Giới trẻ trốn Tết bằng mọi cách

12/02/2016 - 08:42

PNO - Nhiều người mong Tết đến để có dịp đoàn tụ với bạn bè, người thân nhưng với nhiều người thì Tết giống như “cực hình”.

Không ăn được còn phải rửa bát

Nhắc đến Tết Nguyên đán được về quê nghỉ dài ngày, bạn Nguyễn Phương Liên (22 tuổi, ngụ Q. Lê Chân, TP. Hải Phòng) lại cảm thấy ngao ngán khi nghĩ tới viễn cảnh, hàng xóm liên hoan, người thân tất niên, bạn bè họp mặt tổ chức ăn nhậu suốt ngày.

Liên kể, mỗi dịp khu phố tụ tập là lại được phân công dọn dẹp bãi chiến trường. “Mình không ăn được thịt chó nhưng năm nào tất niên cũng nghĩ đến chuyện thịt chó. Không ăn được thì chớ lại còn phải chờ họ ăn xong đến lượt mình rửa bát. Nhiều lúc chỉ muốn trốn tránh nhưng không thể, vì Tết phải về nhà” – Liên chia sẻ.

Rồi lại đến những bữa liên hoan ở gia đình, anh em họ hàng. Đi đến đâu Liên cũng phải cố gắng giữ hình ảnh nên vào bếp phụ mọi người chuẩn bị bữa ăn, rửa bát. Liên bảo: “Tưởng Tết được về nhà thư giãn nhưng ai ngờ còn căng thẳng hơn cả đi làm. Chẳng những không được nghỉ ngơi mà còn phải làm quên cả thời gian”.

Gioi tre tron Tet bang moi cach
Cứ Tết đến, ăn chẳng được bao nhiêu nhưng phải dọn dẹp, rửa bát... ngập đầu.

Nhà Liên phải chuẩn bị cơm cúng gia tiên suốt 4 ngày Tết, cứ 6 giờ sáng Liên đã bị mẹ gọi dậy chuẩn bị cơm cúng. “Ngày Tết có ăn được nhiều đâu, những món đấy ngày bình thường cũng ăn đầy ra rồi nhưng vẫn phải làm để cúng gia tiên.

Cúng xong để đấy, chẳng ai có bụng dạ nào mà ăn nhưng vẫn phải nấu, bày biện ra rồi lại tốn công dọn dẹp. Nhiều khi phải nói dối ốm để không phải đi lại, nhưng khi họ đến tận nhà mình thì cũng không thể tránh được” – Liên bảo.

Hình thức đón Tết chủ yếu của Liên thông qua chiếc điện thoại đời mới. Tranh thủ được thời gian, Liên lại trốn lên phòng, đóng kín cửa để lướt mạng xã hội, trò chuyện với bạn bè hay mở những bản nhạc mình thích rồi chìm vào trong giấc ngủ.

Trốn qua Tết mới về

Tết cũng là nỗi kinh hoàng của Nguyễn Thanh Hiên (quê Kim Sơn, Ninh Bình). Hiên phải đối mặt với những lời gặng hỏi lý do gần tuổi băm mà vẫn chưa tính chuyện chồng con, từ chính người thân yêu nhất trong gia đình.

Đối với Hiên, ế không phải là cái tội. Thế nhưng, chuyện cô muộn xây dựng gia đình lại là nỗi xấu hổ của bố mẹ cô ở quê. Mấy năm trước, suốt 3 ngày Tết, Hiên chỉ cắm mặt ở nhà chẳng dám đi đâu. Chỉ riêng lời cằn nhằn của bố mẹ và khách khứa đến chơi cũng đủ khiến cô gái trẻ stress. Năm nay, Hiên càng lo sợ khi cô em gái (23 tuổi) đã yên bề gia thất, trong khi cô vẫn quay cuồng với chủ nghĩa độc thân. 

Gioi tre tron Tet bang moi cach
Hiện nay, một bộ phận giới trẻ trốn Tết bằng cách đi du lịch.

Hiên dự đoán: “Có lẽ Tết năm nay em cũng đành muối mặt về nhà với bố mẹ, rồi giam mình trong phòng với chiếc điện thoại, máy tính xách tay để nghiền phim chứ chẳng dám đi đâu. Một số bạn bè cùng “hội ế” rủ vào miền Nam du lịch trốn qua Tết mới về nhà, nhưng em còn phải cân nhắc chuyện tiền bạc”.

Nguyễn Văn Thanh (23 tuổi, quê Giao Thủy, Nam Định) cũng “méo mặt” khi nghĩ đến Tết. Thanh là con một, bố mẹ ở quê mở quán karaoke nên dịp lễ Tết là thời điểm vào mùa làm ăn, bận suốt ngày đêm. Mọi năm, Thanh còn là sinh viên, được nghỉ Tết sớm, về nhà phải giúp đỡ bố mẹ mà chẳng có thời gian tụ tập với bạn bè.

“Thời sinh viên, được nghỉ Tết sớm là em phải về nhà làm chân bồi bàn không công cho bố mẹ. Bận suốt ngày chứ không được đi chơi, bạn bè nhiều lúc trách mắng vì không thấy đi họp lớp nhưng cũng đành phải chịu. Nếu có tụ tập cũng không thoải mái, đi chơi một lúc bố mẹ lại gọi về… làm bồi bàn” – Thanh nói.

Để trốn Tết, năm nay Thanh đã lấy lý do ở lại TP. Hà Nội trông nhà cho bác, đến qua hẳn thời điểm mùng 7 – 8 tháng Giêng mới về nhà. Lý giải về quyết định này, Thanh cho biết, bây giờ ra trường nên không còn nhiều người mừng tuổi. Người thân trong gia đình mừng tuổi có 10.000 đồng “gọi là lấy may” khiến Thanh cảm thấy bối rối, không nhận thì giông cả năm mà nhận thì chẳng biết tiêu vào việc gì với số tiền ít ỏi ấy.

“Em ở lại chịu buồn mấy ngày Tết một chút nhưng bác hứa nếu ở lại coi nhà sẽ cho một khoản tiền. Qua Tết em về quê chơi vẫn chưa muộn, lúc đó dân công sở đi làm, sinh viên đi học hết, như thế em mới có thời gian đi chơi và tiêu tiền thoải mái” – Thanh chia sẻ.

Cảnh Sơn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI