Giọt nước mắt trên những dòng yêu thương

22/02/2017 - 06:30

PNO - Cuốn nhật ký cha mẹ viết riêng cho con trẻ từ khi mới sinh, lưu giữ kỷ niệm của từng khoảnh khắc, luôn gây xúc động vô kể, góp phần kết nối tình yêu thương.

Trước ngày Hân lên xe hoa về nhà chồng, trong buổi tiệc của họ nhà gái, mọi người đã sụt sịt khóc khi nghe mẹ cô dâu trích đọc những đoạn nhật ký cha mẹ viết cho con, từ ngày Hân mới chào đời, sinh non, phải nuôi trong lồng kính. Lớn hơn một chút, Hân lại mắc chứng hở van tim bẩm sinh. Ròng rã những tháng năm cha mẹ lấy bệnh viện làm nhà, giành giật đứa con bé bỏng từ bàn tay tử thần. Khi Hân 15 tuổi, cha qua đời, một tay nuôi các con, mẹ Hân phải bươn chải, bạc mặt mưu sinh, đưa chị em Hân lần lượt đặt chân vào giảng đường đại học. Cả một phần đời được lần giở từng trang, từng trang một.

Giot nuoc mat tren nhung dong yeu thuong
 

Nước mắt cô dâu, và cô dì chú bác đã lần lượt lăn chảy trong từng bài thơ, từng lời âu yếm của cha mẹ dành cho con gái nay đã trưởng thành. Ôm mẹ trong tay, Hân nghẹn ngào: “Con cảm ơn cha mẹ đã sinh ra con, nuôi dạy con lớn khôn. Đọc lại nhật ký, con mới hình dung được phần nào công lao vất vả trời biển của đấng sinh thành. Cuốn nhật ký là của hồi môn vô giá con được nhận. Mai này có con, vợ chồng con cũng sẽ làm theo cha mẹ - ghi lại từng tháng năm lên trang giấy, lưu giữ cho con trẻ…”.

Cuốn nhật ký cha mẹ viết riêng cho con trẻ từ khi mới sinh, lưu giữ kỷ niệm của từng khoảnh khắc, luôn gây xúc động vô kể, góp phần kết nối tình yêu thương, đồng thời là chất xúc tác giúp con hoàn thiện nhân cách khi trưởng thành. Năm 18 tuổi, khi được cha mẹ cho biết Tú chỉ là con nuôi, anh đã ôm chặt quyển nhật ký vào lòng. Bị giằng xé bởi ý định muốn ra riêng, tự lập và đi tìm lại cha mẹ ruột, Tú xin phép gia đình lên Đà Lạt vài ngày.

Yên lặng lần giở từng trang cha mẹ đã nắn nót ghi lại, từ ngày nhận nuôi con còn đỏ hỏn. Ốm yếu, bệnh vặt liên miên. Cha mẹ chật vật kiếm ăn từng ngày, nhưng quần áo Tú mặc luôn sạch sẽ, tươm tất, ba bữa cơm lúc nào cũng nóng sốt, đủ chất. Soi mình trong gương, cao 1m75, nặng 70kg, Tú biết ơn công dưỡng dục của cha mẹ xiết bao. “Cuộc đời này con chỉ có mình cha mẹ. Con biết ơn cha mẹ rất nhiều. Con sẽ cố gắng học hành, đi làm, báo hiếu cho cha mẹ phần nào”. Ngày quay về thành phố, Tú đã quỳ dưới chân cha mẹ nuôi, bật khóc và tâm sự như vậy.

Chị Đặng Tố Nga đã có lần chia sẻ trên các phương tiện thông tin đại chúng về cách dạy dỗ con của cha mình - cố hiệu trưởng trường Đại học Kiến trúc Hà Nội, rằng cha mẹ chị có thói quen viết nhật ký cho con từ khi con còn nằm trong bụng mẹ. Trong nhật ký, còn dán lại cẩn thận những mẩu giấy, bố mẹ viết khi không ở nhà - không có quyển nhật ký bên cạnh: “Mẹ đang đợi ở bến xe để về với con, nhưng xe mãi chưa đến”, “Còn 15 phút nữa thôi bố hết giờ làm rồi, bố mong quá đến giờ về bế con, dù con có tè cho bố một bãi”… Chị Nga đã vừa đọc vừa khóc. Từ những trang giấy này mà chị có thói quen viết nhật ký cho con.

Thật vậy, cuốn nhật ký có giá trị giáo dục rất lớn. Và giá trị này nằm ngoài động cơ, mục đích của cha mẹ khi viết nhật ký. Khi trưởng thành, đọc lại những cảm xúc, những yêu thương của cha mẹ dành cho mình từ tấm bé, người trẻ sẽ thấm thêm về những điều mà bình thường họ không thể hình dung hết, thấu cảm hết về tấm lòng bậc sinh thành. Những yêu thương này có giá trị hướng thiện gấp trăm ngàn lần một lời khuyên can, một lời giãi bày của cha mẹ ngày họ trưởng thành. Như em Ngọc Thúy, sinh viên Trường Đại học Huflit từng tâm sự, lúc đọc lại cuốn sổ chi tiêu của mẹ thời năm chín mấy, thấy những dòng chữ đã phôi phai: “Bảng con cho út: 1.000 đồng, út ăn sáng: 1.000 đồng”, em thấy xúc động kinh khủng.

Chị Mai Nguyên, công tác trong ngành xuất bản, tại một buổi giao lưu ở Nhà văn hóa Phụ nữ TP.HCM đã kể về những quyển nhật ký tồn tại nối dài trong gia đình. Cha mẹ đã dành cho chị một cuốn nhật ký sống động. Dù nay giấy đã ố vàng, chữ mờ dần, nhưng mỗi khi đọc lại, chị vẫn thấy mình-của-ngày-xưa. Đến khi có con, chị ra nhà sách, mua những cuốn nhật ký bán sẵn. Có chỗ để chị dán lại cuống rún cho bé.

Có trang dành riêng cho ngày chiếc răng sữa đầu tiên nhú mầm. Nhiều trang riêng để cha mẹ dán hình ông bà, cô dì chú bác và cả bạn bè của bé. Rồi nay con chị có con, bà mẹ thời hiện đại đã có hẳn trang facebook riêng dành làm cuốn nhật ký cho bé. Cứ thế, mà từng kỷ niệm được nắn nót lưu lại, để mãi bồi đắp sợi dây tình cảm thiêng liêng: gia đình - tình thâm, rất dễ phôi phai, mai một trong thời hiện đại, khi mọi thứ đều quá nhanh, quá gấp, có nguy cơ cuốn trôi tất cả… 

Khánh Thủy  

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI