Gần đây, trong một bài phỏng vấn trên tạp chí Vogue, ca sĩ người Mỹ Madonna hiện đang sống ở London chia sẻ: “Tôi thấy khái niệm đi làm đúng boong từ chín giờ sáng đến năm giờ chiều đã gắn chặt vào ý thức đa số người Anh. Đi quán bar vào giờ nhất định, và phải có hai ngày nghỉ cuối tuần rất quan trọng với họ”. Ca sĩ tỏ thái độ xem thường với sự quan sát mang tính nhân học dị thường này.
Cũng không có gì đáng ngạc nhiên, ở tuổi đôi mươi, khi Madonna mới bước chân vào làm việc tại các câu lạc bộ New York với đầy tham vọng, cả thế giới đã ngưỡng mộ sức lao động miệt mài của cô. Cô nổi tiếng từ các buổi biểu diễn trực tiếp tốn hao thể lực, sức sáng tạo bền bỉ. Và không phải ngẫu nhiên mà người phụ nữ làm việc chăm chỉ nhất trong ngành giải trí này cũng chính là người nghệ sĩ có sản phẩm bán chạy nhất trong lịch sử.
Theo thống kê của Forbes, Celebrity Net Worth và The Richest, Madonna là ca sĩ giàu nhất thế giới tính tới năm 2019
|
Người đàn bà sáu mươi tuổi sắp ra mắt album số 14 vẫn làm việc từ mười hai đến mười tám tiếng mỗi ngày. Cô là mẹ của sáu đứa con, và người ta trộm nghĩ hẳn sức lao động không ngừng nghỉ đã có sức lan tỏa mạnh mẽ đến những đứa trẻ của cô. Tuy nhiên, cũng theo Madonna, cô con gái lớn Lourdes, dường như không chịu ảnh hưởng mấy.
Cô ca sĩ nói trong nuối tiếc: “Lourdes cực kỳ có tài, tôi rất ghen tỵ với con bé, bởi nó làm gì cũng giỏi ngoài sức tưởng tượng - vũ công xuất sắc, diễn viên tài năng, chơi đàn piano rất hay, nó giỏi hơn tôi nhiều. Nhưng nó lại không có chí hướng như tôi”. Madonna cho rằng, mạng xã hội đã làm cho Lourdes có tư tưởng cô bé sẽ có tất cả vì mình là con gái của Madonna.
Cuộc đời nghệ thuật của Madonna có thể đã gây nhiều tranh cãi, nhưng sự thất vọng của cô về thái độ làm việc của cô con gái hai mươi hai tuổi đã có sự đồng thanh tương ứng với các bậc cha mẹ có con cái cùng độ tuổi, và các nhà tuyển dụng có nhân viên thuộc thế hệ thiên niên kỷ.
Cùng thời điểm Madonna chia sẻ quan điểm trên, nhà văn có sách bán chạy nhất Danielle Steel - tác giả của 179 cuốn sách, mẹ của chín người con và vẫn cho ra đời 7 cuốn sách mỗi năm - cũng phát biểu trên một bài phỏng vấn của tạp chí Glamour, bà ngạc nhiên khi con trai ở độ tuổi hai mươi của mình từ chối làm việc thêm giờ trong một văn phòng có trò chơi điện tử, thức ăn và đồ uống miễn phí để làm hài lòng các nhân viên trẻ.
Bà nói: “Họ có tư tưởng cuộc sống phải thoải mái, nhưng tôi nghĩ, tuổi hai mươi, và một phần của tuổi ba mươi, họ phải làm việc cực chăm chỉ, hòng có được cuộc sống tốt đẹp sau này. Tôi không bao giờ mơ có cuộc sống như thế khi tôi hai mươi lăm tuổi. Tôi có ba công việc cùng một lúc, và sau giờ làm việc, tôi viết sách”. Bà làm việc hai mươi giờ một ngày, trong phòng làm việc của mình, bà có khẩu hiệu: “Không có điều kỳ diệu, chỉ có kỷ luật”.
Có nhiều ý kiến cho rằng đây chỉ là hiện tượng cá biệt, tuy nhiên, ngày càng nhiều chia sẻ của các nhà tuyển dụng về thái độ không nhiệt tình trong công việc của giới trẻ.
|
Ảnh minh họa |
Một nhà xuất bản kể lại, văn phòng cô gần đây đã tuyển vào một nhân viên đầy triển vọng mới tốt nghiệp ngành tiếng Anh Trường đại học Oxford. Cậu ta đã trải qua một thời gian dài kiếm việc vất vả, phải làm các công việc trái ngành để trang trải cuộc sống, nên ai cũng mừng cho cậu vì đây sẽ là công việc tạo nên nấc thang đầu tiên trong sự nghiệp của mình.
Chỉ sau ba tháng, cậu ta bỏ việc. Vì sao? Sau vài tuần đầu tiên, khi được nhẹ nhàng nhắc nhở rằng cậu ta luôn là người rời khỏi văn phòng sớm nhất. Cậu ta ngạc nhiên, bảo vì trong hợp đồng giờ làm việc kết thúc lúc năm giờ rưỡi. Khi được giải thích ai cũng ở lại đến sáu giờ rưỡi, thậm chí là bảy giờ tối, làm việc ở đây là sự nghiệp, chứ không phải đơn thuần chỉ là một công việc. Cậu phản ứng lại: “Thế còn cuộc sống và sức khỏe tinh thần của tôi thì sao? Nếu biết phải ở lại trễ, tôi đã không nhận công việc này”.
Một người làm việc cho công ty quảng cáo cho biết, cách thức phỏng vấn truyền thống đã phải được sửa lại cho phù hợp với thực tế. Trước đây, năm phút cuối cùng là để cho các ứng viên đặt câu hỏi, hiện nay, gần như nửa cuộc phỏng vấn là để cho ứng viên đặt câu hỏi với nhà tuyển dụng về các cơ hội phát triển nghề nghiệp. Các câu hỏi thường gặp là: “Sau bao lâu thì người mới tốt nghiệp như tôi sẽ được lên chức?” và “Nhà tuyển dụng phải làm gì để bảo đảm rằng tôi thỏa mãn trong công việc?”.
Một luật sư không biết nên khóc hay cười khi một cô luật sư trẻ phàn nàn rằng, ông đã ít cười thân thiện với cô. Cô nói thẳng: “Khi tôi trình bày, tôi cần phải thấy nụ cười của ông. Khuôn mặt quá bình thản của ông làm tôi sợ”.
Không ai mong muốn những người trẻ tuổi này chết gục trong văn phòng. Họ là những người có kiến thức, có tham vọng và chí hướng. Khác với các thế hệ trước, họ không uống nước có cồn trong giờ nghỉ trưa hay chơi thả ga trong hai ngày nghỉ, họ uống trà xanh và tập yoga.
Vậy tại sao một thế hệ có tinh thần kỷ luật cao như thế lại bị bốc hơi với khái niệm làm việc chăm chỉ? Và một câu hỏi chưa có lời đáp cho các bậc phụ huynh có con ở độ tuổi này là: “Làm thế nào để chúng có tinh thần và thái độ làm việc như các thế hệ trước? Nếu cả con của Madonna vẫn không thừa hưởng sự chăm chỉ được từ mẹ, thì cơ hội nào cho con cái của người bình thường?”.
Câu trả lời dường như vẫn còn đang bỏ ngỏ.
Phan Quỳnh Dao (theo )