Giọt lệ... đàn ông: Nạn nhân của định kiến giới

03/10/2022 - 09:55

PNO - “Khóc là cơ chế tự nhiên của con người, một cơ chế mang lại nhiều lợi ích, có khả năng làm giảm stress” - thạc sĩ tâm lý Phạm Đình Khanh - giảng viên Trường đại học Văn Hiến - chia sẻ. Nhưng đàn ông khóc liệu có mất đi vẻ nam tính?

 

Thạc sĩ tâm lý Phạm Đình Khanh - giảng viên Trường đại học Văn Hiến
Thạc sĩ tâm lý Phạm Đình Khanh - giảng viên Trường đại học Văn Hiến

 

Phóng viên: Xin anh chia sẻ một chút thông tin về “giá trị của giọt nước mắt”…

Thạc sĩ Phạm Đình Khanh: Khóc được xem là một trong những cơ chế hữu hiệu tự nhiên của cơ thể để tự xoa dịu tinh thần. Khi bạn khóc, hệ thống thần kinh đối giao cảm sẽ được kích hoạt, giúp cơ thể bạn nghỉ ngơi, được hồi phục, nước mắt sẽ giải phóng hoóc-môn oxytocin và endorphin. Những chất này giúp bạn giảm đau cả về thể chất và tinh thần. Endorphin được coi là liều thuốc giảm đau tự nhiên của cơ thể giúp ngăn chặn cơn đau và giảm cảm giác khó chịu. Oxytocin còn gọi là “hoóc-môn tình yêu” giúp mang lại cảm giác bình tĩnh và hạnh phúc, tâm trạng của bạn có thể được cải thiện sau khi bạn khóc. Bên cạnh đó, nước mắt cũng đồng thời giúp loại bỏ cortisol - một loại hoóc-môn làm gia tăng căng thẳng.

Trong một mức độ nhất định, chính nước mắt giúp bôi trơn nhãn cầu và mí mắt, làm sạch đôi mắt của bạn bằng những giọt nước của chính cơ thể. Ngoài ra, khi bạn khóc nức nở, bạn sẽ hít thở nhanh và nhiều không khí mát mẻ hơn, có thể giúp điều chỉnh và giảm nhiệt độ của não. Một bộ não mát mẻ sẽ tạo cảm giác dễ chịu hơn cho tâm trí và cơ thể của bạn, giúp cải thiện tâm trạng của bạn.

* Từ nhỏ nam giới đã bị định kiến “đàn ông ai lại khóc”, nên nhiều người phải kìm nén. Điều đó ảnh hưởng ra sao đến tinh thần, sức khỏe?

- Trong bối cảnh văn hóa Việt Nam, chúng ta thường được dạy rằng những người dũng cảm thì không được phép khóc, là đàn ông phải học cách kiềm chế cơn giận, nỗi buồn, dù có chuyện gì đi chăng nữa. Một cách tự nhiên, các bé trai học cách giấu kín cảm xúc từ nhỏ vì những định kiến về hình mẫu người đàn ông như vậy. Khi lớn lên, họ thường gặp khó khăn trong việc biểu lộ cảm xúc thật và những cảm xúc khó trong lòng với người khác. Như đã nói, lợi ích của việc khóc là giải tỏa căng thẳng, thì chúng ta lại làm ngược lại, là phải kìm nén nước mắt. Như vậy vô tình bé trai đã được dạy cách tích lũy căng thẳng và “tự hại” bản thân về mặt sức khỏe tinh thần?

Ảnh mang tính minh họa - Pressfoto
Ảnh mang tính minh họa - Pressfoto

 

Từ nhỏ, không chỉ trong gia đình mà cả trường học, tôi thường nghe và thỉnh thoảng cũng bị dán nhãn “yếu đuối” vì đã rơi nước mắt. Và điều đó khiến tôi gặp khó khăn khi bày tỏ những cảm xúc khó chịu ở bản thân, không biết cách giải tỏa những áp lực, căng thẳng một cách tự nhiên. Trưởng thành, tôi cảm thấy điều này không đúng khi những đứa trẻ dù là trai hay gái khi còn rất nhỏ khóc vì buồn đau, ức chế, bực dọc thì vẫn luôn có cha mẹ, người lớn xung quanh đồng cảm, vỗ về và an ủi, nhưng dần lớn lên thì phụ nữ dường như lại “được phép” có sự đồng cảm, sẻ chia từ người khác khi khóc, còn đàn ông thì không!

Có một sự thật mọi người ít nhận ra: Quan điểm “đàn ông phải thế này - phụ nữ phải thế kia” chính là một trong những định kiến giới gây ra bất bình đẳng. Vừa rồi, tôi và các bạn có thực hiện một chiến dịch: “Trao tặng kiến thức - nâng cao nhận thức về bình đẳng giới”. Được đến trực tiếp từng địa bàn, tôi càng thấy rõ hơn trong cách các bạn học sinh, thậm chí là giáo viên, phụ huynh còn nhiều quan điểm chưa đúng về vấn đề bình đẳng, không chỉ là định kiến về nghề nghiệp, trang phục, ứng xử, mà đến những việc nhỏ nhặt như đàn ông không được phép khóc, phụ nữ thì phải lo bếp núc, việc nhà…

Khi nhận thức chưa thay đổi, việc bất bình đẳng giới vẫn chưa được đẩy lùi, đàn ông không được khóc, phụ nữ “phải tỏ ra” yếu đuối, thì sức khỏe tinh thần ở nam và nữ đều chịu ảnh hưởng nghiêm trọng. Mọi người sẽ không được là chính mình, dần dần mất đi sự tự tin, không dám bộc lộ cảm xúc, đè nén dẫn đến áp lực, stress, trầm cảm. 

* Anh có khóc không? 

- Khóc là cơ chế tự nhiên của con người, một cơ chế mang lại rất nhiều lợi ích, có khả năng làm giảm stress và tôi là một con người… rất người. Tôi không khóc trước mặt người khác, nhưng với bạn bè thân, khi ngồi một mình, tôi cho phép mình khóc. 

Đôi khi tôi có nhiều áp lực trong công việc, khó khăn trong các mối quan hệ xã hội, đặc biệt là một số thất bại nào đó đến trong khi bản thân đã rất nỗ lực. Tôi kỳ vọng nhiều ở một kết quả tốt hơn. Trên hết, đó là sự gãy đổ, mất mát trong quan hệ người thân. Trong những trường hợp quá đau buồn, tôi cho phép bản thân khóc để giải tỏa nỗi buồn, giải tỏa sự căng thẳng, giúp nhẹ lòng hơn, để tiếp nhận một liều thuốc tự nhiên của cơ thể.

Thật ra không phải ai cũng khóc được. Có rất nhiều người buồn muốn khóc, nhưng cũng không khóc hoặc vì họ không cho phép họ khóc, hoặc vì từ nhỏ đã sợ bị dán nhãn là không mạnh mẽ, là yếu đuối. Tôi thấy mình may mắn vì không là nạn nhân của những định kiến giới rằng: Đàn ông không được khóc! 

Ảnh mang tính minh họa - Katemangostar
Ảnh mang tính minh họa - Katemangostar

 

* Vậy theo anh, nước mắt có làm cho đàn ông giảm nam tính?

- “Nước mắt làm đàn ông bớt nam tính” là một định kiến giới tạo ra sự bất bình đẳng.

Phải chăng định kiến giới về người đàn ông khóc được xem là bớt “nam tính” hơn cũng như cách chúng ta định kiến về người phụ nữ sẽ bớt “nữ tính” hơn khi không biết nấu ăn, làm việc nhà? Tôi cảm nhận chúng ta thường hô hào giành quyền bình đẳng cho phụ nữ mà quên mất rằng đàn ông cũng bị đè nặng bởi những định kiến, ví dụ về những giọt nước mắt. Họ phải kìm nén quá nhiều để gồng gánh trách nhiệm và nghĩa vụ người đàn ông theo sự kỳ vọng của xã hội. Nếu phụ nữ có thể khóc để giải tỏa cảm xúc, thì đàn ông khóc cũng không sao! Kỳ vọng quá mức từ xã hội dẫn đến việc kìm nén cảm xúc quá mức của những người đàn ông. Lâu dần, ngay cả những lúc hạnh phúc nhất, có thể họ cũng không có cảm xúc để thể hiện. Phải chăng đó mới là điều chúng ta cần nói đến và quan tâm?

Như tôi chia sẻ về lợi ích của nước mắt. Khi chúng ta khóc, bản chất của điều ấy không phải yếu đuối và không khóc chưa hẳn mạnh mẽ. Thực tế, đàn ông rơi nước mắt cũng chỉ là một cách phản ứng tự nhiên của cảm xúc với những vấn đề trong công việc, mối quan hệ, dù đó là khó khăn, đau khổ hay niềm vui sướng, hạnh phúc. 

Tôi có người bạn thân, một ngày khi con trai bạn ấy nằm bệnh viện, bạn ấy đứng nhìn con và rơi nước mắt. Sau này, vợ bạn ấy có chia sẻ rằng - đó là lần đầu tiên cô ấy thấy chồng mình nam tính, sâu sắc, rất tình cảm và đầy trách nhiệm. 

* Cảm ơn anh. 

Lưu Đình Long (thực hiện)

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI