Giới trẻ mạnh mẽ lên tiếng về biến đổi khí hậu

20/09/2019 - 06:40

PNO - “Tôi không cần bạn lắng nghe tôi, tôi muốn bạn lắng nghe các nhà khoa học". Ngày càng có nhiều người trẻ quan tâm đến biến đổi khí hậu và lên tiếng...

“Hãy lắng nghe những gì khoa học cảnh báo về tình trạng nóng lên toàn cầu” - nhà vận động khí hậu 16 tuổi người Thụy Điển, Greta Thunberg, thẳng thắn nói với các thành viên của Quốc hội Mỹ tại một buổi điều trần.

"Lắng nghe các nhà khoa học"

Greta Thunberg là hình mẫu cho phong trào khí hậu thanh thiếu niên toàn cầu. Cô gái trẻ vừa phát biểu tại phiên điều trần hôm 18/9 rằng, cô không đem theo bất kỳ hồ sơ nào đến Mỹ trừ báo cáo năm 2018 của Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC), trong đó cảnh báo về thảm họa nóng lên toàn cầu. Greta lên tiếng: “Tôi không cần bạn lắng nghe tôi, tôi muốn bạn lắng nghe các nhà khoa học. Tôi muốn các bạn đoàn kết dựa trên kết quả khoa học và tôi muốn nhìn thấy những hành động thực sự". Lời nói của Greta chạm đến phần lớn các chính trị gia Mỹ, những người vẫn còn đắn đo về sự cấp bách, thậm chí là tính chân thực của cuộc khủng hoảng khí hậu.

Gioi tre manh me len tieng ve bien doi khi hau
Tiếng nói của thế hệ trẻ thu hút mối quan tâm của thế giới vì đó là sự phản ánh chân thực nhất của tương lai - Ảnh: AFP

Phiên điều trần diễn ra một ngày sau khi chính quyền của Tổng thống Donald Trump tìm cách ngăn chặn bang California ban hành các tiêu chuẩn khí thải nghiêm ngặt hơn đối với ô tô và xe tải. Ngoài Greta, các thành viên của Quốc hội cũng lắng nghe các nhà hoạt động khí hậu trẻ tuổi khác giải thích về sự tổn thương khi lớn lên trong một thế giới với nguy cơ lũ lụt lớn hơn, bão, nắng nóng và bất ổn vì nhiệt độ toàn cầu tăng.

IPCC là điểm dừng chân mới nhất trong chuỗi các sự kiện của Greta Thunberg. Lập trường của cô tạo ra một phong trào toàn cầu mà đỉnh điểm là cuộc tuần hành vào thứ Sáu, ngày 20/9 với sự góp mặt của cả người lớn và học sinh. Sự kiện này diễn ra trước hội nghị thượng đỉnh về khí hậu của Liên Hiệp Quốc tại New York vào tuần tới, nơi các chính phủ được khuyến khích tăng cường nỗ lực cắt giảm khí thải trong bối cảnh thế giới hiện đang trên đà vượt qua giới hạn ấm lên 20C ghi trong thỏa thuận khí hậu Paris.

Các nhà hoạt động trẻ tuổi thu hút sự chú ý 

Từ Jakarta đến thành phố New York, trẻ em và thanh thiếu niên rời lớp học, diễu hành trên đường phố để yêu cầu hành động về biến đổi khí hậu.  

Oladosu Adenike - người biểu tình 25 tuổi, ở Abuja, Nigeria - nói về tác động của sự nóng lên toàn cầu ở đất nước mình: “Giá lương thực không ngừng tăng cao, lũ lụt cuốn trôi đất đai và hạn hán ảnh hưởng đến năng suất cây trồng, buộc người dân di cư, nông dân xung đột, bất an”.

Jamie Margolin thành lập nhóm Zero Hour ở Seattle, Washington, vào năm 2017, khi cô mới 15 tuổi. Cách đó nửa vòng trái đất, Greta Thunberg bắt đầu bỏ học năm 2018 để đấu tranh bên ngoài Quốc hội Thụy Điển ở Stockholm. Phong trào nhanh chóng lan rộng ra toàn cầu, ước tính có 1,6 triệu trẻ em ở 125 quốc gia xuống đường trong cuộc biểu tình chống biến đổi khí hậu vào giữa tháng Ba. Cuộc biểu tình trên toàn thế giới vào ngày 20/9 có thể là sự kiện về khí hậu lớn nhất từ trước đến nay.

Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc António Guterres tán thành các cuộc bãi khóa, đình công và nói rằng: “Thế hệ của tôi không đáp ứng đúng với thách thức kịch tính của biến đổi khí hậu. Điều này được những người trẻ tuổi cảm nhận sâu sắc. Không có gì ngạc nhiên khi họ tức giận”. Ngày 21/9, Liên Hiệp Quốc cũng đứng ra tổ chức hội nghị thượng đỉnh về khí hậu của giới trẻ tại thành phố New York (Mỹ) nhằm tập hợp các nhà hoạt động, nhà đổi mới, doanh nhân trẻ tuổi từ mọi tầng lớp và mọi khu vực trên toàn cầu.

Dana Fisher - nhà xã hội học tại Đại học Maryland (Mỹ) - nhận xét, tuy những người trẻ tuổi nói về biến đổi khí hậu trong hàng chục năm, nhưng thế hệ mới nhất đông hơn và phối hợp tốt hơn so với những người tiền nhiệm, thúc đẩy phong trào trên các phương tiện truyền thông xã hội, báo chí và tạo ra vòng tròn phản hồi. 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI