Kết quả khảo sát trên 2.000 sinh viên tham gia cuộc thi Talent Generation 2018 đặt ra câu hỏi: phải chăng giáo dục chưa tạo điều kiện để phát triển các chỉ số về trí tuệ cảm xúc của người Việt trẻ?
Có cần giáo dục cảm xúc?
Không phải hiển nhiên mà giới trẻ ngày nay bị than là vô cảm. Sự vô cảm tràn lan từ cộng đồng ảo tới đời sống thật. Đó là những đứa trẻ như ở thế giới khác, không quan tâm sâu sắc đến những gì diễn ra quanh mình. Nhiều người đổ lỗi cho thời đại công nghiệp và sự thừa mứa các phương tiện giải trí xung quanh các em. Nhưng xét cho cùng, sự hình thành cá tính, nhân cách ở trẻ cũng từ giáo dục mà ra.
Nếu nhìn lại, sẽ thấy rằng từ tuổi tiểu học, trẻ em chỉ được dạy về kiến thức, kỹ năng, chứ không được dạy về cảm xúc và cách thể hiện cảm xúc thế nào. Ngay cả những bài giảng đạo đức về sự vị tha, lòng nhân ái... trong sách cũng khô khan và khó hiểu đối với trẻ.
Như một bài tập về nhà của học sinh lớp Bốn: “Em hãy kể lại câu chuyện về lòng vị tha mà em biết”. Rõ ràng, xung quanh con trẻ có rất nhiều chuyện về lòng vị tha, nhưng cô giáo yêu cầu kể lại hai câu chuyện cổ tích trong sách. Tại sao cô giáo không lấy những ví dụ sinh động trong cuộc sống, hoặc ngay trong lớp học để các em hiểu và tiếp thu nhanh hơn?
|
Giáo dục cảm xúc là nền tảng để các em tự tin và thành công hơn khi trưởng thành |
Hậu quả của việc yếu kém về trí tuệ cảm xúc đã hình thành nên giới trẻ hiện nay dễ suy sụp, gục ngã khi gặp khó khăn, thử thách. Bức tranh u ám này có nhiều lý do, nhưng nguyên nhân lớn nhất là các em không được hướng dẫn về cách biểu lộ cảm xúc và vượt qua cảm xúc tiêu cực một cách đúng đắn.
Trí tuệ cảm xúc vô cùng quan trọng trong giáo dục, vì vậy Đại học Oregon, Mỹ có chương trình Phát triển cảm xúc xã hội (Social Emotional Development - SED), với mục tiêu đào tạo những người giàu trí tuệ cảm xúc, vì họ dễ thành công hơn và còn làm cho cuộc sống của người xung quanh cảm thấy dễ chịu hơn.
Còn theo anh Phạm Hồng Anh, Giám đốc dự án Talent Generation, chỉ số cảm xúc thấp là điều đáng lo vì nó đại diện cho loạt năng lực cần thiết trong môi trường làm việc đa chiều và thử thách như: khả năng giao tiếp, kỹ năng lãnh đạo, khả năng lắng nghe, kỹ năng thương lượng…
Nền tảng của sự tin
Hiện nay, chương trình giáo dục cảm xúc đã có ở nhiều nơi nhưng cách đây hơn 5 năm, khi người sáng lập Tomato Children's Home lần đầu tiên đưa chương trình này từ Mỹ về Việt Nam thường phải trả lời câu hỏi của nhiều người: “Cảm xúc là bản năng của con người, sao lại phải học?”. Trong khi ở các nước phát triển, giáo dục cảm xúc được lồng ghép trong chương trình học từ mẫu giáo lên cấp III.
Có thể thấy, đa số cha mẹ chỉ mới quan tâm đến sức khỏe thể chất và kết quả học tập hơn là quan tâm đến cảm xúc của con. Thực tế, thế giới cảm xúc của trẻ em rất phong phú. Tùy theo từng lứa tuổi, tính cách mà các em có những biểu hiện cảm xúc đơn giản hay phức tạp, nhưng đều có tác động sâu sắc và lâu dài đến việc hình thành tính cách khi trưởng thành.
Cảm xúc tiêu cực như buồn, giận, ấm ức nếu cứ dồn nén trong lòng có thể sẽ bùng nổ thành hành vi nổi loạn ở tuổi thanh thiếu niên. Vì vậy, việc gia đình và nhà trường cùng kết hợp để hướng dẫn trẻ em biết cách làm chủ cảm xúc, uốn nắn những hành vi không phù hợp của bản thân và trong giao tiếp với những người xung quanh là vô cùng quan trọng.
Thậm chí, dạy con trẻ được quyền lên tiếng hoặc phản kháng trong chừng mực khi cảm thấy mình không có lỗi. Những đứa trẻ được giáo dục cảm xúc tốt sẽ sống yêu thương, vị tha, trách nhiệm. Đó cũng là nền tảng để các em tự tin và thành công hơn khi trưởng thành.
Tiến sĩ Lê Nguyên Phương: Dạy con vị tha, con có thua thiệt trong cuộc đời không?
Đó là câu hỏi mà nhiều phụ huynh hay hỏi tôi. Có lẽ, sống trong thời đại của lý trí và khoa học, chúng ta không dễ tin về sức mạnh của lòng vị tha từ truyền thống văn hóa và tôn giáo rao giảng. Nhưng nghiên cứu cho thấy, trong thế giới mà chiến tranh và nỗi đau hiện hữu thì càng có nhiều nghĩa cử tốt đẹp và hành động vị tha giúp vơi nhẹ nỗi đau của con người. Trên thế giới, cứ trung bình 7 người thì có 1 người tham gia chương trình thiện nguyện. Riêng Mỹ, tỷ lệ này là 1 trong 4 người.
Não chúng ta có thể mã hóa để cảm nhận nỗi đau của người khác và chúng ta không cần phải học tập mới biết vị tha. Một nghiên cứu ở Đại học British Columbia cho thấy, trẻ em cảm thấy sung sướng khi trao quà cho người khác hơn là nhận quà.
Nghiên cứu của Viện Nhân chủng tiến hóa Max Planck cho thấy, đồng tử mắt của trẻ mở rộng khi thấy người bị nạn, đồng tử thu nhỏ lại khi chúng có thể giúp đỡ người khác hoặc nhìn thấy người bị nạn được cứu giúp. Và đồng tử mở to là dấu hiệu của lo lắng, căng thẳng, đồng tử thu nhỏ là dấu hiệu của thư giãn.
Chúng ta thường nghĩ cho đi là mất mát và thu nhận mới là niềm vui, nhưng những phát hiện khoa học lại cho kết quả bất ngờ. Khi thực hiện một hành động vị tha, não chúng ta sẽ tiết ra endorphins, năng lượng tích cực này cho ta cảm giác khoan khoái và cuộc sống nhẹ nhàng hơn.
|
Xuân Lộc