Giới trẻ Trung Quốc đổ xô mua "vòng tay pha lê may mắn"

04/02/2025 - 06:00

PNO - Những chiếc vòng tay pha lê được người bán thuyết phục sẽ mang lại may mắn trên đường tình duyên, công danh sự nghiệp... đang được giới trẻ Trung Quốc săn đón.

Các tinh thể có đặc tính chữa lành và nâng cao triển vọng nghề nghiệp ngày càng trở thành nguồn hy vọng và an ủi trong thời điểm khó khăn  Tết Nguyên đán, có thể nói là ngày lễ lớn nhất hàng năm của Trung Quốc, có thể được coi là thước đo cho nền kinh tế của đất nước. Khi hơn một tỷ người đi du lịch, mua sắm, ăn uống và tặng quà cho gia đình và bạn bè, sở thích và thói quen của họ vẽ nên bức tranh về mức tiêu thụ của quốc gia trong vài tuần lễ hội. Đây là câu chuyện cuối cùng trong loạt bài gồm chín phần .   Khi người Trung Quốc ăn mừng Tết Nguyên đán - thời điểm thấm đẫm truyền thống may mắn và thịnh vượng - pha lê đã thu hút sự chú ý vì lời hứa về năng lượng chữa lành và may mắn. Tuy nhiên, sự hấp dẫn này vượt xa mùa lễ hội, khi pha lê trở thành nguồn hy vọng và an ủi cho nhiều người đang trải qua thời kỳ bất ổn.
Tết Nguyên đán năm nay, vòng tay pha lê đã thu hút sự chú ý của giới trẻ vì được quảng cáo về năng lượng chữa lành và may mắn.

Irene He, mới tốt nghiệp đại học tại Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, cho biết cô chưa bao giờ nghĩ mình sẽ sử dụng vòng tay pha lê trong quá trình tìm việc. "Tôi từng tin rằng số phận là thứ mà bạn phải tự kiểm soát - bạn không thể để nó tùy thuộc vào may rủi", cô nói.

Nhưng, cô đã tìm kiếm việc làm từ tháng 9/2024 đến nay vẫn chưa có việc. Trong đó, có một nơi He chờ kết quả cho công việc mơ ước trong lĩnh vực tiếp thị - một vị trí chỉ có 2 chỗ trống trong số hàng ngàn ứng viên. Trong giai đoạn chờ đợi này, Irene He cảm thấy một chút may mắn sẽ không gây hại gì.

Trong chuyến đi đến Hàng Châu, miền Đông tỉnh Chiết Giang để cầu may tại Đền Linh Ẩn, cô gái 23 tuổi này đã bị thu hút bởi những hạt cườm màu vàng trên chiếc vòng pha lê ở một gian hàng trong chợ. Người bán hàng đã thuyết phục cô rằng phụ kiện này có thể thu hút tiền tài và tăng cơ hội thành công trong sự nghiệp.

Với việc mua sản phẩm này, He đã trở thành một phần trong xu hướng ngày càng tăng của người tiêu dùng Trung Quốc - tìm đến pha lê để mong sự an ủi về tâm lý khi phải đối phó với thách thức kinh tế và thị trường việc làm khó khăn.

Theo số liệu chính thức, tỉ lệ thất nghiệp của thanh niên độ tuổi 16-24 là 15,7% vào tháng 12/2024. Trong khi đó, tỉ lệ thất nghiệp chung ở thành thị của Trung Quốc là 5,1% vào năm 2024.

Chính vì kiếm việc khó khăn nên những người trẻ tuổi vẫn xem có được việc làm là cuộc chiến cam go. Mong muốn có sự chắc chắn hơn và sự thoải mái về tâm lý đã khiến nhiều người chuyển sang tín ngưỡng huyền bí, với các ngôi đền trở thành điểm đến du lịch phổ biến trong giới trẻ. Giờ đây, pha lê cũng trở thành một phần của làn sóng đang phát triển này.

Xu Tianchen - nhà kinh tế cấp cao tại Economist Intelligence Unit - cho biết: "Mọi người thường nhờ đến các thế lực siêu nhiên, như thờ cúng ở đền chùa, và đeo bùa may mắn khi họ gặp khó khăn trong cuộc sống".

Bên canh đó, việc hạn chế về tài chính có thể khiến một số người tiêu dùng cắt giảm mua hàng xa xỉ. "Điều này phù hợp với xu hướng chung về 'những thứ xa xỉ nho nhỏ' mang lại sự thỏa mãn về mặt cảm xúc mà không phải trả giá quá cao" - ông nói thêm.

Xu hướng này cũng thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp pha lê của huyện Đông Hải ở phía Đông tỉnh Giang Tô. Huyện này tự hào có tới 70% trữ lượng pha lê của Trung Quốc và được mệnh danh là "huyện pha lê của Trung Quốc".

Theo truyền thông nhà nước Giang Tô và chính quyền Đông Hải, năm 2024, ngành công nghiệp pha lê của Đông Hải đã tạo ra doanh thu khoảng 46 tỉ nhân dân tệ (6,35 tỉ USD), gần gấp đôi mức được báo cáo vào năm 2020.

An Zhao, 25 tuổi ở Bắc Kinh, đã mua đồ trang sức pha lê trong thời gian học sau đại học tại Hồng Kông vào năm 2023 khi tìm việc làm. Cô chia sẻ: "Lúc đó, tôi rất lo lắng bởi không có nhiều kinh nghiệm thực tập, và thị trường việc làm thực sự khó khăn. Về cơ bản, tôi đã sẵn sàng mua bất cứ thứ gì hứa hẹn sẽ giúp ích cho sự nghiệp của mình".

Cô tình cờ thấy một số cửa hàng pha lê khi đi dạo qua Mong Kok, một trong những khu mua sắm nổi tiếng nhất của Hồng Kông, và nhiều cửa hàng quảng cáo về lợi ích của các loại pha lê. Bị thu hút bởi vẻ sáng lấp lánh và ý nghĩa đầy hy vọng mà chúng mang lại, cô đã ngay lập tức mua những loại được cho là giúp thúc đẩy thành công trong sự nghiệp và sức khỏe, và kể từ đó đã chi gần 1.000 nhân dân tệ.

Trong khi tỉ lệ kết hôn giảm ở giới trẻ Trung Quốc khiến nhiều người từ bỏ câu chuyện về "tình yêu vĩnh cửu" gắn liền với kim cương thì những chiếc vòng tay pha lê hứa hẹn mang đến tình duyên đã được quảng bá. Đồng thời, pha lê, được tiếp thị vì "tính chất chữa bệnh" huyền bí và "sức mạnh tăng cường năng lượng", cùng với nhiều mức giá khác nhau, cũng đang nổi lên như một loại đá mới được ưa chuộng.

"Nhiều vòng tay pha lê có giá từ 100-200 nhân dân tệ và chúng khá đẹp, khiến người ta muốn mua với hy vọng pha lê sẽ giúp chúng ta may mắn trên đường tình duyên, công danh và sự nghiệp", An nói thêm.

Thảo Nguyễn (theo SCMP)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI