Giới trẻ phương Tây băn khoăn: Có nên tiếp tục sống cùng cha mẹ?

20/05/2024 - 06:04

PNO - Đó là vấn đề mà nhiều người trẻ đang đắn đo, suy tính trong bối cảnh việc làm, thu nhập khó khăn.

Sau khi tốt nghiệp đại học năm 2021, Bethany Clark chuyển về sống cùng cha mẹ ở hạt Surrey, Anh. Cô dự định dành 1 năm để học toàn thời gian và trở thành giáo viên. Vì vậy, việc sống chung với gia đình là lựa chọn hợp lý khi cô chưa có thu nhập. Nhưng dù được nhận đi dạy vào năm 2022, cô vẫn sống với cha mẹ.

Theo Văn phòng Thống kê quốc gia Anh (ONS), vào năm 2023, 33% nam giới dưới 35 tuổi (2,2 triệu người) vẫn sống ở nhà cha mẹ. Tỉ lệ này ở nữ giới cùng độ tuổi là 22% (1,4 triệu người). Bethany nói: “Tôi làm việc ở cùng khu vực nơi gia đình tôi sống. Tôi không thể chuyển đi và phải trả tiền thuê nhà đắt đỏ chỉ để có thêm một chút không gian riêng”. Ngoài một khoản tiền nhà nhỏ trả cho cha mẹ hằng tháng, Bethany có thể tiết kiệm phần lớn thu nhập của mình.

Với nhiều người trẻ, việc quay về sống chung với cha mẹ là một lựa chọn khó khăn  - Ảnh minh họa: Maskot (Getty Images)
Với nhiều người trẻ, việc quay về sống chung với cha mẹ là một lựa chọn khó khăn - Ảnh minh họa: Maskot (Getty Images)

Tại Mỹ, tỉ lệ thanh niên sống ở nhà cha mẹ đã tăng 87% trong 2 thập niên qua. Theo Cục Điều tra dân số Mỹ, hơn một nửa số thanh niên từ 18-24 tuổi ở nước này đang sống với cha mẹ. Trong một cuộc khảo sát của Bloomberg News và Harris Poll năm 2023 với 4.100 người trưởng thành tham gia, 70% người từ 18-29 tuổi đang sống với cha mẹ cho biết, họ sẽ gặp khó khăn tài chính nếu chọn sống ở nơi khác. Dù vậy, không phải ai cũng đồng tình với việc thanh niên chậm rời nhà cha mẹ để sống tự lập. Cuộc khảo sát của Pew Research vào tháng 10/2021 cho thấy, hơn 1/3 người Mỹ nghĩ rằng, việc thanh niên sống với cha mẹ là điều không tốt cho xã hội. Một báo cáo công bố năm 2019 của Viện Đô thị (Mỹ) ghi nhận, những người sống cùng cha mẹ trong độ tuổi 25-34 ít có khả năng sở hữu nhà riêng trong vòng 10 năm sau đó.

Sarah Obutor chuyển về ngôi nhà của gia đình cô ở bang Georgia, Mỹ sau khi rời đại học vì sức khỏe tâm thần kém. Ở tuổi 20, cô cảm thấy cái giá phải trả khi bị mắc kẹt ở nhà. Cô nói: “Cha mẹ vẫn coi bạn như một đứa trẻ, bất kể bạn bao nhiêu tuổi”. Cô dự định quay lại trường đại học vào mùa thu 2024 và sẽ ở ký túc xá. Sarah hy vọng sau khi tốt nghiệp, cô sẽ có thể tự mình xoay xở cuộc sống. Trong một nghiên cứu thực hiện vào năm 2017, triệu chứng trầm cảm ở những người trưởng thành chuyển về sống tại nhà cha mẹ được ghi nhận cao hơn đáng kể so với những người sống tự lập. Một nghiên cứu khác vào năm 2022 cho thấy, việc phải trở về sống cùng cha mẹ có thể gây căng thẳng cho những người trước đó từng rời nhà để sống tự lập.

Bên cạnh đó, khi các cột mốc quan trọng trong cuộc đời - chẳng hạn như rời khỏi nhà cha mẹ, mua nhà riêng, lập gia đình và sinh con - bị trì hoãn, những người sinh trong giai đoạn 1997-2012 (gen Z) có thể cảm thấy như mình đang bị tụt lại phía sau. Trong cuộc khảo sát năm 2022 do mạng lưới hỗ trợ quan hệ xã hội Relate (Anh) thực hiện, 83% người tham gia thuộc gen Z cho biết, họ cảm thấy áp lực khi phải đạt được các cột mốc cuộc đời. Đối với gen Z, khái niệm về tuổi trưởng thành đang thay đổi. Jeffrey Jensen Arnett - giáo sư tâm lý học tại Đại học Clark (Mỹ) - cho rằng, giới trẻ phải trải qua những giai đoạn cuộc sống mới. Ông giải thích: “Tuổi 20 từng là khoảng thời gian mọi người kết hôn hoặc nuôi con nhỏ. Giờ đây, những trách nhiệm đó chỉ đến với hầu hết mọi người vào tuổi 30. Điều đó không có nghĩa là giới trẻ lười biếng hoặc họ không muốn lớn lên và trốn tránh trách nhiệm mà chỉ có nghĩa là xã hội đã thay đổi”.

Tấn Vĩ (theo Business Insider, Telegraph)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI