Giới trẻ châu Á không dám kết hôn khi không nhà, không xe

08/08/2022 - 06:31

PNO - Gánh nặng tài chính và nỗi lo mất tự do là hai lý do khiến giới trẻ châu Á không còn mặn mà với hôn nhân.

Ngày càng nhiều người trẻ ở châu Á, trong đó có Trung Quốc trì hoãn hoặc trốn tránh hôn nhân. Số liệu do Bộ Dân sự Trung Quốc công bố năm 2021 cho thấy, khoảng 92 triệu người trưởng thành ở nước này đang sống một mình, 20 triệu người trong số đó thuộc độ tuổi từ 20 - 39 và cư trú tại các đô thị. Feng Wenmeng - Giám đốc Văn phòng Nghiên cứu của Viện Hành chính công và Nhân lực - nói: “Trình độ học vấn cao, chi phí kết hôn cao, mức độ cạnh tranh xã hội gay gắt và những thay đổi trong thái độ đối với hôn nhân đều góp phần vào việc trì hoãn kết hôn của thế hệ trẻ Trung Quốc”.

Nhiều người trẻ Hàn Quốc chọn lối sống một mình khi giá nhà đất quá cao khiến họ không thể mua nổi một căn nhà
Nhiều người trẻ Hàn Quốc chọn lối sống một mình khi giá nhà đất quá cao khiến họ không thể mua nổi một căn nhà

Tại Hàn Quốc, tình trạng nói không với hôn nhân của giới trẻ thậm chí còn diễn biến tệ hơn. Theo thống kê trong năm 2021, chỉ có 192.500 cặp đôi đăng ký kết hôn, giảm 9,8% so với năm 2020. Các chuyên gia chỉ ra giá nhà ở tăng cao là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến xu hướng này. Kang Dong-ik và Song Kyung-ho - hai nhà nghiên cứu tại Viện Tài chính công Hàn Quốc - chia sẻ, giá nhà ở tăng sẽ làm giảm số trẻ em trong mỗi hộ gia đình trong tám năm tới. Tỷ lệ sinh của Hàn Quốc hiện đã giảm xuống mức 0,81 vào năm ngoái, mức thấp nhất trong số các nước thành viên Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD). 

Ngoài ra, việc mong muốn có cuộc sống tự do cũng khiến giới trẻ châu Á ngần ngại lập gia đình. Vicky Liu (Thiên Tân, Trung Quốc) sinh năm 1997, là một trong những người trẻ tuổi có lý tưởng sống độc lập. Ngay sau khi cô tốt nghiệp thạc sĩ ở Anh, cha mẹ đã bắt đầu sắp xếp cho cô những buổi hẹn hò nhưng cô nói: “Tôi là một phụ nữ trưởng thành. Tôi muốn có sự nghiệp và thoải mái vui chơi với bạn bè. Tôi không muốn bị ràng buộc vào cuộc sống gia đình quá sớm”.

Bên cạnh một số thanh thiếu niên chọn cuộc sống cô đơn vì không thể mua nổi nhà thì nhiều cặp vợ chồng Hàn Quốc đang tạm hoãn việc đăng ký kết hôn để có thể dễ dàng sở hữu ngôi nhà đầu tiên của mình. Theo tờ Chosun IIbo, nhiều cặp đôi đã sống chung nhưng vẫn giả vờ độc thân nhằm lọt được vào danh sách chờ để mua nhà giá rẻ của Chính phủ hoặc tránh né được khoản thuế bất động sản đáng kể, khi mua nhà theo các quy định của Chính phủ.

David Min, 29 tuổi, làm việc trong ngành vận tải và hậu cần, cho biết anh đã tổ chức lễ cưới không chính thức với vợ cách đây một năm nhưng chưa đăng ký kết hôn vì họ chưa thể mua được nhà. “Chúng tôi chưa có đủ tiền để mua một căn hộ chung cư. Vì vậy, không có gì phải vội vàng đăng ký kết hôn. Tôi đang cân nhắc việc mua một căn nhà do mình đứng tên và việc độc thân sẽ giúp tôi có lợi thế hơn trong danh sách chờ”, Min cho biết.

Trái lại, tại Trung Quốc, nhiều phụ nữ lại coi hôn nhân như một rủi ro tài chính. Allison Malmsten - Giám đốc tiếp thị tại Daxue Consulting có trụ sở tại Hồng Kông - cho biết, nhiều phụ nữ Trung Quốc độc thân lo ngại việc lập gia đình khiến họ phải hy sinh tự do tài chính của mình. Malmsten nói thêm: “Trong hai thập niên qua, chúng tôi đã chứng kiến phụ nữ Trung Quốc trở nên giàu có hơn. Họ đang tiêu nhiều tiền hơn cho bản thân thay vì chỉ cho gia đình. Ngày càng có nhiều phụ nữ mua sắm ô tô hoặc bất động sản. Đối với một số phụ nữ, cuộc sống độc thân của họ rất tốt và chất lượng, do đó với họ việc kết hôn có thể gặp rủi ro, nhất là vấn đề chia sẻ tài sản”. 

Chung Thu Hương (theo Korea Times và Insider)

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI