Giọng hát Việt nhí: Khi trẻ em bị cuốn vào trò chơi người lớn

29/07/2013 - 12:11

PNO - PN - Tuy mang tên là Giọng hát Việt nhí (The Voice Kids - GHVN) - chương trình dành cho trẻ em, nhưng với những gì đã và đang diễn ra ở sân chơi này, có thể thấy, trẻ em đang phải tham gia cuộc chơi của người lớn với những toan tính của...

Ngay từ khi chương trình vừa khởi động, đã có nhiều ý kiến lo âu về khung giờ phát sóng - sau 21g đến tận nửa đêm - thời điểm mà những đứa trẻ phải đi ngủ để đảm bảo sức khỏe. Nhưng, những âu lo ấy không phải điều nhà tổ chức quan tâm, bởi đó là khung giờ vàng mà họ đã phải vất vả mới giành được, lẽ nào chỉ vì sức khỏe của vài đứa trẻ mà tranh khung giờ khác, bỏ mất cả đống… vàng!

Vòng giấu mặt kết thúc, người ta được chứng kiến những phần biểu diễn đầy ấn tượng của các giọng ca nhí, những thủ thuật “dụ con nít” của các huấn luyện viên (HLV) nhằm kéo thí sinh về đội mình, thậm chí bằng những phương cách không liên quan gì đến nghệ thuật như khen đẹp khen xinh, nũng nịu dỗi hờn trong vai nạn nhân. Tất cả đều ổn, bởi đó là vòng ghi hình phát sóng lại và những gì khán giả được xem trên sóng truyền hình đều đã được các chuyên gia “tút” lại cho long lanh. Nếu có điều không ổn thì đó chính là việc khán giả đã nhanh chóng nhận ra việc trẻ em phải hát bài người lớn. Đội ngũ biên tập, giám đốc âm nhạc GHVN ở đâu mà như thế? Cuộc vận động sáng tác ca khúc mới dành cho thiếu nhi mà Ban tổ chức thông báo rầm rộ trước đó là để tìm kiếm tác phẩm hay chỉ là phần thông báo “tặng kèm” để làm truyền thông? Những câu hỏi không có lời giải đáp!

Xuyên suốt vòng đối đầu, người ta đã có dịp chứng kiến cảnh HLV bỏ rơi các giọng hát tốt hơn để chọn những thí sinh thể hiện đúng “ý đồ” của mình. Nếu có em nào đó đặt câu hỏi: “Sao con hát hay hơn mà không được chọn?”, e rằng cả nhà tổ chức lẫn HLV sẽ khó lòng giải đáp cho thỏa đáng. May cho họ, họ không phải trả lời hoặc cho rằng, mình không cần phải có trách nhiệm trả lời. Liệu có là thảm họa tương lai không khi trẻ em, sau vòng đối đầu, nhận ra rằng, để thành công mình cần phục vụ “ý đồ” của người lớn? Một lần nữa, vòng thi ghi hình, phát sóng lại cứu nhà tổ chức trong việc câu kéo rating và cảm xúc khán giả. Sau đêm thi cuối, những ai chưa chán ngán GHVN đến mức không còn muốn bật TV đã có dịp rưng rưng xúc động với Liên khúc ba miền. Những ca khúc dân tộc được các em hát lên như lẽ tự nhiên lại bỗng chốc trở thành của hiếm, đến mức người lớn phải xúc động. Nên vui hay nên buồn?

Giong hat Viet nhi: Khi tre em bi cuon vao tro choi nguoi lon

Nguyễn Quang Anh đang "phiêu" với Chiếc khăn Piêu - Ảnh: Lập Đông

Đêm live show thứ nhất, đội ngũ chuyên gia dàn dựng, cắt cúp rời cuộc chơi theo đúng format chương trình. Và, tương tự như ở phiên bản người lớn, những gì tệ hại đã hiển hiện. Nếu nghiêm túc đánh giá, hầu hết các giọng ca nhí trong tối 27/7 đều không đạt. Em thì quên lời, em thì phô, em khác chọn sai ca khúc đến mức lạc giọng khi thể hiện... Chương trình phát sóng vào đúng ngày kỷ niệm thương binh liệt sĩ 27/7 nên chất “nhớ ơn” được người lớn nhào nặn khá… phô! Tạo “đường dẫn” cho thí sinh Nguyễn Cao Khánh trình diễn ca khúc Vết chân tròn trên cát - một ca khúc vượt quá sức cảm thụ lẫn trình diễn của thí sinh dưới 15 tuổi - bằng clip “món quà” của mẹ gửi tặng Khánh là… chiếc khăn rằn của ông ngoại được cất giữ trong cái hộp sơn son thếp vàng hoặc một dàn chiến sĩ “lót nền” cho cậu bé. Những khung hình truyền hình thực tế đầy chất… kịch, sượng, gượng và thô thiển. Hoặc “trình độ” ăn nói của HLV Hiền Thục đã “trực tiếp” lộ diện sau tiết mục Giấc mơ trưa của Trần Ngọc Duy, cô khiến khán giả, HLV Lưu Hương Giang (nữ HLV này cũng không khá hơn là mấy!) và nhất là HLV Thanh Bùi… đứng hình bởi lối nhận xét mang hơi hướm “hàng chợ” của mình!

Tất cả đều không phải là lỗi của các em. Chẳng ai bắt thiếu nhi phải là thần đồng trừ khi đó là điều nằm trong toan tính của người lớn. Đến đây thì người ta buộc phải hỏi lại một câu hỏi cũ: Các HLV có thực sự đủ năng lực đánh giá thí sinh không hay chỉ đang cố diễn cho xong vai được giao theo hợp đồng với nhà tổ chức? Với những phần thể hiện nhiều sai sót ấy, các em đã nhận một cơn mưa lời khen từ những người mang trọng trách chỉ dẫn các em biết đúng vị trí và năng lực để rèn luyện, phát triển. Có quá lời không nếu bảo các HLV đang phỉ báng cả thí sinh, khán giả lẫn khả năng cảm thụ âm nhạc, danh tiếng của chính mình khi cho rằng các em là những tiếng hát “vĩ đại”, “xuất sắc”, “số một”, “tuyệt vời” đến mức những nghệ sĩ gấp 20 lần tuổi chưa chắc làm được?

Đã đến vòng thi thứ ba. GHVN đã chứng minh đây là chương trình của người lớn, do người lớn, vì người lớn và những thiên thần xinh xắn trong vai thí sinh kia chỉ là những con rối giúp họ kiếm tiền. Liệu mai đây, khi cuộc thi kết thúc, sân khấu ca nhạc sẽ có những bé Châu, những HKTM mới được xưng tụng thần đồng ca nhạc bằng cách hát những bài người lớn, nhảy nhót quay cuồng ở các tụ điểm, quán bar? Kêu gọi một sự quan tâm với tình yêu thương dành cho các em từ người lớn lúc này có là quá muộn?

 PHẠM THÀNH NHÂN

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI