Giới trẻ Đức tuyệt vọng về vấn đề khí hậu

25/09/2021 - 06:29

PNO - Không riêng giới trẻ Đức, hàng trăm ngàn người ở 99 quốc gia cũng đã tham gia các cuộc tuần hành, kêu gọi hành động bảo vệ môi trường khẩn cấp.

Bên ngoài tòa nhà quốc hội Đức, một nhóm các nhà hoạt động vì môi trường đã tuyệt thực kể từ ngày 30/8, đưa yêu cầu cho ba ứng cử viên kế nhiệm Thủ tướng Angela Merkel phải có những hành động trực tiếp hơn để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu.

Tại Đức, hai ngày trước cuộc tổng tuyển cử toàn quốc, nhà hoạt động môi trường người Thụy Điển Greta Thunberg nói với đám đông hơn 100.000 người rằng “không có đảng chính trị nào” làm đủ. Hiện hai trong số các nhà hoạt động đã đẩy mạnh chiến dịch kêu gọi của mình bằng cách tuyên bố sẽ không uống nước cho đến khi yêu cầu của họ được các chính trị gia lắng nghe.

Hàng ngàn giới trẻ Đức tham gia tuần hành trên các tuyến đường ở Berlin chống biến đổi khí hậu, ngày 24/9.
Hàng ngàn người trẻ Đức tham gia tuần hành trên các tuyến đường ở Berlin chống biến đổi khí hậu, ngày 24/9

Klara Hinrichs, người phát ngôn của hai người tuyệt thực, cho biết: “Chúng tôi đã thử mọi cách. Hàng ngàn người trong số chúng tôi đã có mặt trên đường phố tham gia chương trình Fridays for Future (tạm dịch: Thứ 6 cho tương lai) và bắt đầu kiến nghị”.

Dẫu vậy, 3 ứng cử viên thay thế vị trí Thủ tướng Angela Merkel là ông Armin Laschet, lãnh đạo đảng Dân chủ Thiên chúa giáo, bà Annalena Baerbock, lãnh đạo đảng Xanh và ông Olaf Scholz, đại diện cho đảng Dân chủ Xã hội đã không đến gặp những người tuyệt thực, thay vào đó kêu gọi họ bỏ cuộc và giữ gìn sức khỏe bản thân.

"Với những nhà hoạt động đang tuyệt thực, tôi sẽ tuân theo thỏa thuận và nói chuyện với họ sau cuộc bầu cử. Nhưng bây giờ họ phải tự cứu lấy mạng sống của mình và dừng lại" - ông Olaf Scholz viết trên Twitter.

Đức từ lâu đã tiên phong trong các hoạt động đấu tranh chống biến đổi khí hậu và là một trong những quốc gia có tuổi đời cao nhất thế giới. 

Không riêng giới trẻ Đức, hàng trăm ngàn người ở 99 quốc gia cũng đã tham gia các cuộc tuần hành, kêu gọi hành động bảo vệ môi trường khẩn cấp để giải quyết cuộc khủng hoảng sinh thái.

Các nhà tổ chức sự kiện toàn cầu cho biết các cuộc biểu tình đã diễn ra tại hơn 1.800 thị trấn và thành phố trên khắp thế giới với các sự kiện lớn ở châu Âu, châu Phi, Bắc và Nam Mỹ.

Tại Mexico, những người biểu tình đã tập trung trước Cung điện Quốc gia ở thành phố Mexico, yêu cầu công ty dầu khí nhà nước Pemex đưa ra kế hoạch khử cacbon, trong khi ở Bangladesh, các nhà hoạt động yêu cầu loại bỏ các nhà máy điện than và khí đốt mới đã được lên kế hoạch.

Tại London, những người biểu tình đã tụ tập bên ngoài tòa nhà quốc hội để nghe các diễn giả kêu gọi chính phủ Anh làm nhiều hơn nữa để đạt được các mục tiêu về khí hậu. Các cuộc biểu tình lớn cũng được tiếp diễn ở Canada, Brazil và Argentina.

Thu Hương (theo Reuters và Guardian)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI