Giới trẻ ‘lạc lối’ vì lỡ mất tư duy phản biện

06/04/2019 - 08:07

PNO - Không thể lấy lửa dập tắt lửa. Cơn giận dữ, phẫn nộ của dư luận bắt đầu từ động cơ giành lấy công lý nhưng nếu không cẩn thận, nó sẽ dẫn đến một "cuộc chiến" khác, chệch hướng mục tiêu ban đầu.

Bạo lực quá khích từ suy nghĩ cực đoan

Chỉ trong vài ngày, diễn biến phản ứng của cộng đồng xung quanh hình ảnh từ camera trong thang máy ở một chung cư tại quận 4, TP.HCM chuyển biến ngoài mức tưởng tượng. Dư luận từ cảm xúc phẫn nộ, giận dữ, yêu cầu đi đến tận cùng công lý nay đã bắt đầu chia thành nhiều quan điểm.

Gioi tre ‘lac loi’ vi lo mat tu duy phan bien
Hình ảnh ghi lại từ camera trong thang máy ở một tòa chung cư tại quận 4, TP.HCM đã khiến cộng đồng phẫn nộ.

Trong khi những tổ chức, hiệp hội lên tiếng bảo vệ lợi ích nạn nhân và xa hơn là bảo vệ trẻ em trong tương lai thì không ít người chọn cách đến tận căn nhà ở đường Lê Lợi, Q. Hải Châu, TP. Đà Nẵng chụp hình, vẽ sơn, có những hành vi quá khích gây ảnh hưởng đến an ninh tại khu vực.

Lùi lại một nhịp trong bão lửa tức giận ấy chính là câu hỏi: “Thể hiện sự tức giận đến đâu là đủ?”. Mọi thứ dường như đang đi quá xa, có lẽ đã vượt ngoài suy nghĩ của gia đình bé gái trong thang máy.

Bạo lực cực đoan, bạo lực quá khích là khái niệm những năm gần đây xuất hiện khá nhiều trên các phương tiện truyền thông. Đây chính là sự thể hiện bằng hành động, lời nói bạo lực từ dòng suy nghĩ tiêu cực, không dựa vào bất cứ lý luận hợp lý nào mà chỉ dựa vào cơn tức giận, đặc biệt càng trở nên mạnh mẽ khi có sự tiếp sức của số đông.

Liên Hiệp Quốc vào tháng 12/2015 đã công bố Chương trình Hành động Ngăn chặn Bạo lực Cực đoan, đặt mục tiêu giáo dục cộng đồng bằng cách tư duy phản biện, đóng vai trò người quan sát thay vì người “ném đá”, kích động bạo lực sâu sắc.

Theo đó, thông qua các chương trình giáo dục ngoại khóa, Liên Hiệp Quốc với các tổ chức không chỉ nói với giới trẻ rằng bạo lực là điều xấu xa mà còn dạy họ kỹ năng tư duy phản biện, soi xét vấn đề bằng những lập luận thuyết phục thay vì chỉ dừng lại ở cảm tính, cảm xúc cá nhân.

Hiệp hội Triết học Mỹ trên trang web của mình đã nêu ra những điểm mấu chốt và giáo viên và phụ huynh cần cùng lúc hướng dẫn, thực hành cùng trẻ nếu muốn đứa trẻ phát triển tốt kỹ năng này.

Mọi thứ cần bắt đầu từ sớm với việc khuyến khích trẻ đưa ra lý do và bản thân phụ huynh, giáo viên cũng cần đưa ra lý do khi có bất cứ quyết định, hành động nào. Kế đến là hãy khuyến khích trẻ đặt câu hỏi vì khi đặt ra câu hỏi thì trẻ sẽ học cách giải quyết vấn đề, đưa ra lập luận, giải pháp.

Phụ huynh và giáo viên cần cho trẻ hiểu về những định kiến, từ đó cùng trao đổi với trẻ về lựa chọn trẻ hướng đến nhằm hiểu rõ rằng đó là lựa chọn vì định kiến hay theo suy nghĩ độc lập?

Nắm lấy tương lai bằng tư duy phản biện

Tư duy phản biện không chỉ giúp giải quyết bạo lực cực đoan, bạo lực quá khích mà còn là chìa khóa cho thế hệ tương lai.

Năm 2018, Diễn đàn Kinh tế Thế giới công bố bản báo cáo “Tương lai nghề nghiệp”. Kỹ năng tư duy phản biện được nhấn mạnh sẽ trở thành nhu cầu tăng vượt bậc trong năm 2022. Ai đón đầu được kỹ năng này, người đó sẽ có nhiều cơ hội hơn để mở cánh cửa tương lai. Nếu không, họ sẽ thụt lùi lại, hòa lẫn vào đám đông mà không tìm thấy con đường phù hợp cho bản thân phát triển.

Gioi tre ‘lac loi’ vi lo mat tu duy phan bien
Kỹ năng tư duy phản biện chính là chìa khóa cho trẻ bước vào tương lai.

Từ năm 2007, Nữ hoàng truyền hình Mỹ Oprah Winfrey đã sáng lập Học viện lãnh đạo dành cho nữ sinh Oprah Winfrey (Owlag), cung cấp chương trình học bắt kịp xu hướng thời đại dành cho nữ sinh ở Cộng hòa Nam Phi. Học viện Owlag đa chuẩn bị hoàn thiện chương trình thực nghiệm giúp các nữ sinh có thể tự tin bước vào thời đại của Cách mạng công nghiệp 4.0.

Trong đó, tư duy phản biện là một trong những kỹ năng mấu chốt mà các em phải thực hành nhuần nhuyễn với mục tiêu lớn nhất là các em thành công ngoài cuộc sống chứ không phải chỉ là đạt được những điểm số hoàn hảo ở trường lớp.

Giáo viên Yougeshini Periasawmy phụ trách môn kỹ công nghệ máy tính ứng dụng tại Học viện Owlag chia sẻ: “Chúng tôi chuẩn bị cho các em sẵn sàng với những công việc có thể chưa xuất hiện ở thời điểm hiện tại. Vài năm trước, chẳng ai biết Bitcoin là gì, cũng chẳng ai nghĩ đến chuyện kiếm tiền trên Facebook hay YouTube. Tư duy phản biện sẽ giúp các em sống được trong thế giới không ngừng biến động, thay đổi và giúp các em làm quen với khai niệm học tập mãi mãi”.

Bằng cách tư duy hướng đến đa chiều, phản biện dựa trên logic và chứng cứ khóa học, những em học sinh ở Học viện Owlag luôn đưa ra được những góc nhìn riêng trong từng tình huống, và đó chính là điều mà tương lai cần chứ không phải cách suy nghĩ một chiều, rập khuôn.

Minh Khôi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI