Giọt nước mắt màu xanh

23/12/2016 - 06:53

PNO - Lời của vị tướng chạm vào nỗi đau. Họ - như thể trải qua hai cuộc hy sinh. Ngã xuống vì tấc đất quê hương. Nằm lại với đất mà chưa được một lần đưa tiễn.

Ba mươi năm tròn kể từ ngày bà có mặt trong chuyến đi lịch sử ấy, năm 1986, những cán bộ Hội LHPN TP.HCM, thay mặt phụ nữ Sài Gòn - Thành phố mang tên Bác mang theo tình cảm, ý chí chiến đấu của người hậu-phương lên tới mặt trận Vị Xuyên trong những tháng ngày khốc liệt.

Ngày ấy, các chị vượt 2.000 cây số bằng đường xe lửa, lại thêm 500km đường hiểm trở, lầy lội từ Hà Nội lên Hà Giang. Dù đã được báo trước nhưng khi nhìn thấy những phụ nữ Sài Gòn hiện diện ngay tại Sở chỉ huy mặt trận, các tướng lĩnh, chiến sĩ vẫn không khỏi ngỡ ngàng, xúc động, khâm phục. Chưa thôi, các chị còn năn nỉ, khi chúng tôi đi, bà con trong ấy đều nhắn, phải làm sao ra được Vị Xuyên, phải lên tuyến trước, nắm tay các chiến sĩ để truyền đến các anh tình cảm và sức chiến đấu của đồng bào nơi mảnh đất Thành đồng Tổ quốc. Lẽ nào có thể thoái thác.

Giot nuoc mat mau xanh
Những giọt nước mắt đã rơi khi vị tướng kể về những cuộc ra đi không có ngày trở lại (Từ trái sang: Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy, Trung tướng Đặng Quân Thụy và bà Tô Thị Bích Châu - Chủ tịch Hội LHPN TP.HCM)

Tư lệnh lẫn chính ủy đều thu xếp đưa các chị ra tuyến 1, để chị em “chia lửa cùng các chiến sĩ”. Nói là thế nhưng cả một kế hoạch được tính toán, làm sao để bảo toàn tính mạng cho các chị, chỉ cần phía địch bắn pháo sang, ta phải tìm cách dập ngay. Đơn vị pháo binh vào vị trí sẵn sàng chiến đấu. Đội ngũ lái xe, với kinh nghiệm chiến trường, các anh tự vẽ những cung đường vòng vèo, ngoằn ngoèo để tránh bị phát hiện. Cuối cùng, các chị cũng đã có mặt ở cao điểm mặt trận.

Nhìn xuống những ngọn núi trắng, một chiến sĩ giải thích, pháo địch đã san phẳng núi, có ngọn giờ chỉ còn ba mét; vào giao thông hào, chứng kiến cuộc sống nơi lòng đất ẩm ướt, cơ cực, các chị không cầm được nước mắt. Những chiếc khăn quàng vội, những tấm áo khoác nhanh, chỉ mong anh em giữ ấm giữa cái giá rét cắt da. Các chị nắm níu trở về. Những thùng hàng áo ấm, khăn đan sau đó lại ngược từ phương Nam ra Bắc lên tới vùng biên giới…

Bà, ngày ấy là cán bộ Hội LHPN quận 1, nay là vị luật sư thân thuộc của bao người nghèo, khốn khó, Trương Thị Hòa, cứ run run xúc động khi gặp lại Trung tướng Đặng Quân Thụy, Tư lệnh mặt trận Vị Xuyên. Người tiền tuyến đã ngoài 90 tuổi, người hậu phương cũng trên thất thập. Những câu chuyện ký ức không hề vướng bất kỳ một nỗi buồn, chỉ có sự xúc động, niềm tự hào về một thời quả cảm.

Lần trở về này, đường lên Hà Giang cũng quanh co nhưng không còn khúc khuỷu. Xe len giữa cao nguyên đá Đồng Văn, xe leo lên Lũng Cú, nhìn ngược về Nho Quế, dòng sông như sợi chỉ uốn lượn giữa thảm rừng xanh. Đi mãi, rồi cũng tới cửa khẩu Thanh Thủy. Nhưng dò mãi, chờ mãi vẫn không tìm thấy di chỉ mặt trận Vị Xuyên.

Đem thắc mắc ấy hỏi Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy, nguyên Phó tư lệnh, nguyên Tham mưu trưởng Quân khu II, trưởng Ban liên lạc cán bộ chiến sĩ Vị Xuyên, ông ngậm ngùi, có đâu mà tìm, cuộc chiến 2.000 ngày đêm ác liệt, chống chỏi với 50 vạn quân Trung Quốc hòng vẽ lại đường biên giới, 4.000 cán bộ chiến sĩ đã ngã xuống, mà tất cả gần như không để lại dấu tích gì. 1.800 anh em đã được quy tập, còn hơn 2.000 người vẫn nằm đâu đó dọc đường biên giới Hà Giang. Những cuộc ra đi không có ngày về. Những chàng trai cô gái mãi nằm lại với tuổi thanh xuân.

“Thư về với mẹ còn đượm nồng khói đất chiến hào/ Thư về với mẹ, thấm máu đào bạn con vừa hy sinh/ Thư về với mẹ, lời nguyện thề vì đất nước trong lòng/ Thư về với mẹ, non sông sạch bóng thù, con sẽ về mẹ ơi! Mẹ ơi… Con đã hiểu thiêng liêng từng tấc đất/ Hà Giang cuộc chiến giành lại biên cương, con xin vẹn nghĩa tình cùng đồng đội mẹ ơi” (Trương Quý Hải).

Giot nuoc mat mau xanh

Lời của vị tướng chạm vào nỗi đau. Họ - như thể trải qua hai cuộc hy sinh. Ngã xuống vì tấc đất quê hương. Nằm lại với đất mà chưa được một lần đưa tiễn. Chị không kềm nổi. Giọt nước mắt của kẻ sống thời hậu chiến, trong veo nhưng khúc xạ một nỗi dằng dặc. Tôi nhìn xuyên qua, giọt nước mắt phản chiếu cái màu xanh của lá, của rừng chiều biên giới, của đôi quân hàm trên vai áo màu biên cương.

Vị Tư lệnh già cười đôn hậu, ngày 7/5/2016, chúng tôi được phép thành lập Ban liên lạc cán bộ chiến sĩ mặt trận Vị Xuyên, cũng là lần đầu tiên chúng ta khẳng định, từ năm 1979-1989, Trung Quốc đã xâm lược Việt Nam. Chúng ta tôn trọng tình hữu nghị quốc tế nhưng lịch sử không thể bị lãng quên. Lịch sử cất tiếng nói của chính nó. Sẽ có một Khu tưởng niệm các chiến sĩ Vị Xuyên được đầu tư 350 tỷ, dự kiến 27/7/2017 hoàn thành, đồng thời sẽ tiến hành cuộc đại lễ tri ân, cầu siêu các liệt sĩ Vị Xuyên.

Rồi ông ân cần trao cuốn sách viết về Vị Xuyên cho đoàn. Chị thay mặt nhận, cứ lặng người trong xúc động. Không chỉ vì món quà quý giá mà cả sự ấm áp chị chưa một lần được biết đến. Cha chị cũng không trở về sau cuộc chiến. Ông ngã xuống ở mặt trận Tây Ninh, năm 1970, khi chị mới tròn tám tháng tuổi. Vị tướng già - như một người cha, gắn lên áo con tấm huân chương, ông cười bảo, từ giờ, các chị đã trở thành những chiến sĩ Vị Xuyên anh hùng. Tôi chợt thấy cái màu xanh lấp lánh. Ba mươi năm đâu hẳn đã xa…

Cũng là cái màu xanh ấy, nhưng không lạnh mà nóng, cái hơi nóng phả ra từ đá, từ bụi đất, mặc cho những cơn mưa muộn cuối năm rỉ rả chiều biên giới, chúng tôi về Tây Ninh. Bên này là huyện Trảng Bàng, Việt Nam, bên kia là huyện Xvay Riêng - Campuchia, chúng tôi cùng bộ đội của Đồn biên phòng Phước Tân đi trao nhà cho chị Keo Sen, có chồng Việt Nam, gia cảnh nghèo khó.

Căn nhà cũ trống trước dột sau, anh chồng mất sức, nằm nhà, chị Sen ngày ngày vô rừng, tìm cây thuốc Nam về chữa bệnh cho chồng, nuôi ba đứa con nhỏ. Bao nhiêu người phụ nữ ở vùng biên giới này, họ lặng lẽ sinh tồn, lấy cây lấy lá làm nguồn sinh nhai, lúc đau ốm thì gọi cho bộ đội. Lính biên phòng là gạo là muối là trạm xá là nhà của dân. Họ ít khi nói lời biết ơn nhưng hễ dọc đường biên có động, có biến là họ nhắn ngay với bộ đội.

Có chị, từ chiều chập choạng, người của phía bên kia đem cây bồ đề, thốt nốt dựng ngay trước nhà chị, coi như tự dựng lên, tự vu họa rạch vẽ “đường biên”. Chị lẳng lặng không nói gì, đợi đêm xuống, chị ngồi dậy, tự mình nhổ cả gốc lẫn cành, trả lại mặt đất bình yên như vốn có. Chị chỉ nghĩ một điều, đất này có chủ, lẽ nào cắm một cành cây lên đấy là đủ để hô hoán đất ấy thuộc về mình!

Giot nuoc mat mau xanh
Luật sư Trương Thị Hòa (thứ nhất từ phải sang) cùng đoàn Về nguồn của Hội Liên hiệp Phụ nữ TP.HCM bên cột cờ Lũng Cú, nơi địa đầu tổ quốc

Tôi nhớ, tôi biết có rất nhiều nơi trên dải đất chữ S này, việc gìn giữ cột mốc biên cương, đôi khi dựa hẳn vào dân, sáng ra, tối đến, họ lội ruộng vào rừng lên rẫy, phát hiện kẻ gian tìm cách dời cột, có khi họ báo cho lực lượng biên phòng, có khi họ “mình ên” trả lại hiện trạng vốn dĩ. Phải chăng đây là một minh chứng sống động cho biểu tượng văn minh Đông Sơn, với quyền lực thuộc về thủ lĩnh nhân dân, nó hoàn toàn trái ngược với quyền lực đế vương với biểu tượng đỉnh vạc ba chân của quyền lực nhà nước Trung Hoa. Để từ đó, xác lập một hệ hình tư tưởng chủ đạo của người Việt - là chủ nghĩa dân tộc (nationnalisme), khác với chủ nghĩa “bình thiên hạ” (universalisme) Trung Quốc.

Nhớ như in lời Chuẩn đô đốc Lê Kế Lâm đã nói, với một đất nước mà có đến 3.200km đường biên giới biển thì đất nước ấy, chẳng bao giờ được ngủ. Đất nước ấy thức suốt năm canh. Và công cuộc bảo vệ chủ quyền đâu của riêng ai. Ngày chúng tôi leo lên tới cột cờ Lũng Cú, hòa trong ngọn gió Hà Giang là tiếng hát hào hùng, kiêu hãnh: “Đoàn quân Việt Nam đi, sao vàng phấp phới…”.

Ba mươi năm sau ngày phụ nữ Sài Gòn lên tới tuyến 1 của Mặt trận Vị Xuyên, trong số họ, người còn người mất, người mới người cũ nhưng ai nấy đều ấm áp tình hậu phương gửi người tiền tuyến. Những chồng sách báo, những thùng hàng thực phẩm từ phương Nam lại chuyển ra Bắc, lên Hà Giang, Lũng Cú, Vị Xuyên.

Hôm chia tay, nắng ấm tràn trên sườn núi Mã Pí Lèng, bộ đội Đồn biên phòng Lũng Cú trang trọng, ân cần trao cho Đoàn Hội LHPN TP.HCM lá cờ Tổ quốc có kích thước 54m2 , gói trọn trong ấy tình cảm, kết đoàn vạn đại của 54 dân tộc Việt Nam. Màu cờ đỏ, màu lá xanh, màu của Tổ quốc - Biên cương cứ theo chân tôi về lại đô thành, lấp lánh, trong veo…

Lê Huyền Ái Mỹ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI