Chậm để tái tạo
Guồng quay hối hả của công việc, sự căng thẳng vì không có thời gian nghỉ ngơi, thư giãn khiến phần lớn giới trẻ châu Á gần như rơi vào tình trạng kiệt sức. Tuy nhiên, điều khiến họ lo lắng hơn cả chính là bản thân dường như đã đánh mất phương hướng và mục tiêu tương lai. Không chấp nhận được tình trạng trên, nhiều người trẻ đang bắt đầu sống chậm lại. Họ nghỉ việc, thay đổi việc làm để tìm lại chính mình.
|
Yang Wen ngồi bên quầy hàng bán đồ ngọt di động của mình với tấm biển ghi “Cuộc đời thật cay đắng, vì vậy bạn cần thứ gì đó ngọt ngào” - Ảnh: Sixth Tone |
Nabi (27 tuổi, Trung Quốc) - kỹ sư công nghệ thông tin - đã nghỉ việc và bắt đầu dấn thân vào con đường kinh doanh vỉa hè, không còn dành hầu hết thời gian trong tuần để sửa lỗi và liên tục tham gia các cuộc họp.
Vào những tối cuối tuần, Nabi tỉ mỉ trưng bày những món đồ thủ công cô tự làm tại một tuyến phố ở thành phố Tây An, tỉnh Thiểm Tây. “Giờ đây, tôi làm việc ít hơn khi không có tâm trạng và bắt đầu công việc kinh doanh lúc tối muộn. Trong bốn tháng qua, tôi đã kết bạn với một số người kinh doanh có cùng chí hướng, trao đổi ý tưởng với họ từ việc chọn địa điểm bán hàng hiệu quả, ít tốn kém về chi phí mặt bằng cho đến quan điểm về cuộc sống và định hướng tương lai” - Nabi chia sẻ. Cô đã nhận được sự ủng hộ nồng nhiệt từ các nhân viên văn phòng trẻ tuổi và cảm thấy vui với công việc mới.
Sự chuyển hướng của giới trẻ Trung Quốc phần nào được thúc đẩy bởi mong muốn thoát khỏi văn hóa làm việc áp bức và thử nghiệm triết lý carpe diem (nắm bắt khoảnh khắc). Ở các thành phố năng động như Thượng Hải, cảnh những người trẻ tuổi bán cà phê, phụ kiện và tranh vẽ dọc theo những con đường rợp bóng cây và những quán ăn uống di động ở các khu phố sầm uất xuất hiện ngày càng nhiều, đặc biệt từ khi thành phố này chấm dứt các hạn chế dịch COVID-19 từ tháng Sáu.
Trên mạng xã hội Xiaohongshu, có hơn 1,5 triệu bài mà những thanh niên khởi nghiệp kinh doanh đăng tải, từ công thức nấu ăn đến các hoạch định, với mong muốn truyền cảm hứng cho những người khác. “Đó là một cộng đồng thân thiết, điều mà tôi chưa từng trải nghiệm khi làm những công việc trước đây” - Nabi nói.
|
Giới trẻ châu Á chán nản với công việc văn phòng đầy áp lực - Ảnh: BBC |
Trong khi nhiều người chuyển hướng sang kinh doanh vỉa hè để thoát khỏi áp lực công việc văn phòng cứng nhắc, một số người coi việc bán hàng rong như một giải pháp thay thế, mang đến thu nhập tạm thời. Yang Wen, ở Quý Châu, cũng nằm trong số đó. Đại dịch đã khiến người đàn ông 28 tuổi này mất đi nhà hàng lẩu và một quán bar truyền thống. Anh buộc phải bán hàng rong để kiếm sống. “Gia đình và người thân không bao giờ hiểu được quyết định của tôi. Họ không nhận ra rằng tôi không thể thoát khỏi khó khăn khi làm một công việc bình thường với mức lương ít ỏi” - Yang Wen cho biết.
Nhờ khả năng tính toán tốt, quầy hàng đồ ngọt của Yang Wen thu hút khoảng 200 khách mỗi ngày, trở thành địa điểm lui tới thường xuyên của những người trẻ thành thị.
Tại Nhật Bản, nhiều thanh niên trẻ tuổi cũng đang tìm kiếm sự tự do. Họ từ chối văn hóa công sở khắt khe với hệ thống cấp bậc cứng nhắc, mỗi ngày phải làm việc 15 giờ liên tục. Theo nghiên cứu của Viện Recruit Works, tỷ lệ nghỉ việc của nhân viên trẻ tại các công ty lớn trong vòng ba năm trở lại đây ở xứ sở hoa anh đào đã tăng lên 26,5% so với mức 20,5% vào tám năm trước. Một số người thậm chí còn rời khỏi đô thị đến sống ở ngoại ô. Lần đầu tiên kể từ năm 1996, dân số Tokyo đã giảm, trong năm 2021 chỉ còn dưới 14 triệu người.
Quãng thời gian dài làm việc từ xa do đại dịch COVID-19 giúp mọi người có nhiều thời gian hơn để suy nghĩ về sự nghiệp và cuộc sống. Từ đó, không ít người nảy sinh ý định thay đổi. “Ikigai” hay mục đích sống đã trở thành một từ thông dụng của giới trẻ Nhật hiện nay. Nhiều người chọn ưu tiên gia đình, trong khi những người khác tìm kiếm công việc phụ phù hợp hơn với sở thích của họ.
Rikako Furumoto, một sinh viên 21 tuổi, nói dù cô muốn đầu quân cho một công ty lớn, danh tiếng nhưng “nếu không thích công việc đó, tôi sẽ bỏ việc và tìm việc khác”. Với cô, tiền lương và uy tín vô cùng quan trọng; nhưng Furumoto muốn được làm trong môi trường cởi mở, nơi cho phép cô làm việc từ xa ít nhất vài ngày mỗi tuần và có không gian tái tạo năng lượng để sáng tạo.
Theo nghiên cứu của công ty công nghệ Kisi, 59% nhân viên văn phòng ở Singapore cũng đang tìm kiếm công việc mới trong vòng một năm trở lại đây. Trong khi đó, 68% nhân viên được khảo sát ở Indonesia cho biết họ sẵn sàng từ bỏ việc tăng lương hoặc thăng chức để đạt được sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống.
|
Nhiều thanh niên Hàn Quốc đối mặt với các vấn đề sức khỏe tâm thần vì công việc căng thẳng - Ảnh: Borgen Project |
Thay đổi để phát triển
Để từ bỏ một công việc ổn định chưa bao giờ là điều dễ dàng, có người hài lòng và cũng có người hối hận với quyết định của mình. Dù vậy, phần lớn người trẻ châu Á, nhất là những người có lối sống phóng khoáng, luôn coi mọi chuyện rất nhẹ nhàng.
Trong bốn tháng kể từ khi chuyển hướng sang kinh doanh ở vỉa hè, Nabi chỉ kiếm được gần 300 USD. Sau đó, công việc kinh doanh của cô bị tạm ngừng do sự bùng phát của dịch COVID-19, cộng thêm kinh tế thiếu ổn định, cô buộc phải đóng cửa gian hàng.
“Việc tự kinh doanh thực sự khó hơn tôi nghĩ. Có lẽ tôi không thể tiếp tục nhưng tôi không hối hận về lựa chọn nghỉ việc văn phòng để bán hàng rong. Tôi coi dự án kinh doanh vừa qua như một sự giải tỏa áp lực về tinh thần và rèn luyện kỹ năng cho bản thân” - Nabi tâm sự. Sau thời gian ổn định lại tâm lý và xác định được mục tiêu tương lai, Nabi sẵn sàng quay trở lại công việc kỹ sư công nghệ thông tin với nguồn năng lượng tích cực nhất.
Bên cạnh những bài học thất bại, đôi khi những quyết định liều lĩnh cũng mang lại cho thế hệ trẻ những thành quả ngọt ngào.
Li Xiaorong (35 tuổi, Trung Quốc) không giấu được niềm hạnh phúc khi dự án kinh doanh của mình thành công rực rỡ. Sau khi rời bỏ công việc tại một công ty công nghệ thông tin, giờ đây, anh đã tìm được con đường mới, giúp mọi người có được không gian sống gọn gàng, đẹp mắt. Đối mặt với những căn phòng chứa hàng ngàn thứ lộn xộn, với óc sáng tạo, anh có thể nhanh chóng đưa ra kế hoạch sắp xếp. Chỉ sau vài ngày, anh đã biến những căn phòng lộn xộn này trở nên ngăn nắp.
Doanh nhân trẻ Hendy Setiono (Indonesia), người sáng lập kiêm giám đốc điều hành PT. Baba Rafi có trụ sở tại Indonesia với bốn thương hiệu thực phẩm nhượng quyền là ví dụ điển hình.
Bỏ ngang việc học ngành công nghệ thông tin để theo đuổi ý tưởng mạo hiểm: đầu tư vào ngành thực thẩm và đồ uống; nỗ lực không mệt mỏi cùng tầm nhìn, chiến lược kinh doanh tốt giúp Hendy Setiono đạt được thành công lớn. Chỉ sau sáu năm khởi nghiệp, PT. Baba Rafi đã phát triển thành chuỗi nhượng quyền hàng đầu châu Á với 475 cửa hàng khắp Indonesia và đang có kế hoạch mở rộng sang các quốc gia Đông Nam Á.
Doanh nhân Marvin Agustin (Philippines) cũng từng nhận vô số ánh nhìn hoài nghi khi tạm gác lại công việc diễn xuất, cùng bạn bè thành lập SumoSam Foods Inc, nhà hàng bình dân phục vụ các món ăn Mỹ - Nhật. Từ một nhà hàng ban đầu, Marvin Agustin đã mở thêm 10 nhà hàng quanh các ga tàu điện ngầm ở Manila. Marvin Agustin chia sẻ anh đã tìm ra công thức phù hợp để điều hành một chuỗi nhà hàng thành công. Hiện tại, anh cũng sở hữu các thương hiệu khác bao gồm nhà hàng Nhật Bản John and Yoko, Cafe Ten Titas và gần đây nhất là nhà hàng Ý có tên Gambino.
Chung Thu Hương