Ở đó, “có tuổi hai mươi thành sóng nước”, vĩnh viễn nằm lại nơi thẳm xanh từng thấm máu cha ông. Ở đó, nắng gió Trường Sa đã thoắt biến cậu con trai thành phố ham chơi thành anh lính hải quân biết làm mứt dừa tặng mẹ. Ở đó, vẫn còn nguyên những xáo xác, vang động sâu thẳm trong tim bất kể ai “khi tổ quốc cần, mình sẽ đáp lời”... Vẫn là Trường Sa của chói chang và mặn chát, bão tố và bình yên. Nhưng, thêm lần đến mảnh đất như con cá khổng lồ trên biển, nhìn cái cười xóa nắng của anh lính trẻ, lại thấy sao Trường Sa trẻ quá...
|
Cơn gió chiều tốc vào từ hướng biển. Những ngọn dừa bọc quanh nghĩa trang xào xạc, nối không gian của những mộ phần với khuôn viên cây xanh của ngôi chùa ngay bên cạnh. Chiều Nam Yết lặng yên. Dòng người viếng mộ vừa vãn, tiếng thút thít vẫn lẫn vào tiếng gió bấy giờ mới thực rõ là tiếng khóc. Trước một phần mộ của liệt sĩ, chị Hoàng Thị Quỳnh Anh vừa thắp một nén nhang rồi để đôi vai rung lên theo tiếng khóc.
Quỳnh Anh là nữ y sĩ của Viện Y học Hải quân đã từ Hải Phòng vào TP.HCM để theo đoàn ra Trường Sa đợt này. Ở tại nghĩa trang đảo Nam Yết, chị đã “gặp” tuổi hai mươi mà anh trai mình mãi mãi để lại nơi Trường Sa.
Nơi tuổi hai mươi của anh thuộc về
Năm 2002, từ Hải Phòng, Quỳnh Anh tiễn anh trai lên đường làm nhiệm vụ. Anh theo nghiệp hải quân của bố mẹ, làm nhiệm vụ ở Cam Ranh đến cuối năm 2013 thì theo đợt thay quân, ra nhận nhiệm vụ ở điểm A đảo chìm Đá Lớn, quần đảo Trường Sa. Năm “có anh trai là lính đảo Trường Sa”, Quỳnh Anh, 18 tuổi.
|
Trung úy Quỳnh Anh chăm sóc mộ phần của liệt sĩ ở nghĩa trang Nam Yết |
Suốt hai năm anh ở đảo, gia đình thư ra được chừng ba lần. Có khi nhận được lá thư tiếp theo của anh gửi vào thì thư của cả nhà gửi lượt trước vẫn chưa đến được đảo. Niềm vui của chị em Quỳnh Anh lúc đó là những buổi cuối tuần hiếm hoi được “đặc cách” vào phòng thông tin, “gặp” anh qua cuộc nói chuyện chớp nhoáng khi đơn vị của mẹ có điện đàm với đảo.
Từ cuối năm 2003, khi anh ra Trường Sa thì “đặc cách” đó cũng không còn. Toàn bộ hình dung của chị về anh trai thời đó chỉ vỏn vẹn trong lời mẹ kể: “Anh là khẩu đội trưởng, làm nhiệm vụ phát lệnh mỗi lúc cần tập trung quân số, sẵn sàng chiến đấu”, cùng những miêu tả đầy tự hào của các cô chú cùng đơn vị với bố mẹ.
Trưa 25/7/2004, đơn vị của mẹ Quỳnh Anh nhận được thông tin gửi về từ đảo bằng một bức mật tín. Bức mật tín lập tức được giải mã thành một tin báo tử có cái tên Hoàng Đặng Hùng, hy sinh trong một cơn bão vừa quét qua Đá Đông A vào sáng 25/7.
Trong cơn thất thần, hai cô em gái được bố mẹ trấn an rằng “có thể nhầm lẫn trong giải mã” hoặc “trùng tên”. Đến chiều, bức điện tín thứ hai được gửi về, thông tin chi tiết hơn: “liệt sĩ có hai tên: Hoàng Đặng Hùng và Hoàng Thế Anh”. Lúc này, bố mẹ mới nén chặt nước mắt quay sang con, lấy giọng điềm tĩnh, nói: “Anh Thế Anh hy sinh rồi”.
Nghe thông tin cụ thể nhất về anh trai sau hai năm không gặp, Quỳnh Anh sụp xuống khóc. Nguyện vọng “nhìn anh lần cuối”, cả nhà gửi gắm hết cho các chiến sĩ ở đảo Đá Đông và đảo Nam Yết qua cuộc điện đàm ngắn ngủi, khi hay tin anh được đưa về an táng ở đảo nổi Nam Yết ngay trong ngày.
Những người lính đảo giữ lấy toàn bộ câu chuyện ở đảo của liệt sĩ Đặng Hùng, rồi gửi về gia đình bằng mọi kênh thông tin. Vài ngày sau trận bão, đảo trưởng đảo Nam Yết - người đã chỉ đạo buổi đón và an táng liệt sĩ Đặng Hùng đã gọi điện về, kể toàn bộ diễn biến của buổi mai táng với gia đình. Anh còn viết một lá thư, miêu tả cặn kẽ từng công đoạn mà đơn vị đã “chăm lo cho em” để gia đình yên tâm. Lá thư gửi kèm một cuốn phim, quay lại toàn bộ cuộc mai táng từ lúc thi thể được mang từ tàu lên đảo, cho đến lúc an táng, để gia đình “gặp con lần cuối”.
|
Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Thị Quyết Tâm - Trưởng đoàn công tác - thăm và tặng quà cho các công dân nhí ở Trường Sa |
Cuối năm 2004, gia đình Quỳnh Anh nhận được thư từ “Hoàng Đặng Hùng gửi về từ đảo Đá Đông A”. Lúc đó, anh đã hy sinh gần nửa năm. Lá thư cuối cùng đã phải đi một hành trình gần một năm trời để về nhà. Cả nhà không dám mở ra xem. Hơn một năm sau, cô em gái út một mình mở thư, rồi đọc cho cả nhà nghe lời dặn dò của anh.
Nghe đến đoạn “mẹ nhớ nhé! Phải cho các em học đến nơi đến chốn để vào lực lượng vũ trang”, người mẹ bật khóc theo lời trách: “lá thư cuối cùng sao con viết ngắn quá!”. Chừng một năm sau đó, quân tư trang của anh được đồng đội mang về cùng một lá thư mẹ viết từ đất liền. Lá thư được đồng đội anh để trong ba-lô, chưa mở. Thư đến, khi anh đã nằm xuống ở Trường Sa.
Được gặp anh, nhìn anh, đến gần với anh lần cuối trở thành một ước nguyện của cả nhà. Thế nhưng, suốt 14 năm nay, đoạn phim ghi lại hình ảnh cuối cùng của anh được vị đảo trưởng nọ ghi lại vẫn chưa từng được mang rửa. Để năm 2010, ba chị theo đoàn thân nhân ra Trường Sa. Năm 2012, gia đình đưa anh về Hải Phòng. Năm 2013, em gái út của chị - cũng là nữ bộ đội hải quân theo đoàn công tác ra “thăm Trường Sa của anh”.
Và tháng Tư năm nay, chị từ Hải Phòng vào, theo đoàn công tác của TP.HCM ra Trường Sa. Chị nói: “Chỉ có mẹ là chưa được đi Trường Sa, còn lại mấy bố con đều đã được thỏa ý nguyện đến thăm nơi mà tuổi trẻ của anh đã thuộc về”.
“Mẹ được gặp Hiếu của Trường Sa”
Tôi đứng ngay cầu tàu của đảo Nam Yết khi chuyến xuồng của chị Đỗ Thị Tường Minh cập cảng. Trên này, Đào Minh Hiếu mặc bộ quân phục hải quân cùng đồng đội đang đứng đón. Một chiến sĩ thúc hông Hiếu, nói: “Anh nhìn là biết ai là mẹ Hiếu rồi đó!”. Chị Minh cười rạng rỡ rồi luống cuống đứng dậy cùng đoàn người bước lên đảo.
Ở những lần thăm đảo trước đó, tôi hay thấy chị Minh ngồi giữa các chiến sĩ của đảo, rồi vụng về quẹt nước mắt trước khi bật khóc thành tiếng mỗi lần có bạn hỏi: “À, cô là mẹ của Minh Hiếu hả?”.
|
Phút riêng tư của chị Tường Minh và con trai Minh Hiếu ở đảo Nam Yết |
Chiến sĩ nhận ra chị Tường Minh thường là những đồng đội đã cùng huấn luyện với Minh Hiếu ở Cam Ranh. Lúc rời khỏi đảo Đá Thị sau một cuộc trò chuyện đầy nước mắt với lính, chị níu tay tôi, thật thà nói như phân trần: “Thấy lính đảo chững chạc, cứng cáp, chị lại nghĩ hình ảnh của mấy ảnh lúc còn ở trong vòng tay cha mẹ, cũng ngố tàu giống con mình rồi thương, rồi tự hào, mà nước mắt nó cứ chảy”.
Suốt 4 ngày lên đênh trên biển trước khi tới đảo Nam Yết nơi con trai đóng quân, chị Tường Minh đã nổi tiếng khắp đoàn vì sự háo hức, sốt ruột với những câu buột miệng dễ thương của bà mẹ nóng lòng gặp con. Một lần đi ngang phòng, tôi lại thấy chị cầm cuốn Cẩm nang hành trình, tập hát bài Khúc quân ca Trường Sa.
Bị bắt gặp, chị lấy giọng hài hước, chữa thẹn: “Cưng có nhứt trí là chị lên hát tặng đảo Nam Yết bài này không?”. Tôi dạ, nhứt trí. Chị nói, vậy hát nghen! Chỉ riêng cái câu “ngày qua ngày, đêm qua đêm, chúng tôi đứng đây gìn giữ quê hương” thôi đã làm chị xúc động rớt nước mắt hoài, nghĩ cảnh thằng Hiếu với bạn nó ôm súng đứng nhìn thẳng ra biển trời mà giữ đảo.
|
Những dòng chữ truyền đời khẳng định chủ quyền của Việt Nam trên đảo Nam Yết |
Chiều chị đến, Hiếu được đặc cách miễn nhiệm vụ để đón mẹ nên không phải gác. Mọi người ý tứ giữ khoảng cách để tạo không gian riêng của mẹ con chị. Đứa con trai mà trước đó chị kể là “từng mê game, khiến mẹ và bà ngoại lao tâm khổ tứ” cao lớn, gương mặt đen sạm nhưng rạng rỡ, dắt mẹ đến gặp từng anh, từng chú trong đơn vị. Hình ảnh của chị Minh lướt qua sự dõi theo kín đáo của những người biết chuyện chị, rồi sau đó đi khuất vào dãy hành lang phòng ở cùng con trai.
Chiều đó có tin báo bão. Cả đoàn phải rời Nam Yết sau 2 giờ cập cảng. Gặp lại nhau trên tàu, chị hớn hở khoe gói mứt dừa, nói: “Trời ơi, thằng Hiếu nhà chị giờ nó giỏi hơn chị nữa! Nó biết làm mứt dừa em ơi”. Chị lấy mứt ra chia cho mọi người, đôi mắt đỏ au khi nhắc lại lời Hiếu: “Chú Bình ở ngoài đảo hái cho ba trái dừa đặng con làm mứt tặng mẹ đó”.
Rồi cũng bằng cái giọng Nam bộ thiệt như đếm, chị nói: “Mà thằng Hiếu này là thằng Hiếu của Trường Sa, hổng phải thằng Hiếu của chị em ơi. Hiếu nhà chị có đâu chững chạc, giỏi giang dữ vậy! A, mà nó kêu tặng chị hoa ốc biển sao hổng thấy? Chắc ổng quýnh quá quên mất rồi. Chị cũng có kịp hát tặng ổng bài "ngày qua ngày đêm qua đêm" đâu?”.
|
Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.HCM Tô Thị Bích Châu cùng các chiến sĩ trên đảo Song Tử Tây |
Cuộc gặp "chớp nhoáng" thỉnh thoảng vẫn làm người mẹ ngồi ngẩn ngơ. Hai giờ ngắn ngủi trên đảo không đủ để chị kịp hát cho con nghe bài Khúc quân ca Trường Sa có câu “ngày qua ngày đêm qua đêm...” nhưng trước ngày lên đường, chị đã kịp nghỉ làm để sang tận khu Bà Hom, đặt in “hai bộ đồ đá banh có in dòng chữ FC Trường Sa, số 100, ghi tên “Hiếu nè” để chiều ý đứa con trai vừa tròn 20 tuổi.
Lúc tàu về gần đến TP.HCM, điện thoại bắt đầu có sóng 3G, chị cầm chiếc điện thoại lại phía tôi, nói “thằng Hiếu viết facebook hồi trước khi đi hải quân nè em”. Màn hình điện thoại đang mở dòng trạng thái của Hiếu cách đây một năm, viết: “Một khi tổ quốc cần, mình sẽ nghe theo tiếng gọi”. Chị nói: “ra Trường Sa rồi đọc lại con viết mới thấy rùng mình em ơi! Riết chị thấy Trường Sa như quê hương của chị vậy!”.
***
Lúc tàu Kiểm ngư 290 đưa đoàn công tác đến vùng biển gần đảo Gạc Ma để làm lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh, một nhóm người tập trung đứng về phía mạn trái của tàu, giương ống kính máy ảnh, “chụp Gạc Ma”. Gạc Ma màu trắng, có hình thù như một chiếc xe con con ở thật xa giữa nền biển trời buổi hoàng hôn.
Một người đàn ông trung niên thu lại chiếc máy ảnh vừa ghi hình Gạc Ma, nói với những người đứng cạnh: “Tôi nhớ, hồi Gạc Ma bị chiếm là tôi vừa vào đại học. Thông tin hồi đó rất hiếm, mà mấy anh em sinh viên tâm huyết lắm, cứ có chút tin về Gạc Ma là xáo xác hết cả. Ai cũng xót thương biển đảo, bừng bừng ý chí giữ chủ quyền. Hồi đó mà cho đi Trường Sa, chắc anh em bỏ trường lớp hết cả”.
Hồi Trung Quốc ngang nhiên đặt giàn khoan 981 ở biển Đông, tôi cũng là sinh viên, cũng ở trong cái hơi thở phập phồng, xáo xác và bừng bừng ý chí “lên đường” với ước nguyện “nếu được cho ra giữ đảo”... Tuổi thơ, tuổi hai mươi, tuổi trung niên… hay bất kỳ đoạn đời nào của một người Việt, đều có Trường Sa trong máu, trong tim, trong những yêu thương riêng tư và cả những xúc cảm của thế hệ, của dân tộc mình.
Minh Trâm