thì đôi chân mình phải vững và trước hết phải vững chân từ chính trong ngôi nhà mình. Học Bác là học ở tình thương vô bờ của Bác, học những điều tốt đẹp quanh mình. 

Năm 2011, nhân dịp cả gia đình chị về thăm lại quê hương Nam Định, chị đã cùng con cháu vào lăng viếng Bác. “Được thấy Bác, cảm xúc lúc đó trong tôi rất khó diễn tả. Tôi sẽ ghi khắc mãi giây phút ấy trong lòng”, chị Chiên trầm tư.  

Học chữ "thương" bằng hành động giúp đỡ, sẻ chia

Chợ Thị Nghè là ngôi chợ “Văn minh thương nghiệp” từ nhiều năm nay, cho nên chị em tiểu thương cũng rất ý thức việc giữ vững danh hiệu “Người thương nhân mới”. Bởi thế, chuyện lấn chiếm lối đi, sắp xếp hàng hóa bừa bộn hay mất vệ sinh... không xảy ra ở ngôi chợ này.

Thường ngày ở chợ, chị Chiên bận túi bụi với việc bán buôn, đặt hàng, nhập hàng, sắp xếp hàng hóa... Nhưng với cương vị là Phó chủ tịch Hội Phụ nữ chợ, chị vẫn thường tranh thủ hỏi han, chuyện trò để nắm bắt tâm tư, tình cảm và hoàn cảnh của chị em. Chị em nào gặp khó khăn là chị đến tìm hiểu, chia sẻ ngay. Chị em nào khó khăn về vốn thì Hội Phụ nữ giới thiệu nguồn vốn. “Mình càng gần gũi nhau thì càng dễ hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau”, chị Chiên quan niệm.

Ngoài việc buôn bán, chị em tiểu thương chợ Thị Nghè vẫn thường xuyên tổ chức các chuyến thăm những mái ấm tình thương trên địa bàn thành phố, tận tay chọn thực phẩm tươi để nấu những bữa ăn ngon và đủ chất phục vụ các cụ già neo đơn, hùn tiền trao học bổng cho những học sinh có hoàn cảnh khó khăn…  

Bà Nguyễn Thị Hoàng Anh, 65 tuổi, quê ở Đồng Nai, mấy năm trước vẫn còn đội mâm bao lì xì đi bán quanh chợ trong dịp tết. Nhưng hôm qua, chị Chiên bất chợt thấy bà ngồi bán vé số nơi dốc cầu. Chị quay xe lại hỏi mới hay bà già nay bị bệnh, không còn đi lại được như xưa nên đành ngồi một chỗ. Thế là nhanh chóng, chị gọi chồng mình, anh Đỗ Văn Anh, ra chợ thay chị bán hàng, còn mình chạy đi mua thẻ bảo hiểm y tế cho bà Anh. 

Trời đứng bóng, các chị quầy hàng bông mua cơm hộp về ăn, chớm thấy chị Chiên dọn hàng vô đã hỏi vọng: “Chiều nay nghỉ bán hả chị yêu?”. “Lát mấy em có rảnh thì phụ chị gói quà cho người nghèo nữa nhé”, chị Chiên rủ rê.

“Học chữ thương từ Bác, chính là hành động ngay bằng sự hỗ trợ, giúp đỡ, sẻ chia”, chị Chiên nói gọn lỏn. 

Từ Nhân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI