Giới trẻ châu Á chọn sống kiểu mặc kệ sự đời

24/10/2022 - 06:58

PNO - Mất niềm tin, thất vọng với công việc và cuộc sống khiến giới trẻ châu Á đang hình thành xu hướng trốn tránh thực tại, mặc kệ sự đời.

Những người trẻ châu Á đang đối mặt nhiều khủng hoảng về tâm lý khi cuộc sống của họ liên tục bị xáo trộn vì dịch COVID-19 kéo dài như nạn thất nghiệp gia tăng, bất ổn kinh tế… Thất vọng với công việc và cuộc sống, nhiều thanh niên không ngần ngại chọn cách quay lưng lại với nhịp sống hối hả, sẵn sàng từ bỏ ước mơ và khát vọng của mình. 

Không cần nhà, xe nữa, nhiều thanh niên châu Á chấp nhận sẽ không phấn đấu, kết hôn, chỉ sống đơn giản - ẢNH: CNBC
Không cần nhà, xe nữa, nhiều thanh niên châu Á chấp nhận sẽ không phấn đấu, kết hôn, chỉ sống đơn giản - Ảnh: CNBC

Crystal Guo (Trung Quốc) cho biết cô thường làm việc trong khoảng 6 tháng đến một năm trước khi nghỉ việc. Đó là điều mà cô gái 30 tuổi mô tả về lối sống mới của mình “làm việc gián đoạn và kiên trì tang ping”.

Khái niệm tang ping đang trở thành một thuật ngữ phổ biến, được hiểu đơn giản là nằm thẳng và mặc kệ sự đời. “Sự phổ biến của từ này phản ánh sự căng thẳng và nỗi thất vọng mà giới trẻ đang đối mặt. Tang ping là sự từ chối làm việc quá sức và chỉ làm ở mức tối thiểu” - Jia Miao - nhà nghiên cứu độc lập tại Đại học New York Thượng Hải - cho biết.

Guo chia sẻ cô đã bị cho nghỉ việc 2 lần trong chưa đầy 1 năm. Lần đầu tiên là vào tháng 7 năm ngoái, khi đang làm việc tại một trung tâm dạy học. Chính phủ kiểm soát gắt gao tình trạng dạy thêm để giúp học sinh giảm bớt áp lực học hành, do đó cô đã bị sa thải. Sau khoảng nửa năm du lịch vòng quanh Trung Quốc bằng gói trợ cấp thôi việc, Guo trở về nhà ở Thâm Quyến và xin vào làm tại một công ty bất động sản nhưng cũng không bao lâu sau đó, cô lại bị cho nghỉ việc.

Không riêng Guo, nhiều bạn trẻ châu Á cũng đang trốn tránh thực tế như vậy. Theo số liệu của Cơ quan Thống kê Hàn Quốc, tình trạng thất nghiệp đã tăng vọt sau đại dịch. Chi phí sinh hoạt và giá bất động sản tăng cao khiến giới trẻ xứ kim chi không còn mặn mà với những hoạch định tương lai, chọn lối sống tới đâu hay tới đó. Joongseek Lee - giáo sư tại Đại học Quốc gia Seoul - chia sẻ rằng gánh nặng nuôi dạy con cái và áp lực kinh tế khiến giới trẻ Hàn Quốc đang phát triển xu hướng sống một mình. 

Anh Sho (37 tuổi, Nhật Bản) tâm sự không riêng anh mà nhiều bạn bè của mình không còn cảm thấy hào hứng với việc lập gia đình. Bởi họ lo ngại không kiếm đủ tiền để trang trải chi phí cho cả gia đình. Theo báo cáo về giới năm 2022 của Văn phòng Nội các Nhật Bản, 25,4% phụ nữ và 26,5% nam giới ở cùng độ tuổi 30 cho biết họ không muốn kết hôn. Tương tự, hơn 19% nam giới và 14% nữ giới ở độ tuổi 20 cũng chia sẻ không có ý định lập gia đình.

“Khi tôi 22 tuổi, tôi lo lắng không biết mình sẽ đạt được gì ở tuổi 30. Nhưng bây giờ ở tuổi 30, tôi chấp nhận là người bình thường. Tôi không nghĩ việc giàu có, hay có khả năng mua một căn nhà là điều quan trọng nữa” - Guo cho biết.

Chung Thu Hương (theo CNBC)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI