edf40wrjww2tblPage:Content
Miếng bông phấn làm hỏng mắt vĩnh viễn
Chuẩn bị giờ ngủ trưa tại trường, M.Đ., một học sinh (HS) lớp 3 Trường tiểu học T.Q.T. (Q.Tân Bình) bị bạn học cùng lớp tên H.L. lấy giẻ lau bảng ném thẳng vào mặt. Bụi phấn dính vào mắt khiến mắt Đ. bị đau, viêm sưng đỏ. Gia đình đưa Đ. đi khám và điều trị nhiều tháng nay nhưng mắt Đ. vẫn chưa khỏi. Vào lớp, tròng mắt lúc nào cũng đỏ, ướt, học một lúc lâu, mắt Đ. bị mỏi, đau đến chảy nước mắt. Giáo viên (GV) phải biết ý không để Đ. viết bài hoặc học liên tục.
Cứ vài tuần, Đ. phải xin nghỉ học vài tiết để đi khám chữa mắt. Bác sĩ cho biết mắt Đ. khó có khả năng hồi phục. Dù cha mẹ H.L. đã xin lỗi gia đình M.Đ., gia đình Đ. cũng không làm lớn chuyện nhưng đôi mắt Đ. phải chịu tổn thương vĩnh viễn. Câu chuyện này được giáo viên chủ nhiệm (GVCN) chia sẻ trong cuộc họp phụ huynh (PH) mới đây khiến nhiều PH sững sờ. GVCN cho biết, cô công bố thông tin đau lòng này và kêu gọi gia đình hãy cùng nhà trường dạy dỗ con cái để các cháu không “nghịch ác” với bạn.
Hai bạn trai mượn nhau con dao rọc giấy và ném qua hai dãy bàn, con dao vô tình bay xoẹt qua tai một cô bạn gái. Kết quả, bạn gái bị dao cắt mất một mảnh vành tai, máu chảy ướt cả quần áo, GV phải đưa em đi bệnh viện cấp cứu để vá tai. |
Sau buổi họp, một PH trong lớp chia sẻ: “Dù cô chủ nhiệm nổi tiếng nghiêm khắc, thường xuyên uốn nắn, căn dặn các bé chơi đùa cẩn thận, không được đánh bạn, nhưng không tránh khỏi tai nạn. Con tôi từng bị bạn cùng lớp ngáng chân, té mạnh đến mức giập môi, mẻ răng cửa. Đây là răng vĩnh viễn không thể thay nên tôi rất xót. Lần khác, khi chờ cha mẹ đón ở cổng trường, con tôi bị hai bạn đánh nhau đẩy té vào xe gắn máy của PH khác, tay bị chảy máu, không thể cầm bút suốt hai ngày”.
Chị Hương (Q.Phú Nhuận) kể, con trai chị học mầm non tại Trường MN S.C. 11 cũng bị tai nạn trong trường. “Cô giáo gọi điện báo con tôi chơi cầu tuột bị té. Tôi tức tốc chạy vào đưa con đi bệnh viện khám thì được cho biết cháu bị gãy tay. Về nhà, cháu kể với tôi là bị bạn xô té khi đang chơi. Do cô thông báo là con tôi chơi cầu tuột tự té nên gia đình tự giải quyết sự cố đó mà không có bất kỳ lời xin lỗi nào từ PH của bé đẩy con tôi”.
Một HS cấp II tại Q.Tân Phú kể chuyện hy hữu ở lớp học: Hai bạn trai mượn nhau con dao rọc giấy và ném qua hai dãy bàn, con dao vô tình bay xoẹt qua tai một cô bạn gái. Kết quả, bạn gái bị dao cắt mất một mảnh vành tai, máu chảy đầm đìa, GV phải đưa em đi bệnh viện cấp cứu để vá tai.
GV nhiều trường cho biết việc trẻ đùa giỡn gây tai nạn, thương tích cho bạn học là chuyện thường xuyên xảy ra, hầu như trường nào cũng có, bởi lứa tuổi mầm non - tiểu học chưa đủ nhận thức đầy đủ về sự an toàn nhưng lại vô cùng hiếu động, nghịch phá. Những món đồ chơi dễ gây tai nạn như phi tiêu, kiếm nhựa, bi… lại được bày bán nhan nhản ở nhiều căng tin trường học và các hàng quán quanh cổng trường. Những trò chơi yêu thích của HS như bắn bi, tạt lon, ném phi tiêu vô tình gây thương tích cho bạn học.
Bà H.T.P.Y., nhân viên y tế một trường tiểu học ở Q.11 kể: “Mới giữa cuối tháng Ba, tôi phải đưa một vài HS đi bệnh viện vì bị thương trong giờ ra chơi. Một HS lớp 4 chơi đá cầu với bạn, xảy ra xích mích, bị bạn học ném cầu vào tay, không ngờ dây kẽm trong trái cầu bung ra đâm vào ngón tay khiến em này bị thương phải đi bệnh viện lấy ra. Một HS lớp 2/4 bị bạn xô té dẫn đến chấn thương; có em bị gãy tay phải đi cấp cứu. Chuyện ném phi tiêu, chơi kiếm xô bạn té dẫn đến trầy xước thì xảy ra thường xuyên”.
Tăng cường kỹ năng cho học sinh
Nói về tai nạn trong trường học, ông Nguyễn Thành Nhân, cố vấn cấp cao Trung tâm Đào tạo tài năng trẻ châu Á Thái Bình Dương cho rằng lứa tuổi từ tiểu học - THCS rất hiếu động, nhưng các em lại không biết cách phòng tránh tai nạn và tránh gây tai nạn thương tích cho người khác. Các em thiếu kỹ năng khi chơi đùa nên tai nạn trường học xảy ra nhan nhản, để lại hậu quả từ nhẹ thì trầy xước đến nặng là thương tật vĩnh viễn.
Cô P.K.P., Phó hiệu trưởng một trường tiểu học ở Q.Gò Vấp nói: “HS đùa giỡn bất cẩn làm bạn té trầy xước là khó tránh khỏi nhưng nhà trường phải cấm bán những đồ chơi nguy hiểm trong căng tin trường và vận động PH không mua cho con chơi để tránh gây thương tích cho bạn học. Quan trọng nhất vẫn là giáo dục cho HS tự biết cách chơi đùa cho an toàn, đúng cách”.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, tại trường tiểu học Kim Đồng (Q.Gò Vấp), những tiết đầu tuần sinh hoạt, chủ nhiệm đều dành thời gian để GV tổng phụ trách, nhân viên y tế hướng dẫn cách phòng tránh tai nạn cho HS.
Không chỉ GVCN mà cả GV bộ môn, bảo mẫu đều phải có trách nhiệm nhắc nhở khi thấy HS chơi mạnh tay, thiếu an toàn, nói chuyện không ngoan, cư xử không đúng. Ban đại diện cha mẹ HS trực tiếp phối hợp cùng Trung tâm kỹ năng sống Điểm tựa để dạy kỹ năng cho các em mỗi tuần một tiết, dạy các em biết quan tâm giúp đỡ bạn học…
Nhiều trường tiểu học nằm trong địa bàn dân cư lao động nên phải tự thân vận động, chủ yếu sử dụng phương pháp “cây nhà lá vườn” để uốn nắn HS. Như trường tiểu học Nguyễn Văn Trỗi (Q.4), GV phải tận dụng những giờ sinh hoạt để dạy cho trẻ những kỹ năng căn bản để phòng ngừa tai nạn; tranh thủ những bài học ở các môn tự nhiên xã hội, đạo đức để lồng ghép những bài học chuyên đề giúp HS biết yêu thương tôn trọng bản thân cũng như thân thể người khác, chơi đùa sao cho an toàn, tránh trò chơi bạo lực dễ gây thương tích…
Theo ông Nhân, cha mẹ phải tập cho trẻ biết cách chơi an toàn, không thô bạo, tránh xa những vật có thể gây thương tích như vật nhọn, sắc bén… Nhà trường cần tăng cường giám sát, bố trí người trực trong giờ chơi, giờ về để nhắc nhở các em. Thay vì cứ chăm chú vào dạy kiến thức, GV nên đan xen dạy thêm những tiết học về kỹ năng sống căn bản cho HS.
Đặc biệt, cha mẹ phải là người chủ động dạy con biết tránh tai nạn, biết yêu thương và không gây tổn hại đến bạn học. Điều tối quan trọng là cách hành xử của người lớn sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến trẻ, người lớn cần ứng xử chừng mực, không bạo lực trước mặt trẻ con thì đã uốn nắn trẻ ngay từ tâm thức.
MỸ HẰNG