Giới trẻ châu Á chật vật với nhiều vấn đề gây ra bởi đại dịch

29/12/2021 - 06:56

PNO - Sau gần hai năm đại dịch, ngày càng có nhiều thanh niên thất học, suy dinh dưỡng và trầm cảm trên khắp châu Á, dù nhiều người trẻ cũng đã trở nên kiên cường hơn và biết cách thích nghi với hoàn cảnh.

Với hầu hết người trẻ khu vực châu Á, đại dịch đã khiến họ bỏ lỡ nhiều cơ hội trong cuộc đời. Tại Indonesia, nơi có 25% dân số trong độ tuổi từ 10-24, đại dịch đã khiến nhiều bậc cha mẹ phải buộc con cái ngưng học hành và kết hôn sớm để giảm gánh nặng kinh tế cho gia đình. Độ tuổi kết hôn hợp pháp ở nước này là 19, nhưng dữ liệu cho thấy số người kết hôn chưa đủ tuổi tăng gấp ba lần, từ 23.126 trường hợp năm 2019 lên 64.211 trường hợp vào năm 2020.

Tại Thái Lan, ít nhất 10.000 học sinh đã bỏ học kể từ khi đại dịch bắt đầu và con số này dự kiến sẽ tăng lên 65.000 vào cuối năm nay. Theo Bộ Giáo dục Malaysia, đã có hơn 21.300 học sinh nghỉ học từ tháng Ba năm ngoái đến tháng Bảy năm nay. Tương tự, ở Ấn Độ, 4,6% trẻ em không đi học trong năm nay. Số liệu chính thức cho thấy có khoảng 150 triệu trẻ em không theo học tại các trường.

Ngoài ra, giới trẻ châu Á cũng bị bao phủ bởi bóng đen về sức khỏe thể chất và tinh thần. Ấn Độ đã ghi nhận mức tăng vọt đến 91% về số trẻ em bị “suy dinh dưỡng nghiêm trọng” so với năm ngoái, với 1,77 triệu trường hợp. Tiến sĩ Jitendra Nagpal - bác sĩ tâm thần tại Bệnh viện Moolchand, New Delhi - cho biết các trường hợp trầm cảm ở trẻ em và thanh thiếu niên đã tăng gấp ba lần.
 

Các con của chị Thanaporn Limrungsukho (blogger Thái Lan) thân thiết và yêu thương nhau hơn trong đại dịch vì chúng được cùng ở nhà và chơi với nhau
Các con của chị Thanaporn Limrungsukho (blogger Thái Lan) thân thiết và yêu thương nhau hơn trong đại dịch vì chúng được cùng ở nhà và chơi với nhau

Thực tế, các biện pháp phong tỏa hoặc tăng cường hạn chế đã buộc những người trẻ phải học ở nhà trong thời gian dài, ít tương tác với bạn bè, gây ra vấn đề tâm lý rất lớn. Margaret Lim - một phụ huynh người Malaysia - cho biết: “Hai đứa con của tôi chán nản và mệt mỏi vì thời gian dài không được tương tác xã hội. Đứa trẻ khác thì sợ nhiễm vi-rút đến mức không dám bước ra khỏi nhà ngay cả khi đã nới lỏng giãn cách”. Một cuộc khảo sát của Bộ Trao quyền cho phụ nữ và Bảo vệ trẻ em ở Indonesia cho thấy có 13% số người được hỏi ở độ tuổi dưới 18 bị trầm cảm từ nhẹ đến nặng vào năm ngoái. Tại Philippines, đại dịch đã làm trầm trọng thêm các vấn đề sức khỏe tâm thần ở trẻ từ 5-15 tuổi. 

Những sinh viên đã tốt nghiệp thì gặp vấn đề căng thẳng hơn là tìm được việc làm. Sinh viên y khoa Kenly Chandra - 23 tuổi, người Indonesia - cho biết đại dịch đã làm tương lai u ám hơn vì anh sẽ không thể hoàn thành việc học đúng hạn và phải bỏ lỡ chương trình trao đổi sinh viên ở nước ngoài. 

Tuy vậy, vẫn còn đó những điểm sáng. Thanaporn Limrungsukho - một blogger Thái Lan - chia sẻ hai đứa con của chị, một bé năm tuổi và bé tám tuổi đã thân thiết và yêu thương nhau hơn sau phong tỏa. “Cả hai vẫn chiến đấu, nhưng chúng cũng đã học được cách thỏa hiệp hoặc thương lượng với nhau, mà tôi nghĩ đó là những kỹ năng cần thiết”. Cô bé Ursula Merveille Virinescia - 10 tuổi, người Indonesia - cho biết em đã học được những kỹ năng mới như vẽ tranh và tạo hình ảnh động trên ứng dụng điện thoại của mình.

Guido Anderlecht Aurelius Maximus - 18 tuổi, người Indonesia - đã phát triển kỹ năng chơi bida của mình từ một huấn luyện viên và đã giành chiến thắng trong một số cuộc thi. Riêng cô gái Lee Young - 22 tuổi, người Singapore - thì có nhiều bạn bè hơn và thu nhập cũng ổn hơn nhờ dạy tiếng Anh và yoga online. Đó là niềm vui giúp cô vượt qua những ngày này. 

Thảo Nguyễn (theo Straits Times)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI