"4 người bệnh mà 800 người phải cách ly" là phát biểu của Chủ tịch UBND Hà Nội, nhấn mạnh nghịch lý trong diễn biến dịch bệnh. Tính đến lúc này, số người cần phải cách ly theo dõi, chăm sóc là áp lực thực sự của COVID-19 lên hệ thống y tế. Nhưng sẽ khủng khiếp hơn, nếu trong số những người bị cách ly đang tăng chóng mặt kia có cả nhân viên y tế - lực lượng duy nhất có khả năng đẩy lùi dịch bệnh.
Bệnh viện chính là không gian của người bệnh và y bác sĩ: một bên là những con người yếu đuối nhất và bên kia là trụ cột chống đỡ |
Khả năng lây bệnh ngay từ khi đi khám bệnh
Bệnh nhân COVID-19 số 17 đến bệnh viện Hồng Ngọc (Hà Nội) khám ban đầu. Bệnh viện khẳng định, việc tiếp nhận bệnh nhân này đảm bảo quy tắc an toàn. Nhưng, sau khi xác định bệnh nhân dương tính, 17 người gồm bác sĩ và nhân viên y tế của bệnh viện, cộng 500 người có tiếp xúc với họ cũng bị cách ly.
Hôm qua, “nhật ký” đi sàng lọc COVID-19 của tài khoản Vy Trần ở Hà Nội lan truyền trên Facebook đã cho thấy số lượng khổng lồ các nhân viên y tế mà một bệnh nhân nguy cơ có thể tiếp xúc. Vy ho kéo dài suốt 2 tuần và sốt, sau chuyến đi Bắc Ninh dự đám cưới rồi về Hà Nội.
Lo ngại khả năng nhiễm COVID-19 (khi có các biểu hiện sốt, ho, mệt mỏi kèm lịch sử di chuyển qua nhiều tỉnh), Vy đến phòng khám đối diện nhà, rồi tiếp tục di chuyển sang bệnh viện Đại học Y Hà Nội, rồi sau đó mới đến bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 để khám bệnh. Giả sử Vy nhiễm COVID-19, các nhân viên y tế và bác sĩ, bệnh nhân khác, thân nhân bệnh nhân, bảo vệ bệnh viện… đã tiếp xúc xa hay gần với nhân vật này tại 3 bệnh viện trên đều sẽ bị cách ly.
Tin từ bệnh viện Hồng Ngọc cho biết: sau khi cung cấp thông tin bệnh sử và lịch sử dịch tễ, bệnh nhân thứ 17 được nhân viên y tế của bệnh viện chỉ định tới khu vực dành riêng cho bệnh nhân có dấu hiệu viêm đường hô hấp cấp. Bệnh viện Chợ Rẫy - nơi có kinh nghiệm tiếp nhận và chữa trị thành công cho 2 ca nhiễm trong giai đoạn đầu của dịch bệnh ở Việt Nam - cũng đang thực hiện quy trình tiếp nhận bệnh nhân tương tự.
Theo BS Âu Thanh Tùng - Trưởng khoa Khám bệnh Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, bệnh viện này cũng thành lập khu sàng lọc sát vị trí tiếp nhận bệnh. Nhân viên tiếp nhận bệnh, nếu thấy những dấu hiệu có nguy cơ sẽ chỉ định bệnh nhân vào khu sàng lọc, tách biệt hoàn toàn khỏi những khu vực khác của bệnh viện. Những quy trình này đã tuân thủ nghiêm ngặt quy định của Bộ Y tế.
Tuy nhiên, thực tế, chỉ tính riêng trong “hành trình khám bệnh", trước khi bước vào quy trình nghiêm ngặt bên trong bệnh viện, bệnh nhân thứ 17 đã kịp lây bệnh cho tài xế và khiến hơn 500 người liên quan đến bệnh viện Hồng Ngọc phải cách ly. Tương tự, nếu Vy Trần dương tính với COVID-19, các y bác sĩ đã tiếp xúc cũng sẽ bị cách ly. Nếu Vy không tự lái xe mà đi taxi hoặc nhờ người quen đưa đến các bệnh viện, đường đi của virus đã vượt khỏi vòng kiểm soát của hệ thống y tế.
|
Nên có khu tiếp nhận riêng dành cho các bệnh nhân nghi nhiễm |
Thực tế này cho thấy, người nghi nhiễm không chỉ cần được khám ở khu riêng, mà cần có lối vào riêng. Để làm được vậy, mọi bệnh nhân có nhu cầu sàng lọc COVID-19 (khi có biểu hiện sốt, ho và lịch sử dịch tễ nguy cơ) cần gọi điện đăng ký khám, để bệnh viện chủ động tiếp đón.
Khâu “khai báo y tế” nên được thực hiện gián tiếp, qua điện thoại, chứ không phải thực hiện trực tiếp tại bệnh viện. Bên cạnh đó, người dân cần được tuyên truyền để tránh di chuyển bằng phương tiện công cộng, không đi ô tô cùng người khác đến khám bệnh để tránh việc lây nhiễm cho người đi cùng. Một khi đã được chỉ định đến bệnh viện tuyến sau để kiểm tra, nghĩa là đã được bác sĩ đánh giá có nguy cơ nhiễm virus, cơ sở y tế đưa ra chỉ định chuyển viện cần thông báo về ca bệnh cho bệnh viện tuyến sau và cần đưa bệnh nhân chuyển viện bằng xe chuyên dụng.
Loại bỏ khả năng lây nhiễm bên trong bệnh viện
Với nhu cầu sàng lọc nguy cơ nhiễm COVID-19, người dân có xu hướng chọn các cơ sở tư nhân vì lợi thế nhanh gọn trong quy trình. Tuy nhiên, các bệnh viện tư hoặc phòng khám tại nhà thường có diện tích nhỏ, thiếu không gian mở, thường dùng máy lạnh, khó thông khí tự nhiên - yếu tố quan trọng trong việc chống lây nhiễm.
Theo quan sát trên địa bàn TPHCM, việc phòng dịch tại các bệnh viện vẫn còn khoảng hổng: nhân viên y tế đeo khẩu trang và tuân thủ quy tắc an toàn rất nghiêm ngặt, nhưng bệnh nhân lại không được quy định đeo khẩu trang - điều có thể khiến các biện pháp phòng bệnh của nhân viên y tế trở nên vô nghĩa. Cần yêu cầu bệnh nhân đeo khẩu trang ngay từ cổng bệnh viện. Việc có lối đi riêng khép kín đến khu sàng lọc cũng quan trọng không kém để tách biệt các bệnh nhân có nguy cơ với những bệnh nhân, thân nhân đang chờ thăm khám, đang đóng viện phí, đang gọi xe chờ xuất viện…
Dịch bệnh càng tiến triển thì số lượng nhân viên y tế càng quý giá, nhất là trong điều kiện chúng ta không có nhiều bác sĩ chuyên khoa bệnh truyền nhiễm và mỗi bệnh nhân lại cần đến 12 bác sĩ, điều dưỡng để chăm sóc. Nếu nhân viên y tế phải chịu cách ly chỉ vì đã tiếp xúc bệnh nhân chưa đảm bảo an toàn là một nghịch lý quá… phi lý - đã thiếu người lại còn mất người. Việc “thắt chặt an ninh y tế" tại bệnh viện có thể gây tốn kém, nhưng là cực kỳ cần thiết, nhất là khi bệnh viện chính là không gian của người bệnh và y bác sĩ: một bên là những con người yếu đuối nhất và bên kia là trụ cột chống đỡ.
Thanh Tân