Giới trẻ đang nghe gì?

28/09/2017 - 12:07

PNO - Giới trẻ đang bị bỏ mặc giữa rừng 'tác phẩm nghệ thuật' lẫn lộn vàng thau. Điều đáng lo nằm ở lượng xem, nghe nhạc nhảm lại luôn cao hơn gấp nhiều lần so với những tác phẩm nghiêm túc.

Giờ nghỉ trưa, trong khuôn viên trường đại học, một nhóm sinh viên đang tụ tập nghe nhạc qua chiếc loa bluetooth nhỏ xíu kết nối với điện thoại. Câu chuyện của họ xoay quanh ca khúc Túy âm - bài hát đạt đến 37 triệu lượt nghe trên mạng chia sẻ video YouTube chỉ sau một tháng xuất hiện. 

Gioi tre dang nghe gi?

Ngoài nội dung bị cho là nhảm, phần hình ảnh trong Như cái lò cũng khiến khán giả xốn mắt

Người khen bài hát “gây nghiện” đúng như mô tả của nhóm tác giả và rằng nếu càng nghe thì sẽ càng “thấm”. Người chê bản phối “chưa tới” và rằng giọng hát của Xesi quá yếu, làm hỏng cả ca khúc vốn có thể rất hay. Điều họ không nói là những ca từ cổ vũ chuyện say sưa, do một nữ sinh 17 tuổi viết trong cơn say - “say đến điên dại, say hết kiếp người, say cho cháy lòng”.

Dẫu sao, Túy âm cũng không phải là một tác phẩm quá tệ nếu so sánh với bản Như cái lò của Khắc Hưng và Huyền Sambi, nhất là trong tương quan giữa những người chơi nhạc underground và các nghệ sĩ chuyên nghiệp, từng đoạt nhiều giải thưởng âm nhạc.

Ngay từ tựa đề, Như cái lò đã khiến khán giả khó chịu khi đó là cụm từ nhạy cảm mà dân mạng thường dùng. Ca từ bài hát cũng đơn giản đến mức bị coi là nhảm: “Hôm nay anh muốn đi đâu xa? Hay hôm nay anh muốn về nhà? Hôm nay trời sao nóng bức quá. Em đang cần một ly nước đá” và đoạn điệp khúc được lặp đi lặp lại “Nóng như cái lò nóng nóng nóng như cái lò”. Phần hình ảnh trên MV là những cú giật, lắc, những thân người cuốn vào nhau giữa những tiếng rên rỉ mà bất cứ ai xem và nghe cũng phải liên tưởng đến cảnh giường chiếu. Kết quả không khó đoán: nhận về hơn 55.000 lượt “Không thích” khi đưa lên mạng, bất chấp việc tác giả Khắc Hưng gọi đó là ca khúc ưng ý nhất của anh.

Gioi tre dang nghe gi?
Như cái lò đầy rẫy những hình ảnh rất gợi như thế này

Những ai từng biết đến rapper Karik hẳn sẽ không ngạc nhiên khi nghe bản Khu tao sống. Nhưng một phụ huynh bất kỳ có thể sẽ hoảng loạn với các ca từ “Khi tất cả trở thành vấn đề, tao để dao làm việc của tao. Tao không gây hấn nhưng dễ ai đụng là đập... Đây là Tân Bình, hẻm 68, Bùi Thị Xuân là khu nuôi đĩ điếm, quán nhậu và đủ loại thành phần... Có danh, có tiếng, có quyền, có miếng, nhưng không có tiền thì biến”. Chưa hết, trong ca khúc còn chêm vào hàng loạt tiếng chửi thề.

Ở cấp độ nhảm hơn Như cái lò, bản Cho họ ghét đi em của nhóm Những chàng trai nhạy cảm lại nhận được hơn 156.000 lượt thích và nhanh chóng đạt hơn 18 triệu lượt xem chỉ sau nửa tháng ra mắt. Phần rap của ca khúc thể hiện “Nhưng đẹp trai là phải tỉnh chứ không yêu ma nó bất kính. Mới sáng sớm anh bước ra ngõ, anh đạp c...t chó thật quá nhọ... Chắc vì thế ông già em khó, ổng không cho quen như vậy mới chó... Cuộc sống là chó còn ta là mèo”.

Cần biết rằng, Những chàng trai nhạy cảm chính là nhóm thực hiện ca khúc Quăng tao cái boong với những ca từ như “Nào nào mình cùng lại đây phê pha. Phê cho nó hết thấy đường về nhà... Con ghệ mày nó dám lên tiếng thì tao sẽ cú đầu.... Thế nên cứ việc hút chẳng cần phải đúng sai”. Ca khúc cổ xúy việc dùng cần sa với những hình ảnh nhóm thanh niên phì phèo ống điếu hiện vẫn tiếp tục làm mưa làm gió trên các trang nghe nhạc, đạt đến 90 triệu lượt xem - vượt xa cả tác phẩm của những sao hạng A trên thị trường nhạc Việt.

Gioi tre dang nghe gi?
Cho họ ghét em đi với những hình ảnh na ná Quăng tao cái boong

Từ góc độ chuyên môn, Cho họ ghét đi em có cùng một mô-típ phát triển với Quăng tao cái boong nếu không muốn nói là sự lặp lại của tác phẩm trước cả về trang phục lẫn vũ đạo và góc quay clip - cái khiến MV của nhóm trông lạ mắt nhưng lại không khác mấy các MV kiểu Thái Lan. Hàm lượng sáng tạo trong các ca khúc trên đều không nhiều, đặc biệt là Như cái lò bị công chúng xem là sự cóp nhặt phong cách của các MV Âu Mỹ.

Tương tự, MV Em gái mưa của Hương Tràm hiện đang đứng đầu hàng loạt bảng xếp hạng nhạc Việt, nắm giữ hơn 38 triệu lượt xem trên YouTube chỉ sau 20 ngày ra mắt, là mô-típ thanh xuân (về những mối tình học trò) của các bộ phim ngôn tình Trung Quốc, Hàn Quốc. Thậm chí khúc thức, giai điệu của Em gái mưa cũng phảng phất “mùi” phim Hàn. Nhân vật cũng nhập viện vì lên cơn đau tim.

Thời đại càng nhảm, càng sốc càng dễ hút view (càng nổi tiếng và kiếm được tiền) đã khuyến khích nghệ sĩ bước vào cuộc đua nhạc rác, miễn là có người nghe và xem. Những bộ lọc dưới dạng hội đồng nghệ thuật hay bộ phận biên tập của các trang nhạc online, các đài truyền hình... giờ đã bị vô hiệu hóa hoặc không còn tác dụng ngăn chặn. Giới trẻ đang bị bỏ mặc giữa rừng “tác phẩm nghệ thuật” lẫn lộn vàng thau. Điều đáng lo nằm ở lượng xem, nghe nhạc nhảm lại luôn cao hơn gấp nhiều lần so với những tác phẩm nghiêm túc. 

Đã có một thời nhạc Việt tràn ngập những ca khúc phản cảm, gây sốc khiến khán giả phải phản ứng, cơ quan chức năng phải yêu cầu chấn chỉnh. Thế nhưng hôm nay, khi các kênh truyền tải tác phẩm đến công chúng không còn chỉ khoanh vùng trong băng đĩa, đài phát thanh hay truyền hình, cũng không chỉ ở những trang nghe nhạc chính thức tại Việt Nam thì nhạc nhảm đã có cơ hội quay trở lại mà không phải chịu bất kỳ sự kiểm duyệt nào.

Phạm Thành Nhân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI