Vợ chồng tôi đều là kẻ ngoại đạo với bếp núc, nhất là “bếp bánh”. Việc gồng gánh căn bếp suốt mùa phong tỏa khiến cả hai sắp “thoi thóp” muốn đình công.
Nhưng khi tấm lịch hiện ra những ngày đầu tiên của tháng Tám âm lịch, chồng tôi quả quyết: “Sắp Trung thu rồi, không thể để “con Vy” nó lấy luôn quyền ăn bánh Trung thu của mình được!”.
Thế là vợ chồng “đốt lửa”, truyền tâm huyết cho nhau làm bánh Trung thu. Nhìn mớ nguyên liệu và công thức được chia sẻ trên mạng, lắm lúc tôi cũng… nhụt chí. Tôi hỏi: “Có chắc là mình làm được không anh?”.
Chồng tôi, lẳng lặng đi lục trong nhà kho ra một chiếc lồng đèn cũ. Đó là chiếc lồng đèn dỏm chạy bằng pin - chiến lợi phẩm trong lần ăn Trung thu đầu đời của con gái.
|
Bánh này có con gái góp khuôn |
Ngày này năm ngoái, mẹ tôi cuống quýt bồng đứa cháu mới tròn 12 tháng tuổi đi dự Trung thu do chung cư tổ chức. Lúc ấy tôi ngại COVID-19, sợ chỗ đông người nên chần chừ. Mẹ tôi quả quyết: “Hồi nhỏ đứa nào trốn mẹ chạy theo coi múa lân, mà giờ giữ rịt con trong nhà?”. Tôi nghe phép đối sánh đó thì sợ quá, bèn đeo khẩu trang cho con gái rồi cùng mẹ đưa con xuống sân.
Bây giờ, chồng tôi đem cái lồng đèn năm trước ra thay pin. Cái lồng đèn hát to: “Chiếc đèn ông sao năm cánh tươi màu…”. Tôi nghe như một lời giục giã, bèn quả quyết với chồng: “Ô kê, làm bánh nhé! Phải thành công nhé!”.
Dịch bệnh thế này, gia đình không có gì nhiều ngoài… thời gian. Chúng tôi vừa làm vừa suy tính, cẩn thận tuân thủ công thức tối đa trong điều kiện nghèo nàn về nguyên liệu và… tay nghề. Sau khi nhồi bột để làm vỏ bánh, ngâm đậu xanh, đậu đỏ để làm nhân bánh, chồng tôi phát hiện: “Ơ, chưa có cái khuôn!”. Chết dở, nhà tôi… ba đời không làm bánh, giờ có lục tung nhà cũng không tìm nổi cái khuôn bánh. Trong lúc bế tắc, chồng tôi hiến kế: “Mình lấy cái chén làm khuôn cũng được!”.
Bánh Trung thu hình chén? Chỉ hình dung tới thôi đã… mất hết cảm hứng. Tôi ậm ờ rồi ngoan ngoãn đãi vỏ đậu xanh, luộc đậu đỏ, nhưng não bộ thì không ngừng suy tính. Đến khi đậu xanh và đậu đỏ mềm, đủ chuẩn để cán mịn ra làm nhân, thì đầu óc tôi sáng bừng lên: “À, sao không lấy mấy đồ chơi của con gái làm khuôn bánh!”.
Giỏ đồ chơi của con gái được lục tung lên để kiếm mấy món có hình thù nhưng rỗng ruột. Tôi xếp ra hai món đồ chơi có thể trưng dụng làm khuôn, đứa con gái hai tuổi nhanh nhảu lục tìm và lẹ làng lấy ra thêm bốn món tương tự.
|
Giống bánh Trung Thu quá ha |
Lúc này tôi mới nhận ra, những món đồ có hình thù con vật và rỗng bên trong đều nằm trong một bộ đồ chơi tạo hình với cát. Tôi soi kỹ từng món rồi chọn ra hai món có thể làm khuôn bánh chuẩn chỉnh. Tôi xoa đầu con gái: “Mẻ bánh này có con gái góp khuôn đó nha!”. Con xoắn xuýt, cười tít.
Hai loại bánh mà chúng tôi sẽ làm đó là bánh Trung thu nhân đậu xanh trứng muối, và bánh Trung thu nhân đậu đỏ. Chồng tôi phụ trách phần vỏ bánh và tạo hình, tôi chỉ tập trung làm nhân bánh. Trong lúc tôi xay đậu cho mềm mịn và xoay xở với các thể loại “tỷ lệ đường và đậu”, thì anh “sấp mặt” với hàng chục clip dạy làm vỏ và bắt bánh.
Quả thật, ngoài những người dạy làm bánh dễ hiểu thì cũng có những cao thủ chuyên “dọa nạt” những kẻ mon men yêu bếp. Họ càng dạy, chúng tôi càng thấy… khó. Thỉnh thoảng, thấy các thầy giáo online tỏ ra nguy hiểm quá, chồng tôi lại bảo: “Mình chơi dại thật rồi!”.
Sau gần một ngày vật vã với YouTube, trang mạng và thực tế đầy sơ sài của cả nguyên liệu, tay nghề lẫn dụng cụ làm bánh, mẻ bánh Trung thu đầu tiên cũng ra lò.
Lúc mở lò nướng, tôi gào lên: “Nó đây rồi!”. Mấy chiếc bánh con cá chép, cá ngựa, và cả bánh hình chữ nhật đã chín vàng và thơm phức.
Chồng tôi hớn hở khen một câu đầy tính chia rẽ: “Nhìn… giống bánh Trung thu quá ha!”. Tôi mặc kệ, hí hửng xếp bánh ra bàn. Con gái thấy “con cá đồ chơi” hiện ra trong chiếc bánh nóng hổi thì lại cười tít, vừa cười vừa chạy vòng quanh bày tỏ sự phấn khích.
|
Thành phẩm |
Lúc này, chồng tôi lại… tỏ ra hiểu biết: “Bánh Trung thu làm xong phải để hai, ba ngày cho bánh lại đường, vỏ bánh mềm lại, và dầu tiết ra làm óng ánh bề mặt vỏ bánh. Em có nhớ mấy cái bánh Trung thu mọi khi mình ăn nó hơi óng ánh bề mặt không?”.
Tôi hơi cụt hứng: “Phải hai, ba ngày mới ăn được á?”. Anh gật. Cái gật đầu của người đã xem 7749 clip làm bánh nhìn thật chắc chắn! Tôi không ngăn được một cái nhếch mép: “Có cần thiết không?”. Anh phá lên cười: “Thôi kệ, mình ăn luôn đi!”.
Đĩa bánh Trung thu được bày ra, cả nhà quây quần khi trời sập tối. Đây là mùa Trung thu đầu tiên của cả gia đình. Đây cũng là lần đầu tôi được ăn “bánh Trung thu nóng”, là mẻ bánh được làm bằng sự… bất chấp các quy tắc, bất chấp sự thiếu thốn - chỉ tuân thủ duy nhất ước muốn: được ăn bánh Trung thu đúng dịp.
Cuối cùng thì “bếp lười” cũng vượt qua thử thách. Và những chiếc bánh chẳng giống ai, chẳng theo một chuẩn nào đã làm ra những khoảnh khắc vô giá, giữ được nhịp điệu Trung thu trong tuổi thơ con gái tôi…
Trà Lý