Giỏi xoay xở để giúp chị em thoát nghèo bền vững

22/12/2021 - 18:00

PNO - 16 năm trước, chị Bùi Thị Cẩm Vân đã kêu gọi các chị em trong Hội LHPN xã Hưng Long lập “Nhóm tương trợ”, góp vốn xoay vòng giúp nhau làm ăn.

Đầu năm 2020, thấy gia đình chị Phạm Thị Mỹ Linh, ấp 3, xã Hưng Long, H.Bình Chánh, TP.HCM, thiếu trước hụt sau, chị Bùi Thị Cẩm Vân - Chủ tịch Hội LHPN xã Hưng Long - chủ động đến tìm hiểu và giới thiệu chị Linh mượn 20 triệu đồng từ nguồn vốn không lãi của Hội để chị buôn bán áo dài. Chưa hết, chị Vân còn vận dụng các mối quan hệ quen biết của mình giúp chị Linh tìm kiếm khách hàng. Sau một năm, chị Linh đã có lượng khách hàng ổn định, thu nhập hằng tháng hơn 5 triệu đồng.

Do hoàn cảnh khó khăn, ba năm trước, khi đang học lớp 12, do cảnh nhà quá khó khăn nên em Trần Huỳnh My có ý định nghỉ học để làm bánh bán kiếm tiền phụ cha mẹ. Biết chuyện, chị Vân tìm đến nhà động viên và hỗ trợ My vay 5 triệu đồng vốn không lãi suất của Hội để em có vốn giúp cải thiện kinh tế gia đình. Nhưng điều kiện đặt ra là phải tiếp tục đi học. Chị Vân nói, đi học là điều kiện để chị cho My vay vốn. Trong giai đoạn đầu, chị Vân thường lui tới thăm hỏi tiệm bánh của My, giúp em giới thiệu đến bạn bè, hội viên phụ nữ trên địa bàn huyện. Chỉ sau ba năm, việc khởi sự của My đem về thu nhập mỗi tháng khoảng 12 triệu đồng. Hiện nay, My vừa làm bánh vừa học năm cuối ngành sư phạm mầm non.

Chị Bùi Thị Cẩm Vân (bên phải) vận động, trao tặng kinh phí hỗ trợ người dân tại khu cách ly xã Hưng Long, H.Bình Chánh trong những ngày dịch mới bùng phát
Chị Bùi Thị Cẩm Vân (bên phải) vận động, trao tặng kinh phí hỗ trợ người dân tại khu cách ly xã Hưng Long, H.Bình Chánh trong những ngày dịch mới bùng phát

16 năm trước, khi bắt đầu làm công tác Hội, chị Vân đã kêu gọi các chị em trong Hội LHPN xã Hưng Long lập “Nhóm tương trợ”, các thành viên góp vốn 500.000 đồng/tháng xoay vòng và đóng trong một năm. Mục đích của nhóm là để giúp chị em có cơ hội thoát nghèo một cách căn cơ, bền vững. Những trường hợp khó khăn sẽ được xem xét cho nhận vốn trước. Suốt thời gian qua, nhóm đã vận động được 165 chị em tham gia góp vốn, nhờ đó mà hơn 80 chị em có hoàn cảnh khó khăn ở địa phương được tiếp cận nguồn vốn vay không lãi suất để cải thiện kinh tế gia đình. 

Chị Đoàn Thị Thu Thủy - Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp 5, xã Hưng Long - cho biết: “Lúc trước, khi chưa lập nhóm, nhiều chị em khó khăn phải đi vay bên ngoài, mượn 1 triệu tới tháng phải trả 1,2 triệu. Giờ đây, có bảy triệu rưỡi vốn từ nhóm tương trợ, chị em về lên đất trồng đồ hàng bông, chăn nuôi, buôn bán, đời sống nhờ vậy cũng đỡ hơn. Cũng nhờ đó mà chị em tránh được các bẫy tín dụng đen”.

“Nể chị ở chỗ, nhiều năm làm chung công tác Hội, chưa bao giờ mình thấy chị nhận của dân dù chỉ một ngàn đồng hoặc quà cáp từ họ. Có người xách tới con gà gọi là “trả ơn”, chị vẫn không nhận. Có lẽ nhờ đó mà chị được dân tin tưởng bầu làm đại biểu HĐND xã từ năm 2004 cho đến nay với tỷ lệ phiếu bầu cao nhất” - chị Thủy nói thêm về chị Vân.

Chia sẻ về câu chuyện khởi sự buôn bán của mình, chị Phạm Thị Mỹ Linh nói: “Ở đời, giúp lời không ai giúp của, giúp đũa không ai giúp cơm. Nhưng ở đây mình thấy chị Vân giúp “đũa” giúp luôn cả “cơm”. Chị hỗ trợ vốn vay, quan tâm hướng dẫn chị em tham gia các lớp học khởi nghiệp, khởi sự, rồi lại đi chào hàng và kiếm khách hàng giúp chị em…”.

Trong năm 2021, trước ảnh hưởng của dịch COVID-19, những hội viên khởi sự, khởi nghiệp thành công đã ủng hộ Hội LHPN xã 300 phần quà để hỗ trợ người dân khó khăn với kinh phí khoảng 90 triệu đồng. Riêng chị Bùi Thị Cẩm Vân đã dành 30 triệu đồng tiền tích góp để nấu những bữa ăn, mua quà động viên tinh thần lực lượng tuyến đầu chống dịch. Ngoài ra, chị còn vận động nhà hảo tâm ủng hộ 150 triệu đồng để mua hàng trăm phần quà hỗ trợ những hoàn cảnh trong khu phong tỏa, cách ly. Đặc biệt, để có thêm nhiều phần quà hỗ trợ, chị Vân đề xuất thành lập mô hình “biến rác thành tiền”. Theo đó, hằng tháng, vào khung giờ nhất định, các chị em tham gia sẽ thu gom ve chai đem đến điểm tập kết để bán lấy tiền mua nhu yếu phẩm (gạo, mì, sữa, đường, nước mắm, bột ngọt…) tặng lại cho những người có hoàn cảnh khó khăn.

Hơn 20 năm tham gia công tác Hội, chị Vân đã có tám năm liền nhận bằng khen của Trung ương Hội. Nói về những kết quả đạt được, chị cười khì: “Có gì đâu. Gần gũi, hòa đồng và thân thiện với các chị em là “chìa khóa” giúp hoàn thành tốt nhiệm vụ cũng như phong trào Hội các cấp đề ra. Chị em một khi đã thấy được lợi ích thiết thực từ các phong trào tự khắc sẽ tin tưởng và đến với tổ chức Hội nhiều hơn”. 

Phạm Phan

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI