Giống bạn để làm gì?

11/10/2018 - 12:00

PNO - Việc làm cho giống nhau mọi thứ bề ngoài của trẻ không khó, nhưng cái ta mong chờ là những phẩm chất và cá tính ở từng đứa trẻ được bộc lộ.

Người ta vẫn than phiền, bọn trẻ bây giờ cứ rập khuôn nhau, kiểu như “nhà em có nuôi một ông nội” trong các bài tập làm văn. Nhưng xin đừng trách bọn trẻ khi mà ngay từ vỡ lòng các em đã phải chịu cảnh “đồng phục”.

Giong ban de lam gi?
Đồng phục không chỉ ở bộ quần áo mà ngày nay nhiều trường còn bắt học sinh "đồng phục" ở  cả bìa bao tập sách, giấy nhãn, thậm chí cả ba lô, giầy dép...

Năm nay, hai đứa con sinh đôi của tôi vào lớp Một. Trước ngày nhập học, mẹ con hào hứng dắt nhau đi mua giấy bao tập. Tôi khuyến khích hai con lựa màu giấy bao. Cặm cụi hồi lâu, chúng cũng chọn được mẫu giấy yêu thích. Nhưng ngày nhập học, cô giáo phát cho mỗi phụ huynh một danh sách, cứ thế ra nhà sách mua sách, tập, bìa bao, phấn, bảng, viết, nhãn. 

Tối hôm đó, tôi thông báo với hai con sẽ bao tập toán màu xanh, tập tiếng Việt màu hồng, tập tiếng Anh màu vàng, còn sách sẽ bao bằng giấy bóng kính chứ không bao giấy in hoa và in hình siêu nhân như các con đã chọn. Cô chị tiu nghỉu: “Tại sao con không được bao giấy hoa vậy mẹ?”. Tôi nói: “Vì bao thế này cho giống các bạn”. Con lại hỏi: “Giống các bạn để làm gì vậy mẹ?”. Tôi ngớ người.

Đến phần dán nhãn, dù cô giáo dặn dán nhãn góc trên cùng bên phải, nhưng dán lên góc đó sẽ chồng lên tên sách nên tôi dán ở góc trái hoặc ở giữa tùy từng quyển. Sau khi đi học về, con lại tiu nghỉu: “Cô nói phải dán nhãn ở góc bên phải, không được dán nhãn chỗ khác”. Tôi chỉ biết thở dài và dán nhãn lại theo chỉ dẫn của cô giáo. 

Tôi nghĩ, tại sao chúng ta cứ bắt trẻ phải rập khuôn? Tại sao chúng không được tự do chọn mẫu giấy bao theo sở thích để sáng tạo, khác biệt? Thấy tôi bức xúc, nhiều phụ huynh khác cho biết: nhiều trường cấp II, III còn bắt học sinh đồng phục cả giày, vớ, ba-lô. Tôi lăn tăn mãi với điều này: từ sự chấp nhận đầu tiên, rồi những thỏa hiệp kế tiếp sẽ hình thành nếp nghĩ của một đứa trẻ, thế hệ trẻ là không phải tư duy gì cả mà chỉ cần làm theo ý chí của người khác. Quả là tệ hại!

Cũng có thể nhà trường muốn tạo sự đồng bộ để trẻ không so bì, mặc cảm nhưng lại thấy không cần phải như thế, bởi đồng bộ mọi thứ chưa bao giờ là cách để chạm đến công bằng. Còn muốn cho trẻ không so bì, hay cảm thấy bất công, thì thầy cô hãy cho các con thấy điều này trong cách giảng dạy, yêu thương, trong cách trao cơ hội.

Việc làm cho giống nhau mọi thứ bề ngoài của trẻ không khó, nhưng cái ta mong chờ là những phẩm chất và cá tính ở từng đứa trẻ được bộc lộ.

Cũng có thể sự đồng bộ thuận tiện cho việc quản lý của giáo viên, để tạo nền nếp nhất quán. Nhưng, nền nếp phải đến từ nhận thức được giáo dục bởi gia đình và nhà trường, chứ nào phải sự tuân thủ răm rắp, trăm em như một. Cho nên, phụ huynh và thầy cô hãy trả lời câu hỏi của con trẻ: “Giống bạn để làm gì?”. 

Khánh Phương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI