Giới trẻ Trung Quốc mạnh tay chi tiền cho thực phẩm "chữa lành"

09/08/2024 - 16:49

PNO - Giới trẻ Trung Quốc ngày càng quan tâm đến sức khỏe, họ đang chuyển sang ngành chăm sóc sức khỏe tự nhiên mỗi khi gặp căng thẳng trong công việc.

Một khách hàng mua trà thảo mộc tại một quán cà phê ở quận Xuhui của Thượng Hải.
Một khách hàng mua trà thảo mộc tại một quán cà phê ở Thượng Hải

Lo lắng về sức khỏe

Sử dụng thực phẩm bổ sung, trà thảo mộc và đăng ký các lớp học về lối sống... là một xu hướng mới mà giới trẻ Trung Quốc đang hướng tới.

Theo các nhà xã hội học Trung Quốc, sở dĩ giới trẻ Trung Quốc chuyển hướng sang ngành công nghiệp chăm sóc sức khỏe là khi áp lực công việc, cuộc sống quá cao, và nhất là ký ức đau thương về đại dịch COVID-19 đã thúc đẩy họ quan tâm ngày càng nhiều đối với sức khỏe.

"Những thói quen mới này là một phần của trào lưu chăm sóc sức khỏe toàn cầu, nhưng khái niệm truyền thống “yangsheng” (có nghĩa là “bồi dưỡng sức sống” đã mang đến cho xu hướng này" - Jason Yu - giám đốc điều hành khu vực Trung Quốc của công ty nghiên cứu người tiêu dùng Kantar Worldpanel - cho biết.

Theo Huang - một thanh niên Trung Quốc ngoài 30 tuổi - ngày nay, nhiều người trẻ đang quay về y học cổ truyền Trung Quốc, hướng đến sử dụng những gì tự nhiên, và nhất là tránh xa các thói quen xấu như ăn thức ăn nhanh, tránh loại thực phẩm được cho là làm cơ thể lạnh, và thường sử dụng các liệu pháp mát-xa có thể chữa được nhiều loại bệnh.

Tận dụng xu hướng này, các công ty dược phẩm lớn của Trung Quốc đã mở các cửa hàng được trang trí rất bắt mắt, chuyên cung cấp những loại thức uống được ca ngợi là bồi bổ sức khỏe như: nước uống dành cho người thức thâu đêm, cà phê latte quả kỷ tử cùng với các thành phần truyền thống như tổ yến và nhân sâm...

Hàng ngàn người có ảnh hưởng trên mạng xã hội Trung Quốc cũng đã đăng tải những bài viết chia sẻ mẹo như làm ấm cơ thể, thanh lọc cơ thể bằng cách kết hợp nước ép gừng vào các bữa ăn hàng ngày, và các bài tập ngón tay được cho là giúp cải thiện lưu thông máu.

Xu hướng “yangsheng” thậm chí còn lan sang cả du lịch, khi giới trẻ không tiếc tiền đổ xô đến các vùng sa mạc để nằm trên cát với niềm tin rằng việc này giúp cơ thể toát mồ hôi lạnh (thể hàn) vốn không tốt cho sức khỏe.

Sẵn sàng móc hầu bao đầu tư sức khỏe

Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang phải vật lộn với tình trạng tiêu dùng chậm chạp trong bối cảnh khủng hoảng bất động sản và tình trạng thất nghiệp dai dẳng của giới trẻ. Nhưng chi tiêu cho sức khỏe và thể chất, đặc biệt là ở thế hệ trẻ vẫn là tiềm năng.

Giám đốc Jason Yu cho biết, việc mua sắm các sản phẩm chăm sóc sức khỏe đang tăng nhiều hơn các danh mục khác, mặc dù nhiều người trẻ tuổi đang thắt chặt hầu bao nói chung.

Giới trẻ Trung Quốc đang chuyển sang ngành chăm sóc sức khỏe khi căng thẳng công việc và ký ức về đại dịch thúc đẩy sự quan tâm ngày càng tăng đối với sức khỏe
Giới trẻ Trung Quốc đang chuyển sang ngành chăm sóc sức khỏe, và họ không ngại chi tiền cho mục đích chăm sóc sức khỏe

Hiện tại, rất nhiều công ty khởi nghiệp Trung Quốc đang bán mọi thứ, từ kẹo dẻo vitamin đến bột men vi sinh, nhằm để cạnh tranh với các thương hiệu nhập khẩu khác.

"Tình trạng nhiều nhân viên tử vong vì làm việc quá sức đã thúc đẩy người tiêu dùng tìm đến "gói phòng ngừa đột tử". Đây là gói thực phẩm kết hợp nhiều loại thực phẩm bổ sung, nhằm chống lại tác động của ngày làm việc quá dài hay ăn thức ăn kém chất lượng" - một nhân viên văn phòng có sức ảnh hưởng trên nền tảng Xiaohongshu cảnh báo.

Tại một trường học ban đêm ở Thượng Hải, bác sĩ y học cổ truyền Trung Quốc Zhang Qinhai cho biết, lớp học của bà luôn quá tải những phụ nữ trẻ.

Trong khi đó, nỗi lo về sức khỏe do đại dịch COVID-19 gây ra vẫn còn ám ảnh dai dẳng với nhiều người. Tommy Qin - chủ quán cà phê trà thảo mộc - cho biết mọi người cảm thấy khả năng miễn dịch của họ đã suy giảm do COVID-19 và họ có thể dễ bị cảm lạnh, sốt hơn. Vì thế, họ thường tìm đến mua những loại thức uống thảo mộc tốt cho sức khỏe.

Trọng Trí (theo AFP)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI